Quy định về mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài? Quy định về chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài?
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một trong những chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng đáp ứng thực tiễn phát triển, hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Nội dung pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài khá cụ thể và chi tiết, trong đó phải kể đến quy định về mở tài khoản vốn và chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài. Đây là hai nội dung trọng tâm mở đầu cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài được tiến hành trong thực tế. Chính vì ý nghĩa đó, Luật Dương Gia sẽ tiến hành phân tích và bình luận sâu rộng hơn về quy định mở tài khoản vốn và chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài.
Cơ sở pháp lý:
Luật Đầu tư năm 2020.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.
Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
1. Quy định về mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 12/2016/TT-NHNN: “Tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi theo quy định tại Thông tư này (sau đây gọi là tài khoản vốn đầu tư).”. Tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài là một trong những điều kiện để được chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài.
Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài là trách nhiệm của nhà đầu tư khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư, mở tài khoản vốn và sử dụng tài khoản vốn còn được quy định tại Điều 5 Thông tư 12/2016/TT-NHNN. Đây là điều khoản hướng dẫn quan trọng liên quan đến việc mở tài khoản vốn, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình. Nội dung được phản ánh trong Điều 5 thể hiện 2 vấn đề:
Thứ nhất, nguyên tắc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài.
– Nhà đầu tư mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng 01 (một) loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. (Khoản 1, 2, Điều 5).
Quy định này khẳng định rằng, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản duy nhất đối với một loại tiền tệ nhất định, điều này nhằm giúp cho cơ quan nhà nước quản lý được hoạt động thu chi của tài khoản và tránh các hiện tượng làm thất thoát nguồn vốn trong quá trình thu chi hay các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là tài khoản phát sinh giá trị pháp lý và được cho là căn cứ để xác định điều kiện được chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài. Để tạo sự linh hoạt, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền thay đổi tài khoản vốn đầu tư bằng loại ngoại tệ khác hoặc thay đổi tổ chức tín dụng được phép nơi mở tài khoản vốn đầu tư.
– Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án. (Khoản 3, Điều 5). Điều này nhằm tạo sự độc lập tài chính phù hợp với từng dự án, bởi mỗi dự án sẽ được cấp các Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài khác nhau, hơn nữa việc thu chi của mỗi dự án là khác nhau, do đó, không thể để chung một tài khoản mặc dù cùng nhà đầu tư.
Thứ hai, sử dụng tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 65, Luật Đầu tư: “Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. “. Nội dung này cũng được thể hiện thông qua các quy định khác như quy định về chuyển lợi nhuận về nước.
Cụ thể hơn về việc sử dụng tài khoản vốn, Thông tư 12/2016/TT-NHNN nêu rõ: “Sau khi được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối, mọi giao dịch thu, chi theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư.” Theo đó, quy định về các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn bằng ngoại tệ khác với các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn bằng đồng Việt Nam, từ đó, nhà đầu tư cần chú ý và áp dụng đúng quy định nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, cũng như đảm bảo tính quản lý cho nhà nước.
2. Quy định về chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài?
Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài là việc thực tế hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trên cơ sở cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài là hoạt động có điều kiện, theo đó, nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 1, Điều 66 Luật Đầu tư, cụ thể:
Thứ nhất, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư dựa trên hồ sơ đề nghị mà họ gửi đến, Giấy chứng nhận có giá trị pháp lý bắt buộc nếu nhà đầu tư muốn thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vì vậy, nếu không có Giấy chứng nhận thì việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài được cho là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên cơ sở linh hoạt và đáp ứng nhu cầu thực tế, pháp luật lại cho phép nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hay hàng hóa, máy móc để phục vụ hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường, nhưng đây chỉ là các hoạt động tiền đề, chưa thực sự mang đúng bản chất của hoạt động đầu tư.
Thứ hai, hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
Đây là điều kiện có ý nghĩa quan trọng, nếu như Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thể hiện quan điểm của pháp luật Việt Nam, thì đối với điều kiện này lại thể hiện quan điểm của nước tiếp nhận đầu tư, điều kiện 1 và 2 là sự áp dụng thống nhất tác động lên một chủ thể nhất định, tạo ra nền tảng pháp lý an toàn, vững chắc cho nhà đầu tư khi tham gia vào nước tiếp nhận.
Thứ ba, có tài khoản vốn. Điều này đã được tác giả phân tích cụ thể ở mục 1.
Thời điểm chuyển tiền vốn đầu tư ra nước ngoài là sau khi được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên pháp luật cho phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, hạn mức ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác. (Khoản 4, Điều 82, Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Theo quy định Tại Điều 4 Thông tư 12/2016/TT-NHNN, đồng tiên sử dụng để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, bao gồm: Ngoại tệ; Đồng Việt Nam trong trường hợp chuyển vốn đầu tư sang quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư mà Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có ký kết thỏa thuận, hiệp định song phương, đa phương quy định về việc cho phép sử dụng đồng Việt Nam trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền.
Cần chú ý rằng, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài không chỉ là chuyển tiền mà còn bao gồm hàng hóa, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất vẫn là tiền, bởi tác động trực tiếp tới hoạt động đầu tư và tiền cũng là đối tượng đúng bản chất nhất về “vốn”. Có thể thấy rằng, quy định về chuyển vốn ra nước ngoài ngày càng chi tiết, cụ thể, trong đó vai trò của tổ chức tín dụng mở tài khoản là cực kỳ quan trọng và được đề cao buộc họ phải thực hiện đúng trách nhiệm mà pháp luật quy định.