Tên miền là gì? Mối quan hệ giữa tên miền và các đối tượng sở hữu trí tuệ?
Mạng Internet đã và đem lại sự bùng nổ về công nghệ trên toàn thế giới với sự ảnh hưởng sâu rộng của mình. Trong Internet, không lạ lẫm gì với thuật ngữ “tên miền”. Tên miền là thành phần không thể thiếu trong Internet và tên miền cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Vậy sự liên hệ đó được thể hiện như thế nào, bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề này.
Luật sư
1. Tên miền là gì?
Tên miền (domain name) với chức năng ban đầu chỉ là một cái tên dễ nhớ và dễ nhận biết giúp người sử dụng định danh một địa chỉ trên Internet một cách dễ dàng. Ngày nay tên miền đã trở thành một công cụ quan trọng góp phần nhận biết về nguồn gốc thương mại của một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm và là một công cụ giúp doanh nghiệp thực hiện việc mua bán, giới thiệu sản phẩm của mình.
Để kết nối được với mạng Internet đòi hỏi mỗi một máy tính phải có một địa cụ thể để các máy tính có thể tìm và nhìn thấy nhau trên mạng. Và hệ thống địa chỉ IP ra đời nhằm thực hiện chức năng đó (ngôn ngữ kỹ thuật gọi đó là chức năng định tuyến các thiết bị).
Với hàng tỷ thiết bị trên mạng và mỗi thiết bị có một địa chỉ dưới dạng số thì các số này là rất lớn, phức tạp và khó nhớ, vì vậy, hệ thống tên miền được tạo ra nhằm giải quyết những yếu tố bất lợi đó. Mỗi một địa chỉ IP của thiết bị sẽ được gán với một tên dưới dạng chữ, đó là tên miền và tên miền được sử dụng để nhận dạng một máy tính từ hàng triệu máy tính khác kết nối vào Internet, cho phép sử dụng các dịch vụ trên mạng như email, web và truyền các tập dữ liệu ( files).
“ Tên miền” (Domain name) là một tên dễ nhớ để gán cho một địa chỉ Internet như : google.com, yahoo.com, ebay.com … Nó thay thế cho một dải những con số khó nhớ (gọi là Internet Protocol numbers). Ví dụ : tên miền www.google.com có địa chỉ IP tương ứng là 207.238.252.88; tên miền www.facebook.com có địa chỉ IP tương ứng là 66.220.152.19, tên miền www.vnnic.vn có địa chỉ IP tương ứng là 203.118.93
Như vậy, thực chất tên miền ban đầu chỉ là là sự nhận dụng vị trí của một máy tính trên mạng Internet, nói cách khác tên miền là tên của các mạng lưới, tên của các máy chủ trên mạng Internet. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tên miền không đơn thuần chỉ là địa chỉ định danh của các máy chủ trên mạng inernet mà đã trở thành một công cụ kinh doanh đắc lực cho doanh nghiệp. Tên miền được các tổ chức và cá nhân đăng ký sử dụng vào mục đích quảng bá về tổ chức, sản phẩm, dịch vụ của mình và tiến hành các hoạt động thương mại trong môi trường Internet toàn cầu.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Thông tư 24/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
“4. Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Tên miền bao gồm:
a) Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII;
b) Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN).”
Tên miền bao gồm nhiều thành phần cấu tạo nên, cách nhau bởi dấu chấm (.) nhưng cấu trúc tên miền tối thiểu phải có hai cấp: cấp cao nhất và cấp 2. Ngoài ra, tên miền còn có thể có các cấp khác như cấp 3, cấp 4, cấp 5…. đến cấp n.
Ví dụ: home.vnn.vn là tên miền máy chủ Website của Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, bao gồm các thành phần sau:
(1) Thành phần thứ nhất “home” là tên của máy chủ;
(2) Thành phần thứ hai “vnn” là tên miền cấp hai (second domain name level);
(3)Thành phần cuối cùng “vn” là tên miền cấp cao nhất (top level domain name).
– Tên miền cao cấp nhất: Mọi tên miền đều kết thúc bằng một tên miền cấp cao nhất (TLD: Top Level Domain). Tên miền cao cấp nhất đôi khi còn được gọi là tên miền cấp 1. Tổ chức cấp phát số hiệu Internet (Internet Assigned Numbers Authority – IANA) hiện chia tên miền cấp cao nhất thành 3 loại:
+ Tên miền quốc gia cấp cao nhất (ccTLD): Được sử dụng bởi một quốc gia hoặc lãnh thổ phụ thuộc. Nó có hai ký tự, ví dụ: “ .vn” cho Việt Nam, “.cn” cho Trung Quốc, “.us” cho Hoa Kỳ, “.uk” cho Vương quốc Anh…
+ Tên miền cấp cao nhất dùng chung (gTLD): bao gồm các tên miền sau: .COM; .NET; .EDU; .ORG; .INT; .BIZ; .INFO; .NAME; .PRO; .AERO; .MUSEUM; .COOP và những tên miền chung cấp cao nhất khác theo quy định của IANA. Về mặt lý thuyết, tên miền cấp cao nhất dùng chung được sử dụng bởi một kiểu tổ chức nào đó (ví dụ: “.com” cho những tổ chức thương mại, “.int” cho các tổ chức quốc tế…). Nó có ba ký tự trở lên. Tên miền dùng chung được chia nhỏ thành các tên miền cấp cao nhất có tài trợ (sTLD), như “.aero”, “.coop” và “.museum”, và tên miền cấp cao nhất không có tài trợ (uTLD), như “.biz”, “.info”, “.name” và “.pro”.
+ Tên miền cấp cao nhất hạ tầng (iTLD): Tên miền cấp cao nhất .arpa là tên miền duy nhất được xác định thuộc loại này. Tên miền này thường không mang tính phổ biến và ít được các tổ chức, cá nhân sử dụng.
– Tên miền cấp hai Trong phân cấp tên miền – domain, phía dưới tên miền cấp cao nhất là tên miền cấp hai (SLD). Ví dụ, trong tên miền vi.wikipedia.org, wikipedia là tên miền cấp hai.
– Các cấp tên miền khác dưới tên miền cấp 2: Tiếp sau tên miền cấp 2 là các tên miền cấp dưới được viết ngay bên trái tên miền cấp hai. Có thể có tên miền cấp 3, cấp 4, cấp 5, v.v., không có giới hạn.
Đối với tên miền “.vn”: Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia cấp cao nhất dành cho Việt Nam. Các tên miền cấp dưới “.vn” đều có giá trị sử dụng như nhau để định danh địa chỉ Internet cho các máy chủ đăng ký tại Việt Nam. Dưới là tên miền “.vn” là tên miền cấp 2 .vn bao gồm tên miền cấp 2 không phân theo lĩnh vực và tên miền cấp 2 dùng chung (gSLD) phân theo lĩnh vực.Ngoài ra, còn có các tên miền cấp 2 theo địa giới hành chính: là tên miền Internet được đặt theo tên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tên miền cấp 2 theo địa giới hành chính được viết theo tiếng Việt hoặc tiếng Việt không dấu. Cấu trúc là Tên.tên tỉnh thành.vn.
2. Mối quan hệ giữa tên miền và các đối tượng sở hữu trí tuệ
Tên miền không phải là đối tượng được bảo hộ theo phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng tên miền có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.
Tên miền là địa chỉ không gian mạng dùng để truy cập đến địa chỉ của doanh nghiệp. Tên miền cho phép người dùng trên toàn thế giới tìm đến với website của doanh nghiệp. Để dễ định vị, các chủ thể thường đăng ký tên miền theo tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý, sáng chế…thuộc sở hữu của họ. Chính những đặc tính này đã khiến cho tên miền trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp, mang lại những lợi ích thương mại từ việc khai thác, tạo giá trị tiền tệ lớn cho người đăng kí tên miền. Sở hữu một nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…có giá trị thì tên miền càng có giá trị. Như đã phân tích tại phần cấu trúc của tên miền, tên miền có thể bao gồm các thành phần tên miền cấp 1, cấp 2, cấp 3… cấp n nhưng ít nhất trong các cấp này phải có một cấp (trừ cấp cao nhất) có khả năng phân biệt. Và để tạo ra khả năng phân biệt của tên miền, đảm bảo được tính duy nhất của tên miền trong môi trường internet, các doanh nghiệp thường có xu thế lấy nhãn hiệu làm thành phần có tính phân biệt của tên miền. Việc lấy nhãn hiệu làm một thành phần của tên miền có tác dụng làm cho tên miền trở nên dễ nhớ, dễ nhận biết do bản chất của nhãn hiệu là các dấu hiệu dễ nhớ, dễ nhận biết. Thói quen của người dùng internet là thường truy cập vào website thông qua tên miền tương ứng với nhãn hiệu của doanh nghiệp để tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó. Do đó, việc lấy nhãn hiệu làm một thành cấu tạo của tên miền sẽ làm cho khả năng tìm kiếm tên miền được dễ dàng hơn.
Ngày nay, Internet trở thành một công cụ hấp dẫn để tiến hành thương mại. Một số tên miền có giá trị thương mại rất lớn. Một số tên miền có giá trị lớn hiện nay như: MM.com (1.200.000USD/ 2014), eBet.com (1.350.000 USD/2013), Cameras.com (1.500.000 USD/2006)…
Tuy nhiên, nguyên tắc đăng kí trước cho thấy trên lý thuyết, một cá nhân hay một tổ chức không bị hạn chế tên miền được phép đăng kí nên dẫn tới việc một cá nhân hay một tổ chức có thể chiếm giữ hàng trăm nhãn hiệu được bảo hộ bằng cách nắm giữ các tên miền tương tự hoặc giống hệt với các nhãn hiệu uy tín trước khi chủ nhãn hiệu làm việc này. Tranh chấp tên miền là một điều tất yếu và ngày càng tăng về số lượng cũng như độ phức tạp.
Hiện nay tên miền chưa phải là một đối tượng được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ, tuy nhiên tên miền lại có một ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo hộ và phát triển nhãn hiệu của doanh nghiệp. Nếu ở ngoài đời thường một doanh nghiệp có tên, có địa chỉ thì tên miền chính là thể hiện thậm chí còn nhiều hơn các thông tin này cho doanh nghiệp ở trong thế giới số. Việc công ty có lấy được một tên miền trùng với nhãn hiệu của mình hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Nhãn hiệu, tên thương mại, tên miền là ba yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải có cho riêng mình một tên thương mại, cùng với đó là việc gắn cho các sản phẩm, dịch vụ của mình những nhãn hiệu riêng biệt. Đồng thời để phát triển, quảng bá thương hiệu và xây dựng uy tín trong lòng khách hàng cũng như đối với các đối tác thì việc đăng ký và bảo hộ tên miền có chứa tên thương mại hay nhãn hiệu của doanh nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết. Do đó, cần phải đăng ký tên miền song song với việc bảo hộ nhãn hiệu.
Đa số hệ thống pháp luật các nước trên thế giới hiện nay và tại Việt Nam, tên miền không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật