Mẹ mất không để lại di chúc tài sản phân chia như thế nào? Thừa kế theo pháp luật.
Mẹ mất không để lại di chúc tài sản phân chia như thế nào? Thừa kế theo pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ tôi trước khi mất có nói với tôi, mẹ để lại phần tài sản chung của mẹ với bố cho con. Lúc đó tôi vì chỉ lo sức khỏe của bà nên chỉ nói: mẹ không phải nghĩ nhiều chuyện đó, con cũng không quan tâm đâu. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn gọi luật sư đến nhà để lập di chúc, lúc mẹ tôi ký di chúc, có người làm chứng là bà Mùi hàng xóm. Thời gian 2 năm trôi qua, bố tôi liên tục đòi bán nhà, dọa đuổi tôi ra khỏi nhà, câu chuyện năm xưa bà Mùi kể lại cho tôi, và bà khẳng định bố tôi đã không cho mẹ tôi di chúc lại tài sản cho tôi bằng việc hủy cuộc hẹn với bên luật sư. Chính tôi khi gọi điện cho luật sư thì cũng được biết là bố tôi đã hủy không cho Luật sư gặp mẹ tôi để xử lý các bước cuối cùng của di chúc… Vậy kính mong CT Luật Dương Gia tư vấn giúp tôi trong trường hợp này, tôi có thể làm những gì? quyền lợi của tôi có những gì? Xin trân trọng cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, vợ và chồng có thể thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản chung để tiện cho việc quản lý, chiếm hữu hay định đoạt tài sản. Và căn cứ vào những quy định về nguyên tắc chung khi áp dụng chế độ tài sản chung của vợ và chồng thì Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định như sau:
"Điều 29: Những nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường."
Theo đó, khi đã xác định tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì cả vợ và chồng đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản khi xác lập chế độ tài sản. Các quyền và nghĩa vụ giữa hai người là bình đẳng và ngang nhau trong quá trình tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung và không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Ngoài ra, bên cạch việc xác định những nguyên tắc chung, Luật hôn nhân và gia đình còn quy định như sau:
Điều 35 Luật hôn nhân gia đình 2014:
"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình."
Như vậy, theo các quy định nói trên, việc tài sản được xác định là tài sản chung của cả bố và mẹ bạn thì cả hai đều có quyền ngang nhau và bình đẳng trong việc định đoạt tài sản chung. Do đó, việc có để lại di chúc toàn bộ tài sản chung này cho bạn hay không phải do cả bố và mẹ bạn cùng thỏa thuận, đồng ý thì mới có thê thực hiện được.
Nên theo trình bày của bạn thì khi mẹ bạn mất có để lại di chúc cho bạn khối tài sản chung này nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của bố bạn được minh chứng bằng lời khai của người hàng xóm và sự xác nhận của luật sư thì trong trường hợp này, bạn sẽ không được hưởng phần di sản như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, theo pháp luật về thừa kế thì di sản của người chết bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (Điều 634 Bộ luật dân sự 2005) nên có thể xác định tài sản của mẹ bạn bao gồm toàn bộ tài sản riêng của người mẹ và phần tài sản trong khối tài sản chung với bố bạn và những người khác có liên quan.
Do đó, nếu không thuộc những trường hợp không được hưởng di sản được quy định tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2005 sau đây thì bạn hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu chia thừa kế để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 643:
"1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc."
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
>>> Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc: 1900.6568
"Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."