Hợp đồng ủy quyền là một hình thức giao dịch dân sự. Với cách giao kết thực hiện đơn giản, thực tiễn áp dụng cao, nên loại hợp đồng này được người dân sử dụng rất nhiều. Vậy một bên ký công chứng hợp đồng ủy quyền có được không?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng ủy quyền không công chứng thì có hiệu lực về mặt pháp luật không?
1.1. Các vấn đề liên quan đến hợp đồng ủy quyền:
Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hợp đồng ủy quyền là một trong những giao dịch pháp lý được áp dụng phổ biến trong thực tiễn đời sống hiện nay. Xét về bản chất, hợp đồng ủy quyền là việc bên nhận uỷ quyền nhân danh bên ủy quyền thực hiện các công việc theo nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Bên nhận ủy quyền sẽ đại diện cho bên ủy quyền thực hiện các công việc pháp lý nhất định. Sau khi được công chứng, chứng thực, hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực pháp lý. Lúc này, các thỏa thuận về nội dung ủy quyền trước đó của các cá nhân, tổ chức sẽ được pháp luật công nhận.
Thông qua hộ đồng ủy quyền, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc bàn giao nhiệm vụ và nhận lợi ích giữa các bên với nhau. Khi người dân không thể trực tiếp thực hiện một vấn đề pháp lý nào, họ có thể hướng đến việc làm hợp đồng ủy quyền. Tại đây, cá nhân, tổ chức khác sẽ nhân danh, đại diện họ thực hiện các vấn đề pháp lý liên quan.
Hợp đồng ủy quyền là một hình thức giao dịch dân sự. Với cách giao kết thực hiện đơn giản, thực tiễn áp dụng cao, nên loại hợp đồng này được người dân sử dụng rất nhiều.
1.2. Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải được công chứng không?
Luật công chứng 2014 đã quy định một cách rõ ràng về vấn đề công chứng. Theo đó, những trường hợp nào bắt buộc phải công chứng, những trường hợp nào không bắt buộc phải công chứng đều được bộ luật này quy định rõ.
Xét về vấn đề công chứng hợp đồng ủy quyền, điều 55 Luật công chứng 2014 chỉ quy định về các thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền chứ không nêu rõ về vấn đề bắt buộc phải công chứng trừ một số trường hợp đặc biệt.
Từ nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, hợp đồng ủy quyền không bắt buộc phải được công chứng trong mọi trường hợp. Chỉ khi thuộc vào một trong các trường hợp bắt buộc mà Nhà nước đưa ra, các cá nhân, tổ chức mới cần thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền.
2. Một bên ký công chứng hợp đồng ủy quyền có được không?
Bản chất của hợp đồng ủy quyền là một giao dịch dân sự, theo đó, bên nhận ủy quyền và bên ủy quyền sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nhau. Cụ thể, bên nhận ủy quyền sẽ phải thay bên ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc nhất định như đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền.
Theo nội dung phân tích ở trên, hợp đồng ủy quyền không bắt buộc phải công chứng. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền dựa trên sự thống nhất thỏa thuận giữa các bên với nhau.
Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức hướng đến việc công chứng hợp đồng ủy quyền thì phải tuân thủ theo các quy định tại Điều 55 Luật công chứng 2014 như sau:
+ Khi thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia. Tức các bên tham gia sẽ đến văn phòng công chứng, làm thỏa thuận ủy quyền về một nội dung nào đó, và văn phòng công chứng sẽ giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên để các bên tham gia nắm được và thực hiện.
+ Đối với trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Xét trong thực tế, có rất nhiều trường hợp bên nhận ủy quyền và bên ủy quyền không thể cùng nhau đến văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng. Lúc này, việc công chứng hợp đồng ủy quyền sẽ được chia ra làm hai đợt: Một bên công chứng hợp đồng ủy quyền trước, sau đó chuyển hợp đồng ủy quyền cho bên còn lại, bên còn lại có trách nhiệm công chứng tiếp nội dung. Quy định về việc công chứng này nhằm hướng đến việc thống nhất về sự thỏa thuận chung giữa các bên trong hợp đồng ủy quyền.
Xét theo quy định tại Điều 55 Luật công chứng 2014 nêu trên, có thể thấy, bên nhận ủy quyền và bên ủy quyền không nhất thiết phải đồng thời ký vào hợp đồng ủy quyền tại cùng thời điểm công chứng. Hay nói cách khác, bên ủy quyền và bên được ủy quyền không bắt buộc phải cùng nhau đến văn phòng công chứng mà có thể ủy quyền vắng mặt hay còn gọi là ủy quyền thụ ủy.
Song xét về bản chất chung nhất, hợp đồng ủy quyền được công chứng phải có chữ ký xác nhận, thống nhất thỏa thuận chung giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
Trên đây là những nội dung phân tích để trả lời cho câu hỏi một bên ký công chứng hợp đồng ủy quyền có được không?
3. Hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền:
Khi tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền, các cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 40 Luật công chứng 2014 như sau:
+ Phiếu yêu cầu công chứng: Phiếu yêu cầu công chứng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
+ Dự thảo hợp đồng, giao dịch. Bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền cần cung cấp trong hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền đã được dự thảo trước đó. Đây được xem là đối tượng của hoạt động công chứng.
+ Bản sao các giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng là căn cứ để cơ quan công chứng dựa vào, xác minh chủ thể tham gia trong giao dịch cần được công chứng. Đây cũng là cơ sở để xác định xem các cá nhân có đảm bảo đầy đủ điều kiện để tham gia giao dịch dân sự hay không.
+ Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó, cần cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định;
+ Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức cần cung cấp bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Trên đây là các giấy tờ, tài liệu mà các cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ trong hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền.
4. Ai là người được yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền?
Điều 47 Luật công chứng 2014 quy định về người được yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
– Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự. Nếu người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó. Khi tiến hành công chứng, người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
– Đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
– Đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.
Người yêu cầu công chứng là các cá nhân, tổ chức có yêu cầu được công chứng. Người yêu cầu công chứng thường là các chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch dân sự. Do đó, pháp luật cần kiểm tra một cách kỹ càng về chủ thể này. Chỉ khi đáp ứng được những điều kiện nêu trên, yêu cầu công chứng của họ mới được Cơ quan công chứng tiếp nhận và thụ lý giải quyết.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật công chứng 2014.