Pháp luật tố tụng hình sự cho phép một số chủ thể nhất định có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của mình. Việc yêu cầu phải được thực hiện bằng văn bản mà theo mẫu của Viện kiểm sát tối cao ban hành, áp dụng đối với Viện trưởng Viện kiểm sát được gọi là: Mẫu yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án.
Mục lục bài viết
- 1 1. Yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án là gì?
- 2 2. Mục đích yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
- 3 3. Mẫu yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
- 4 4. Hướng dẫn mẫu yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
1. Yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án là gì?
Theo từ điển Luật học của nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa thì bản án hình sự là “quyết định của Tòa án thừa nhận bị cáo là người có tội hoặc không có tội phải chịu hình phạt hoặc được miễn hình phạt.”
Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Nhà xuất bản công an nhân dân định nghĩa: “bản án hình sự là văn bản tố tụng của Tòa án quyết định bị cáo phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác.”
Trên cơ sở tham khảo các định nghĩa nêu trên, có thể đưa ra định nghĩa tổng quát nhất về bản án hình sự như sau: Bản án hình sự là văn bản tố tụng do Tòa án nhân danh nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, quyết định việc bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác”
Bản án hình sự mang những đặc điểm như: (1) Về mặt hình thức, bản án có cơ cấu và bố cục chặt chẽ; (2) Về nội dung, bản án hình sự phản ánh những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án; (3) Về chủ thể ban hành, chỉ có Tòa án mới có quyền nhân dân nhà nước xét xử và ra bản án quyết định một người có tội hay không có tội. Ngoài tòa án không một cơ quan nào khác trong bộ máy nhà nước có được quyền này; (4) Về thời điểm ban hành, đối với phần lớn các vụ án, bản án đánh dấu kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử ở một cấp xét xử; (5) Bản án hình sự là tính đặc biệt về thẩm quyền và thủ tục khắc phục sửa chữa sai lầm.
Bản án hình sự là kết quả của việc thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung và của hoạt động tố tụng hình sự nói riêng. Bản án là văn bản pháp lý duy nhất thể hiện quan điểm của Tòa án, nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc giải quyết vụ án hình sự. Nguyên tắc “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” đã khẳng định ý nghĩa pháp lý của bản án hình sự.
Bản án hình sự là căn cứ để xác định tiền án đối với người bị kết án. Một người đã bị Tòa án xét xử và ra bản án kết tội thì người đó đã có tiền án, nếu người bị kết tội chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thì căn cứ vào tiền án cũ và tội phạm mới của họ để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Khác với bản án, quyết định của Tòa án mặc dù cũng do Tòa án ban hành nhưng xét về tên văn bản thì đây là văn bản thông dụng và pháp luật trao cho nhiều chủ thể ban hành, quyết định của tòa án được trải dài trong suốt quá trình tố tụng hình sự và có thể phát sinh hiệu lực và thi hành ngay sau khi quyết định được ban hành, có thể hiểu quyết định của tòa án là văn bản tố tụng được tòa án ban hành để công bố hoặc giải quyết một vấn đề trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “giải thích” là làm cho hiểu, là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề”. Theo nghĩa này, giải thích bản án, quyết định là việc dùng lý lẽ giảng giải, làm sang tỏ về nội dung của bản án, quyết định.
Sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án được hiểu là khắc phục những lỗi sai, những sai sót trong bản án, quyết định. Những lỗi đó phải không làm thay đổi kết quả, tính chất của vụ án và làm bất lợi hơn cho người bị kết án.
Yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án là văn bản do Viện kiểm sát gửi tới Tòa án đã ra bản án, quyết định để đề nghị Tòa án này làm rõ các vấn đề được Viện kiểm sát nêu trong văn bản hoặc sửa chữa những sai sót đã được Viện kiểm sát chỉ ra.
2. Mục đích yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
Yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án không chỉ được pháp luật trao quyền cho Viện kiểm sát mà còn có các chủ thể khác: “Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án…”. Việc cho phép nhiều chủ thể được quyền yêu cầu nhằm giúp cho việc theo dõi bản án, quyết định của Tòa được sát sao, hiệu quả hơn, tránh tình trạng áp dụng sai, gây thiệt hại cho người bị kết án, bị hại, đường sự liên quan. Hơn nữa, yêu cầu giải thích, sửa chữa còn thể hiên vai trò của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện quyền công tố. Đây là văn bản buộc Tòa án phải thực hiện giải thích, sửa chữa và có văn bản trả lời đối với Viện Kiểm sát.
Thẩm quyền giải thích, sửa chữa được quy định tại Khoản 2, Điều 365 như sau: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.”
Tuy nhiên, đánh giá điều 365 quy định về giải thích, sửa chửa bản án, quyết định của Tòa án cho thấy còn nhiều điều bất cập, nếu như việc giải thích có phần dễ hiểu, tức là việc làm rõ những chỗ “chưa rõ” thì đối với sửa chữa lại mang nhiều vấn đề phức tạp hơn, bản chất của sửa chữa là thay đổi, khắc phục đi những sai sót, tuy nhiên, điều luật này lại không quy định những nội dung nào thì được sửa chữa và sửa chữa bằng hình thức nào. Hầu hết mọi học giả hoặc giới nghiên cứu đều cho rằng việc sửa chửa ở đây chắc chắn phải không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây bất lợi hay có lợi hơn (làm sai lệnh kết luận) cho người bị kết án, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi người đều hiểu như vậy, thực tế, việc sửa chữa sẽ áp dụng trong trường hợp sai lỗi chính tả, nếu vậy thì việc yêu cầu có quá phức tạp hay không, trong khi việc soát lỗi chính tả không phải là quá khó khăn. Hơn nữa, điều luật lại không quy định về thời hạn để chủ thể có thẩm quyền giải thích, sửa chữa bản án, quyết định, điều này dẫn đến sự chây ỳ, chậm thực hiện nghĩa vụ, làm chậm quá trình thi hành án trên thực tế.
3. Mẫu yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VIỆN KIỂM SÁT………………[1]
VIỆN KIỂM SÁT …………..[2]
Số: ……../YC-VKS…-…[3]
….., ngày ……. tháng………năm 20….
YÊU CẦU
Giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định4 của Tòa án
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT ……2……
Căn cứ Điều 25 và Điều 26 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
Căn cứ Điều 365 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Xét thấy, Bản án hoặc Quyết định[4] số….ngày….tháng….năm…..của Tòa án……[5]………..đối với người bị kết án…………[6]……….. có những điểm chưa rõ, cụ thể…………[7]……………,
YÊU CẦU:
Tòa án …….….5……………giải thích, sửa chữa Bản án hoặc Quyết định4 số……….ngày….tháng….năm….. đối với người bị kết án…………6……….. và
Nơi nhận:
– Tòa án 5…(để thực hiện);
– VKS cấp dưới (để kiểm sát) [8];
– Lưu: VT, hồ sơ kiểm sát.
VIỆN TRƯỞNG [9]
4. Hướng dẫn mẫu yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án hoặc quyết định của Tòa án:
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Tên của Mẫu được chỉnh sửa theo từng trường hợp: Bản án hoặc Quyết định
[5] Ghi tên Tòa án đã ban hành Bản án hoặc Quyết định
[6] Ghi họ và tên người bị kết án
[7] Nêu cụ thể nội dung chưa rõ để yêu cầu giải thích hoặc có lỗi chính tả, số liệu bị nhầm lẫn, do tính toán sai để yêu cầu sửa chữa
[8] Ghi trong trường hợp Viện kiểm sát cấp trên ban hành văn bản
[9] Thẩm quyền ký thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 39/QĐ-VKSTC năm 2018 về biểu mẫu nghiệp vụ công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành