Nếu như pháp luật trao quyền cho Tòa án là chủ thể có quyền ra quyết định thi hành án hình sự, thì Viện kiểm sát với vai trò là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định này.
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự là gì?
Theo Hán-Việt từ điển của tác giả Đào Duy Anh, thi hành là “Đem cái việc đã trù định sẵn mà làm ra cho có hiệu quả”. Như vậy, thi hành án có thể được hiểu là đem bản án của
Thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án là một hoạt động phức tạp, đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực. Thực chất của thi hành án hình sự là việc tổ chức thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp được quy định trong bản án hoặc quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Đó chính là việc thực thi công lý trên cơ sở chân lý đã được hoạt động tố tụng hình sự chứng minh.
Thi hành án hình sự là những hoạt động tố tụng hình sự cuối cùng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Công tác điều tra, truy tố và xét xử là rất quan trọng. Quyết định hình phạt của Tòa án chính là sự đánh giá, sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Nếu chỉ dùng mức đánh giá, lên án mà không thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế đặc trưng của quyền lực nhà nước thì tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và tính chịu hình phạt hạn chế, thậm chí không có tác dụng. Chính vì vậy, pháp luật hình sự đã có những quy định cụ thể về thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay.
Từ những phân tích trên đây, có thể hiểu: Thi hành án hình sự là việc đưa các bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế.
Quyết định thi hành án hình sự là văn bản do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ban hành nhằm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền, người bị kết án thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Nội dung quyết định thi hành án hình sự có sự khác nhau giữa các quyết định cụ thể, ví dụ: Quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; thời hạn chấp hành án phạt tù, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung. Hoặc Quyết định thi hành án tử hình, quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án.
Yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự là văn bản do Viện kiểm sát ban hành và gửi tới Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm nhằm đề nghị chủ thể này ban hành quyết định thi hành án hình sự khi hết thời hạn phải ra quyết định thi hành án nhưng Tòa án chưa ra quyết định.
Thẩm quyền yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự được trao cho Viện kiểm sát và được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 167,Luật thi hành án hình sự, cụ thể: “Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; …”. Bằng sự ghi nhận này, Viện kiểm sát hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy, yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự là văn bản thể hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, là văn bản thể hiện ý chí và buộc chủ thể có thẩm quyền phải ban hành quyết định thi hành án hình sự. Là cơ sở để hợp pháp hóa hoạt động của Viện kiểm sát, Chánh án tòa án. Thời điểm yêu cầu được ban hành và Tòa án nhận được yêu cầu thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án và gửi quyết định đó cho Viện Kiểm sát.
Yêu cầu này diễn ra khi đã hết thời hạn mà chủ thể có thẩm quyền chưa ra quyết định, thời hạn được quy định cụ thể tại Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:
Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
Trường hợp đặc biệt: Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.
Có thể thấy, chỉ đối với hoạt động ra quyết định thi hành án hình sự cũng cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, đó là kết quả do những yếu tố tác động khách quan, dẫn đến các trình tự, thủ tục không được thực hiện như mong muốn.
2. Mẫu yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VIỆN KIỂM SÁT………[1]
VIỆN KIỂM SÁT …….[2]
Số: ……../YC-VKS…-…[3]
……., ngày ……. tháng……..năm 20….
YÊU CẦU
Ra quyết định thi hành án hình sự
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT ….2……..
Căn cứ khoản 2 Điều 25 và Điều 26 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
Căn cứ Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Căn cứ khoản 1 Điều 141 và Điều 143 Luật Thi hành án hình sự;
Căn cứ Bản án[4]…… số….ngày….tháng….năm…..của Tòa án…… [5]…đối với người bị kết án …………….; Tên gọi khác:……..
Sinh ngày…………tháng……..….năm…….….tại…………..; Giới tính:……………
Quốc tịch:………….…….; Dân tộc:……………………..; Tôn giáo:……………..
Nghề nghiệp:……
Nơi cư trú: …
Phạm tội: ……………..; Xử phạt:…………………[6]
Xét thấy, ngày….tháng…năm… là hết thời hạn phải ra quyết định thi hành án nhưng Tòa án..…[7]…….chưa ra quyết định thi hành án; đến ngày….tháng….năm…. đã quá thời hạn luật định…… [8]……ngày,
YÊU CẦU:
Chánh án Tòa án………7…………. ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật và gửi quyết định thi hành án cho Viện kiểm sát ……….2………….. để kiểm sát./.
Nơi nhận:
– Tòa án ..7…(để thực hiện);
– VKS cấp dưới (để kiểm sát) [9];
– Lưu: VT, hồ sơ kiểm sát.
VIỆN TRƯỞNG[10]
3. Hướng dẫn mẫu yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự:
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Nếu là sơ thẩm thì ghi “sơ thẩm”, nếu là phúc thẩm thì ghi “phúc thẩm”…
[5] Ghi tên Tòa án đã ban hành Bản án
[6] Ghi thông tin của người bị kết án theo Bản án có hiệu lực được thi hành
[7] Ghi tên Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án
[8] Ghi rõ số ngày quá thời hạn luật định
[9] Ghi trong trường hợp Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu
[10] Thẩm quyền ký thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án hình sự năm 2019
Quyết định 39/QĐ-VKSTC năm 2018 về biểu mẫu nghiệp vụ công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành