Việc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ cho nhau trong suốt các giai đoạn từ khi tội phạm được phát hiện, khởi tố, điều tra cho đến khi ra kết luận về quá trình điều tra.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt tư pháp là hai chức năng hiến định của VKSND. Hai chức năng này ở giai đoạn điều tra các vụ án hình sự của VKS có mối quan hệ chặt chẽ, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra được thực hiện nhanh chóng, đúng luật, phát hiện và xử lý tội phạm kịp thời, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra được hiểu là việc sử dụng các quyền năng pháp lý thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
Cụ thể hơn, thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra được hiểu là việc thực hiện quyền buộc tội của nhà nước đối với người phạm tội (người bị buộc tội) trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra là hoạt động của VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh trong giai đoạn điều tra, nhằm đảm bảo cho quá trình điều tra vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Giữa hoạt động thực hành quyền công tố HQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Mối quan hệ này song song tồn tại trong phạm vi bắt đầu từ khi tội phạm được phát hiện, khởi tố, điều tra cho đến khi CQĐT ra kết luận về quá trình điều tra. Mối quan hệ giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra thể hiện ở một số nội dung sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có chung mục đích bao quát là nhằm bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, bảo đảm việc giải quyết chính xác, đúng đắn một vụ án hình sự:
- 2 2. Hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát tư pháp trong giai đoạn điều tra có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, tác động, ảnh hưởng đến nhau:
- 3 3. Điểm khác biệt giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra:
1. Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có chung mục đích bao quát là nhằm bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, bảo đảm việc giải quyết chính xác, đúng đắn một vụ án hình sự:
Mục đích của hoạt động thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra là nhằm đưa ra các cáo buộc phạm tội đối với người, cá nhân bị tình nghi. Hoạt động này phải hết sức đầy đủ, chính xác, khách quan, theo đúng các trình tự, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở giai đoạn điều tra có mục đích là bảo đảm các hoạt động điều tra được đúng đắn, đầy đủ, khách quan, tức là được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định.
2. Hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát tư pháp trong giai đoạn điều tra có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, tác động, ảnh hưởng đến nhau:
Theo đó, kiểm sát việc tuân theo pháp luật có hiệu quả là điều kiện bảo đảm thực hành quyền công tố đúng đắn, chính xác, khách quan thông qua việc phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật. Ngược lại, kết quả của thực hành quyền công tố làm cơ sở, nguồn thông tin quan trọng cho hoạt động kiểm sát điều tra có chất lượng, hiệu quả. Để thực hiện tốt quyền công tố, đòi hỏi phải kiểm tra chặt chẽ tính có căn cứ và tính hợp pháp của các quyết định tố tụng mà CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra áp dụng. Trên cơ sở của kết quả hoạt động kiểm sát, nếu các quyết định là có căn cứ và hợp pháp thì VKS sẽ ra quyết định phê chuẩn để thi hành và ngược lại nếu thấy các quyết định là không có căn cứ và không hợp pháp, VKS sẽ quyết định không phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định tố tụng trái pháp luật, đồng thời yêu cầu CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chấm dứt ngay các hoạt động tố tụng. thực hành quyền công tố và KSĐT có mối quan hệ tác động qua lại từ khi có tội phạm xảy ra đến khi vụ án có quyết định truy tố hoặc quyết định chấm dứt thực hành quyền công tố. Nếu như hoạt động thực hành quyền công tố là bảo đảm mọi tội phạm phải được xử lý, thì kiểm sát các hoạt động điều tra bảo đảm việc xử lý tội phạm phải đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Do vậy, giữa thực hành quyền công tố và KSĐT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đây là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Trong đó, KSĐT là nội dung và thực hành quyền công tố là hình thức thể hiện của KSĐT trong tiến trình thực hiện chức năng buộc tội. Trong các khâu công tác kiểm sát trong lĩnh vực hình sự, Kiểm sát viên vừa thực hành quyền công tố, vừa thực hiện KSĐT. thực hành quyền công tố và KSĐT có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại lẫn nhau. Nếu thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố sẽ là điều kiện thuận lợi để kiểm sát các hoạt động điều tra và ngược lại. Quá trình tiến hành tố tụng hình sự là một quá trình mà trong đó, kết quả của hoạt động chức năng tố tụng ở giai đoạn tố tụng trước là tiền đề để thực hiện các hoạt động của giai đoạn sau. Do đó, kết quả thực hiện các nội dung quyền năng tố tụng của VKS trong giai đoạn điều tra sẽ là cơ sở, tiền đề để thực hiện các nội dung quyền năng của VKS trong giai đoạn xét xử.
3. Điểm khác biệt giữa thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra:
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra tuy có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng giữa chúng có những điểm khác nhau, cụ thể là:
Về đối tượng: Đối tượng của thực hành quyền công tố là tội phạm và người phạm tội; đối tượng của KSĐT là là hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền điều tra và những người tham gia tố tụng khác.
Về căn cứ tiến hành: Thực hành quyền công tố dựa trên quy định của cả luật nội dung (BLHS) và luật hình thức (BLTTHS), còn KSĐT chỉ dựa trên quy định của luật hình thức về trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
Về hình thức thể hiện: Thực hành quyền công tố được thực hiện thông qua các hình thức như: VKS ra lệnh, quyết định, ... còn khi KSĐT, VKS ban hành các văn bản như: kiến nghị, yêu cầu. Về hậu quả pháp lý, việc VKS ban hành các văn bản pháp lý khi thực hành quyền công tố sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý, đó là truy cứu hay không truy cứu đối với trách nhiệm hình sự người phạm tội. Còn khi tiến hành KSĐT, việc VKS ban hành các văn bản pháp lý kiến nghị, kháng nghị dẫn đến việc xử lý các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, có tính chất bảo đảm tính đúng đắn pháp lý cho hoạt động điều tra. Như vậy, với những yếu tố đặc trưng như mục đích, ý nghĩa, đối tượng, hậu quả pháp lý của hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong điều tra vụ án hình sự, có thể phân định một cách tương đối rõ ràng những hoạt động nào thuộc nội dung chức năng thực hành quyền công tố hay thuộc nội dung chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra.