Các quy định về vi phạm pháp luật? Các quy định về trách nhiệm pháp lý? Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ như thế nào?
Ngày nay, pháp luật không chỉ nhìn nhận là của “riêng” nhà nước là công cụ để nhà nước tổ chức và quản lí xã hội. Mà ngược lại, pháp luật đã dần trở thành “tài sản” chung của toàn xã hội, là một loại quy tắc ứng xử đặc biệt quan trọng trong đời sống cũng như là yếu tố thiết yếu cho cuộc sống. Nếu một cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Vậy Mối quan hệ giữa vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý như thế nào?
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Các quy định về vi phạm pháp luật:
Pháp luật Việt Nam chưa có điều luật quy định rõ ràng về định nghĩa vi phạm pháp luật. Theo cách hiểu phổ biến thì vi phạm pháp luật là: vi phạm pháp luật là chủ thể thực hiện hành vi trái luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện và đã xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ như: sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy; mua bán đất trái pháp luật, điều khiển xe khi không có bằng lái.…
Xác định dấu hiệu của một hành vi có vi phạm pháp luật hay không đóng vai trò rất quan trọng bởi vì khi không xác định rõ dễ dẫn đến nhầm lẫn với vi phạm chuẩn mực đạo đức và các loại vi phạm khác. Vì vậy, để xác định hành vi vi phạm pháp luật có thể thông qua các dấu hiệu sau:
– Người vi phạm có hành vi trái pháp luật và gây ra nguy hiểm cho xã hội: Việc xác định hành vi có nguy hiểm cho xã hội giúp phân biệt vi phạm pháp luật với vi phạm tập quán, đạo đức, .…Thêm nữa, hành vi được xem là vi phạm pháp luật bắt buộc phải xâm phạm tới các quan hệ được pháp luật bảo vệ và gây nguy hiểm cho xã hội.
– Người vi phạm thực hiện hành vi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện: Nghĩa là, chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện hành vi thì không bị coi là vi phạm pháp luật. Theo đó, năng lực trách nhiệm pháp lý của một người là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Ví dụ chủ thể là cá nhân xác định từ khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường.
– Đây là hành vi có lỗi của chủ thể: Nghĩa là hành vi trái pháp luật mà có lỗi của chủ thể thì mới bị coi là vi phạm pháp luật. Xác định lỗi của chủ thể cụ thể chính là xác định thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Đây được coi là yếu tố chủ quan trong các định vi phạm. Ví dụ: A thực hiện hành vi trong điều kiện hoàn cảnh khách quan, xác định lỗi thì A không có lỗi vô ý và không có lỗi cố ý thực hiện hoặc không nhận thức được hành vi của mình có thể để lại hậu quả gì thì hành vi của A không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật bởi vì hành vi không có lỗi.
– Người vi phạm xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và xác lập, trong đó các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và xác lập bao gồm những mối quan hệ sau:
+ Quan hệ nhân thân: liên quan đến kết hôn, đăng ký hộ khẩu,…
+ Quan hệ tài sản: Liên quan đến các giao dịch như mua bán đất,…
Các vi phạm pháp luật được chia thành 4 loại khác nhau, cụ thể:
– Vi phạm hình sự;
– Vi phạm dân sự;
– Vi phạm hành chính;
– Vi phạm kỷ luật.
Với mỗi loại khác nhau của vi phạm pháp luật thì trách nhiệm pháp lý gắn với mỗi loại vi phạm cũng được xác định khác nhau.
2. Các quy định về trách nhiệm pháp lý:
Trách nhiệm pháp lý là các hậu quả bất lợi mà chủ thể vi phạm phải gánh chịu vì hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra (hoặc của người mà mình giám hộ hoặc bảo lãnh). Theo đó, không tương tự như các loại hình trách nhiệm khác, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với các biện pháp cưỡng chế Nhà nước, các hình thức cưỡng chế này được quy định rất rõ ràng, cụ thể, rõ ràng tại văn phản pháp luật.
Tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý cũng được xác định khác nhau, cụ thể:
– Trách nhiệm pháp lý hình sự: Là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất trong các loại trách nhiệm bởi vì Toà án sẽ áp dụng đối với những người có hành vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Một số chế tài hình sự bị áp dụng như phạt tù, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, trục xuất, cảnh cáo …..
– Trách nhiệm pháp lý hành chính: Là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm pháp luật hành chính. Một số các chế tại áp dụng với trách nhiệm pháp lý hành chính như hình thức phạt tiền, cảnh cáo, tịch thu giấy phép
– Trách nhiệm pháp lý dân sự: Là loại trách nhiệm pháp luật do Toà án hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật áp dụng đối với những chủ thể vi phạm pháp luật dân sự. Một số các chế tại áp dụng với trách nhiệm pháp lý hành chính chủ yếu là bồi thường thiệt hại trong hoặc ngoài hợp đồng.
– Trách nhiệm pháp lý kỷ luật: là loại trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng tổ chức, cơ quan Nhà nước áp dụng đối với cán bộ, công chức,… trong cơ quan, tổ chức của mình khi họ vi phạm pháp luật. Một số biện pháp áp dụng như hạ bậc lương, cách chức buộc thôi việc,……
– Trách nhiệm hiến pháp là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu khi họ vi phạm luật hiến pháp, chế tài đi kèm trách nhiệm này được quy định trong luật hiến pháp.
– Trách nhiệm hiến pháp vừa là một dạng trách nhiệm pháp lý vừa là trách nhiệm chính trị nhưng hẹp hơn trách nhiệm chính trị. Chủ thể vi phạm trách nhiệm pháp lý là chủ thể có hành vi trực tiếp vi phạm hiến pháp. Ví dụ cụ thể: đại biểu dân cử có thể bị miễn nhiệm khi không còn xứng đáng, có các hành vi vi phạm nghiệm trọng với sự tín nhiệm của nhân dân. Chủ thể phải chịu trách nhiệm này chủ yếu là các cơ quan trong bộ máy nhà nước và những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước.
– Trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong quan hệ quốc tế: Quốc gia cũng là một chủ thể trong luật quốc tế nên cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế trong quan hệ quốc tế. Cơ sở phát sinh trách nhiệm này là các từ hành vi vi phạm luật quốc tế của quốc gia. Ví dụ, quốc gia ban hành luật trái với luật quốc tế và không thực hiện các cam kết quốc tế mà mình đã công nhận hoặc không ngăn chặn kịp thời những hành vi cực đoan tấn công cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài của người biểu tình… Trách nhiệm này cũng có thể phát sinh ngay cả khi có hành vi mà luật quốc tế không cấm. Ví dụ, Quốc gia chế tạo rồi sử dụng nhà máy điện nguyên tử, tên lửa vũ trụ, tàu năng lượng hạt nhân, ..… đã gây ra các thiệt hại về tài sản, tính mạng cho các chủ thể khác của luật quốc tế bảo vệ.
3. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối liên quan như thế nào?
Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ khăng khít với nhau, cụ thể như sau:
– Trách nhiệm pháp lý cũng là hậu quả của việc vi phạm pháp luật và chỉ phát sinh khi có sự việc vi phạm pháp luật xảy ra. Ngược lại, vi phạm pháp luật bao giờ cũng là tiền đề, là cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với các chủ thể là cá nhân, tổ chức.
– Ứng với mỗi hành vi vi phạm bị pháp luật cá nhân, pháp nhân có thể chịu một hay nhiều trách nhiệm pháp lý tương ứng.
– Trách nhiệm pháp lý được điều chỉnh trong phạm vi quan hệ pháp luật nhất định và được thực hiện bởi hai chủ thể: cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và cơ quan nhà nước.Qua đó, để khẳng định chắc chắn một cá nhân, tổ chức có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hay không thì cần phải tuân thủ trình tự đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Chủ thể có thẩm quyền giải quyết vấn đề trách nhiệm pháp lý của người đã thực hiện vi phạm pháp luật bao gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có chức vụ theo quy định pháp luật có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm đó.
Ví dụ về mối quan hệ giữa vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý: Đối với hành vi Không đội mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe mô tô và xe máy hoặc trường hợp chủ thể đội mũ nhưng không cài quai mũ bảo hiểm cho người điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Đây là một hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Hành vi vi phạm này dẫn đến hậu quả phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Trách nhiệm pháp lý căn cứ điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ – CP thì bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.