Khi xảy ra vi phạm trong hợp đồng xây dựng, không phải trường hợp nào bên vi phạm cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, miễn trách nhiệm trong hợp đồng nói chung và miễn trách nhiệm trong hợp đồng xây dựng nói riêng, hay còn được gọi là các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng là quy định về việc không bắt buộc bên có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp mà pháp luật quy định hoặc các bên có thỏa thuận. Về bản chất, miễn trách nhiệm hợp đồng xây dựng là những trường hợp loại trừ đi yếu tố lỗi của bên có hành vi vi phạm, với lý do rằng hành vi này diễn ra trong hoàn cảnh không thuộc phạm vi kiểm soát của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong hợp đồng xây dựng đó. Cơ sở để miễn trách nhiệm hợp đồng xây dựng trong những trường hợp này là bên vi phạm không có lỗi khi thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, điều kiện xảy ra những sự kiện đó nằm ngoài ý chí chủ quan của con người như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh … và một số sự kiện khách quan, bất khả kháng khác. Có thể kể đến những trường hợp miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng như sau:
– Miễn trách nhiệm do sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng xây dựng. Bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng xây dựng nếu như các bên trong quá trình giao kết hợp đồng xây dựng đó đã thực hiện thủ tục thỏa thuận về các điều khoản miễn trừ trách nhiệm trước thời điểm khi có vi phạm xảy ra. Hoặc các bên cũng hoàn toàn có thể ngồi lại để thỏa thuận thương lượng với nhau về vấn đề miễn trách nhiệm sau khi đã có vi phạm xảy ra, khi đó vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người có quyền trong hợp đồng xây dựng. Thỏa thuận miễn trách nhiệm sẽ phải được ghi thành văn bản, và tốt nhất là có thể được thể hiện rõ nét trong hợp đồng xây dựng hoặc phụ lục của hợp đồng;
– Miễn trách nhiệm hợp đồng xây dựng do xảy ra trường hợp bất khả kháng. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ, tuy nhiên hành vi không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đó xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác. Đây là vấn đề được quy định cụ thể tại Điều 351 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, nếu như một bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng thì theo quy định của pháp luật, bên đó sẽ được miễn trách nhiệm dân sự tức là sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như có thiệt hại xảy ra trên thực tế, sẽ không phải bị phạt vi phạm hợp đồng nếu như hợp đồng có quy định về điều khoản phạt vi phạm. Tuy nhiên cần phải hiểu và cần phải xác định rõ sự kiện xảy ra đó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không. Hay nói cách khác, để có thể coi là bất khả kháng thì cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 có định nghĩa về bất khả kháng. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là khái niệm để chỉ một sự kiện xảy ra một cách khách quan, các chủ thể trong quá trình giao kết hợp đồng không thể lường trước được sự kiện đó, và các chủ thể cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng của mình tuy nhiên vẫn không hiệu quả;
– Miễn trừ trách nhiệm nếu như bên có quyền hoàn toàn có lỗi. Căn cứ theo quy định tại Điều 351 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, bên có nghĩa vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu như bên có nghĩa vụ chứng minh được rằng nghĩa vụ không được thực hiện hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Như vậy có thể nói, nếu như một bên vi phạm hợp đồng xây dựng nhưng hoàn toàn xuất phát từ lỗi của bên còn lại thì bên vi phạm sẽ được miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên nếu việc vi phạm hợp đồng một phần xuất phát do lỗi của bên kia thì bên vi phạm hợp đồng xây dựng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vi phạm xuất phát từ lỗi của mình.
2. Quy định về thưởng, phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 146 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về vấn đề thưởng và phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng. Cụ thể như sau:
– Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng sẽ được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận của các bên, vấn đề này sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng xây dựng;
– Đối với các công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn đầu tư công, các công trình xây dựng có sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư công, thì theo quy định của pháp luật mức phạt hợp đồng xây dựng đó sẽ không vượt quá 12% giá trị của phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng xây dựng còn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại, bên thứ ba theo quy định của pháp luật về xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Bên nhận thầu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong trường hợp: Chất lượng công việc không đảm bảo so với thỏa thuận của các bên được quy định trong hợp đồng hoặc có hiện tượng kéo dài thời hạn xuất phát hoàn toàn do lỗi của bên nhận thầu gây ra, do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành;
– Bên giao thầu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận thầu trong một số trường hợp sau: Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới các công việc trong hợp đồng bị gián đoạn, chậm tiến độ, bên giao thầu cung cấp tài liệu và điều kiện không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng, trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu phải cung cấp các nguyên vật liệu nhưng cung cấp không đúng hạn, bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận;
– Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, hoặc có hành vi thực hiện nghĩa vụ tuy nhiên không phù hợp với quy định, thì sau khi thực hiện nghĩa vụ và áp dụng biện pháp sửa chữa, bên đó còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại đối với những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ phải tương ứng với tổn thất và thiệt hại trên thực tế;
– Trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng xuất phát từ nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên còn lại. Tranh chấp giữa bên vi phạm và bên thứ ba sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật;
– Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp trong hợp đồng xây dựng cần phải đảm bảo: Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và tôn trọng các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, quá trình giải quyết tranh chấp cần phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và hợp tác, các bên trong hợp đồng sẽ có trách nhiệm tự thương lượng và tự thỏa thuận với nhau về vấn đề giải quyết tranh chấp. Nếu như các bên không thương lượng và không thỏa thuận được thì tranh chấp đó có thể được giải quyết thông qua hòa giải, thông qua trọng tài thương mại hoặc thông qua tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 của
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan theo như phân tích nêu trên;
– Trong trường hợp bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận của các bên được quy định trong hợp đồng, thì bên giao thầu sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho bên nhận thầu theo mức lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời hạn và thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán trong trường hợp này sẽ được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2020 hợp nhất Luật Xây dựng;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;
– Nghị định 50/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.