Để đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất để cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền của mình người bị thiệt hại gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm yêu cầu cơ quan này hướng dẫn về các nội dung đã được quy định.
Mục lục bài viết
1. Văn bản yêu cầu hướng dẫn là gì?
Văn bản yêu cầu hướng dẫn, nói một cách đầy đủ là văn bản yêu cầu hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, là mẫu văn bản do người bị thiệt hại gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm yêu cầu cơ quan này hướng dẫn về các nội dung đã được quy định. Theo đó, nội dung hướng dẫn bao gồm:
– Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại;
– Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường;
– Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
– Phục hồi danh dự;
– Việc chi trả tiền bồi thường.
Văn bản yêu cầu hướng dẫn thể hiện ý chí, nguyện vọng của người bị thiệt hại khi họ đang gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện quyền được bồi thường thiệt hại của mình, đây cũng là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là sự quan tâm trong chính sách của nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
2. Văn bản yêu cầu hướng dẫn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
VĂN BẢN YÊU CẦU HƯỚNG DẪN
Kính gửi: ………..(1)…………
Họ và tên: ……..(2)…………
Địa chỉ: ……(3)…………
Số điện thoại (nếu có): ……
Email (nếu có) …………
Giấy tờ chứng minh nhân thân: ……..(4)…………
Là: ……….(5) ……………
Tôi đề nghị Quý Cơ quan hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước như sau:
1. Nội dung yêu cầu hướng dẫn
….. (6) …
2. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
……..(7) ………
3. Các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường nhà nước (nếu có)
…..(8)…………
..(9)…, ngày … tháng … năm ….
Người yêu cầu hướng dẫn (10)
3. Hướng dẫn chi tiết nhất mẫu văn bản yêu cầu hướng dẫn:
(1) Ghi tên cơ quan hướng dẫn.
(2) Ghi tên cá nhân, tổ chức có yêu cầu hướng dẫn.
(3) Ghi nơi cư trú tại thời điểm gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn. Nếu người yêu cầu hướng dẫn là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú; nếu người yêu cầu hướng dẫn là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó.
(4) Ghi chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, số, ngày cấp, nơi cấp loại giấy tờ tương ứng của cá nhân người yêu cầu hướng dẫn. Trường hợp người yêu cầu hướng dẫn là tổ chức ghi số, ngày cấp, nơi cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép hoặc các giấy tờ có giá trị như giấy phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
(5) Ghi một trong các trường hợp:
– Người bị thiệt hại;
– Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
– Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Cá nhân, pháp nhân được người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu hướng dẫn.
(6) Ghi rõ những nội dung yêu cầu hướng dẫn theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 09/TT-BTP ngày 10/12/2019.
(7) Ghi tên văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (số hiệu, ngày tháng năm ban hành, cơ quan ban hành và trích yếu của văn bản).
(8) Ghi rõ các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến yêu cầu bồi thường (nếu có).
(9) Ghi địa điểm làm văn bản yêu cầu hướng dẫn.
(10) Trường hợp là cá nhân thì ký và ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp là tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên.
4. Các vấn đề pháp lý về yêu cầu hướng dẫn bồi thường nhà nước:
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 09/2019/TT-BTP quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, không phải tất cả các nhân, tổ chức đều có thể yêu cầu hướng dẫn mà chỉ có một số chủ thể nhất định, cụ thể là : Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được những người này ủy quyền thực hiện việc yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn.
Về nguyên tắc, việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước phải bảo đảm:
– Tuân thủ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật có liên quan;
– Kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan;
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Để nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, đảm bảo nhân lực và kinh phí cho công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cá nhân, tổ chức về quyền yêu cầu bồi thường; quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
Thứ ba, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn với các cơ quan liên quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án để thực hiện tốt công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước;
Thứ năm, định kỳ hàng năm và đột xuất tổ chức kiểm tra công tác hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước tại địa phương.
Trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước được thực hiện theo quy định tại điều 7, Thông tư 09/2019/TT-BTP, cụ thể
– Bộ Tư pháp hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo quy định tại Điều 6 Thông tư này trong các trường hợp sau đây:
+ Vụ việc đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn mà người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn;
+ Vụ việc yêu cầu bồi thường mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trụ sở tại thành phố Hà Nội giải quyết yêu cầu bồi thường.
Cục Bồi thường nhà nước giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này trong phạm vi địa phương mình.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này.
Việc trao quyền cho hai chủ thể chính là Bộ tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là hoàn toàn phù hợp trong sự tổng quát giữa chủ thể có thẩm quyền bao quát và thẩm quyền theo từng địa giới hành chính tỉnh.
Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều được tiếp nhận văn bản hướng dẫn hỗ trợ, mà cơ quan có thẩm quyền có quyền từ chối, cụ thể tại Điều 11 nêu rõ:
Việc từ chối yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
+ Yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn không liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại;
+ Vụ việc có yêu cầu hướng dẫn nhưng chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Vụ việc yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn đã được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn nhưng người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu cơ quan đó hỗ trợ, hướng dẫn mà vụ việc không có thêm tình tiết mới;
+ Vụ việc yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn không thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn quy định tại Điều 5 và Điều 7 Thông tư này;
+ Vụ việc bị đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 51 của
+ Người yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn không phải đối tượng áp dụng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 của Thông tư này.
Việc chấm dứt hỗ trợ, hướng dẫn được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
+ Người bị thiệt hại rút yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn;
+ Người bị thiệt hại chết mà không có người thừa kế;
+ Người bị thiệt hại không cung cấp giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường khi có yêu cầu;
+ Trong quá trình thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn mà vụ việc bị đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 51 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Việc quy định về phạm vi, nội dung hướng dẫn trước đó là cơ sở để đưa ra các quy định ở phần này, điều này nhằm tránh tình trạng yêu cầu hướng dẫn tràn lan, không có trọng tâm, gây mất thời gian cho cơ quan tiếp nhận và giải quyết, cũng là quy định nhằm đảm bảo được nguyên tắc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.