Mở website học tiếng anh trực tuyến phải đảm bảo điều kiện như thế nào? Điều kiện mở website học tiếng anh trực tiếp.
Mở website học tiếng anh trực tuyến phải đảm bảo điều kiện như thế nào? Điều kiện mở website học tiếng anh trực tiếp.
Tóm tắt câu hỏi:
Mình là Minh ở Hà Nội, mình được biết văn phòng bên bạn có kinh nghiệm về xin giấy phép đăng ký mở web học tiếng Anh trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mình có thể hỏi thông tin về vấn đề này được không? Có thể xin giấy phép từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho riêng việc mở web học tiếng Anh trực tuyến mà không cần phải xin mở cả trung tâm dạy trực tiếp được không? Nếu có thể bạn có thể gửi giúp mình mẫu đơn đăng ký gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc bộ hồ sơ đăng ký để mình tham khảo trước được không? Cám ơn nhiều.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cở sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ vào khoản 5 điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành như sau:
“5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”
Như vậy, theo quy định trên thì đối với trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì vậy, bạn là cá nhân, để thành lập trang web học tiếng Anh trực tuyến thì trước tiên bạn phải đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, do hoạt động của công ty bạn là hoạt động đào tạo nên sau khi đăng ký kinh doanh xong bạn còn phải xin cấp giấy phép đào tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thủ tục mở web học tiếng Anh trực tuyến cụ thể như sau:
Thứ nhất: Thành lập trung tâm ngoại ngữ
– Đăng ký kinh doanh:
Đối với cá nhân bạn, nếu chỉ có vốn góp của 1 mình bạn được phép thành lập một trong 2 loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH 1 thành viên và Doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tục đối với 2 loại hình doanh nghiệp này được quy định cụ thể tại Điều 21 và Điều 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 về đăng kí doanh nghiệp như sau:
Điều 21. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 23. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.
Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
a) Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và cácvăn bản hướng dẫn thi hành.
5. Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
Sau khi hoàn thành những hồ sơ nói trên, bạn đem nộp tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi bạn dự định thành lập công ty.
-Thành lập trung tâm ngoại ngữ.
Như vậy, sau khi làm xong thủ tục Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề giáo dục về đào tạo ngoại ngữ, bạn cần làm thủ tục xin phép tại Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đặt trụ sở. Theo Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT, hồ sơ gồm:
+ Tờ trình xin thành lập trung tâm;
+ Đề án thành lập trung tâm gồm các nội dung sau:
Tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm;
Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm;
Chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo;
Cơ sở vật chất của trung tâm;
Cơ cấu tổ chức của trung tâm, giám đốc, các phó giám đốc (nếu cần), các tổ (hoặc phòng chuyên môn);
+Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm.
+Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm.
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm, cơ quan quyết định thành lập trung tâm có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra các điều kiện theo quy định. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học ra quyết định thành lập.
Nếu không đủ điều kiện thành lập trung tâm thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho các đối tượng liên quan biết lý do.
>>>
Thứ hai: Thủ tục xin phép thành lập website đào tạo trực tuyến
Thiết lập website thương mại điện tử phải thông báo với Bộ Công Thương theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5 tháng 12 năm 2014 về quản lý website thương mại điện tử. Cụ thể như sau:
Điều 9. Quy trình thông báo
1. Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân;
– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
– Các thông tin liên hệ.
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.
Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ;
– Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu.
3. Thương nhân, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.
4. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.