Vì lý do nào đó mà một đồng sở hữu không muốn sở hữu phần tài sản của mình trong khối tài sản chung nữa thì có thể viết văn bản từ chối nhận tài sản chung hay từ chối tài sản chung của vợ chồng. Hệ quả pháp lý của việc từ chối nhận tài sản chung, từ chối nhận tài sản chung của vợ chồng là người từ chối không còn quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu văn bản từ chối nhận tài sản chung:
- 2 2. Mẫu văn bản từ chối tài sản chung của vợ chồng:
- 3 3. Đăng ký tài sản chung của vợ chồng:
- 4 4. Căn cứ chứng minh tài sản chung của vợ chồng:
- 5 5. Quyền định đoạt đối với tài sản chung của vợ chồng:
- 6 6. Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng:
1. Mẫu văn bản từ chối nhận tài sản chung :
Tải Mẫu văn bản từ chối nhận tài sản chung
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
…ngày…tháng…năm…
VĂN BẢN TỪ CHỐI NHẬN TÀI SẢN CHUNG
Hôm nay, tại văn phòng công chứng:…
Tôi tên là:….
Ngày tháng năm sinh:….
Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân:….cấp ngày:…
Nơi cấp:….
Nơi đăng ký thường trú:…
Gia đình tôi có bốn người bao gồm: cha, mẹ, tôi và em trai. Chúng tôi là đồng sở hữu mảnh đất tại… đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số…cấp ngày…. tháng… năm…tại UBND huyện…
Nay vì lý do cá nhân nên tôi tự nguyện từ chối nhận phần tài sản của tôi trong khối tài sản chung của gia đình là mảnh đất trên. Như vậy, mảnh đất trên sẽ là tài sản chung của cha, mẹ và em trai tôi sau khi biên bản này được công chứng kể từ ngày…. tháng…. năm…… Tôi cam kết không tranh chấp, khiếu nại gì về sau và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc từ chối nhận tài sản chung của mình.
Tôi xin cam đoan những thông tin mà tôi trình bày trong đơn này là hoàn toàn đúng sự thật và việc từ chối nhận tài sản của tôi không nhằm trốn tránh nghĩa vụ mà tôi phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người từ chối nhận tài sản
(Ký, ghi rõ họ tên)
LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN
………..
2. Mẫu văn bản từ chối tài sản chung của vợ chồng:
Tải Mẫu văn bản từ chối nhận tài sản chung của vợ chồng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VĂN BẢN TỪ CHỐI TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG
Hôm nay, ngày, … tháng … năm …, tại văn phòng công chứng: …
Chúng tôi gồm các bên sau đây:
Ông:…
Ngày tháng năm sinh:…
Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân:…cấp ngày:..
Nơi cấp:…
Địa chỉ thường trú:…
Và Vợ là Bà:…
Ngày tháng năm sinh:…
Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân:… cấp ngày:…
Nơi cấp:…
Địa chỉ thường trú:…
Tôi và vợ được bố mẹ vợ là ông/bà:… tặng cho căn nhà số… đường… phường… tỉnh… theo hợp đồng tặng cho số… được lập tại Văn phòng công chứng …
Hiện tại, hợp đồng tặng cho đã hoàn thành tuy nhiên chưa tiến hành việc đi sang tên tại cơ quan có thẩm quyền. Nay tôi viết biên bản này xác nhận tự nguyện từ chối phần tài sản tôi nhận được từ hợp đồng tặng cho của bố mẹ vợ tôi đã chuyển giao cho hai vợ chồng. Xác nhận đây là tài sản riêng của vợ tôi trong thời kỳ hôn nhân của chúng tôi. Hoàn toàn đồng ý việc vợ tôi đứng tên căn nhà được bố mẹ tặng cho. Tôi cam kết không khiếu nại, tranh chấp và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc từ chối nhận phần tài sản trong tài sản chung của vợ chồng tôi.
Tôi xin cam đoan những thông tin tôi đưa ra là đúng sự thật và cam kết việc tôi từ chối nhận tài sản chung của vợ chồng là không trốn tránh nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Người từ chối nhận tài sản
(Ký, ghi rõ họ tên)
LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN
……..
– Các lưu ý khi lập văn bản từ chối nhận tài sản chung
– Ghi rõ thông tin của người từ chối nhận tài sản;
– Xác nhận lại tài sản đó có phải tài sản chung của người có quyền từ chối nhận với những đồng sở hữu khác. Có thể đưa ra căn cứ chứng minh như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho,…
– Xác định những người đồng sở hữu khối tài sản chung;
– Nếu là từ chối nhận tài sản chung của vợ chồng thì cần chứng minh quan hệ hôn nhân của hai người.
– Cần đưa văn bản từ chối nhận tài sản chung, văn bản từ chối nhận tài sản chung của vợ chồng đi công chứng hoặc chứng thực.
3. Đăng ký tài sản chung của vợ chồng:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật hôn nhân và gia đình, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Căn cứ Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về việc đăng ký tài sản chung của vợ chồng, theo đó:
Tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu. Đối với những tài sản phải đăng ký thì vợ chồng thỏa thuận để đăng ký quyền sử dụng.
Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
Ví dụ: Vợ chồng ông A có một mảnh đất nhưng trước đây chỉ đứng tên một mình ông A, nay vợ chồng ông A muốn thay đổi để cả hai vợ chồng cùng đứng tên thì ông A có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.
4. Căn cứ chứng minh tài sản chung của vợ chồng:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Vợ tôi có cắm sổ đỏ 01 mảnh đất đứng tên tôi và vợ tôi, và 02 mảnh đất đứng tên vợ tôi (02 mảnh đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời kỳ kết hôn giữa tôi và vợ tôi) để vay ngân hàng mua thêm mấy mảnh đất khác nhưng mảnh đất mới chỉ đứng tên vợ tôi (vợ tôi đã dấu tôi việc này). Tôi cũng đã ký trách nhiệm liên đới đồng trả nợ ngân hàng 03 sổ đỏ mà vợ tôi cắm vay ngân hàng. Vậy tôi muốn hỏi khi vợ chồng tôi ly hôn thì khoản nợ ngân hàng và những mảnh đất trên được chia như thế nào? Tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì liên quan đến những tài sản trên để những tài sản đó được công nhận là khối tài sản chung giữa hai vợ chồng tôi (vì sổ đỏ vợ tôi cầm )?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung vợ chồng, việc vợ bạn đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hiểu là tài sản riêng của vợ bạn. 02 mảnh đất đang thế chấp tại ngân hàng và 01 mảnh đất mới mua đứng tên vợ bạn có được trong thời kỳ hôn nhân thì được coi là tài sản chung hai vợ chồng trừ khi hai vợ chồng có hợp đồng thỏa thuận tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, bạn chỉ cần chứng minh thời điểm cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân của hai người.
Khi ly hôn xảy ra, khoản nợ và quyền sử dụng đất đều có trong thời kỳ hôn nhân thì đều được chia đều cho 02 vợ chồng tuy nhiên khi chia tài sản chung vợ chồng có tính đến công sức đóng góp của vợ chồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình.
5. Quyền định đoạt đối với tài sản chung của vợ chồng:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi: Khi chấm dứt hợp đồng vay vốn tại ngân hàng thế chấp bằng sổ đỏ thì có cần thiết phải có chữ ký của cả hai vợ chồng không? Hay chỉ cần chữ ký của vợ hoặc chồng? Nếu phải cần 2 chữ ký của vợ chồng thì nhân viên ngân hàng giải quyết cho 1 bên rút mà không có chữ ký của vợ hoặc chồng thì phải chịu trách nhiệm gì? Câu hỏi này em rất thắc mắc và rất cần thiết. Em chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 29
Như vậy, theo quy định, thì vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Theo khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc đinh đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cả vợ, và chồng.
Như vậy, đối với hợp đồng vay vốn tại ngân hàng, thế chấp bằng sổ đỏ, khi chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận thì cần phải có chữ ký của cả 2 vợ chồng, thể hiện sự đồng ý của vợ chồng đối với việc xác lập, chấm dứt giao dịch.
Trường hợp ngân viên ngân hàng giải quyết cho một bên rút mà không qua chữ ký của bên còn lại (khi không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay có sự ủy quyền bằng văn bản của người còn lại) là trái với quy định pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường thiệt hại cho bạn.
6. Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư: Mẹ em được ông bà ngoại cho một mảnh đất sau khi ba em mất. Có di chúc của ông bà để lại cho mẹ em. Tuy nhiên, sau khi cấp giấy CNQSDĐ có ghi tên mẹ và ba em (đã chết). Nhưng hiện giờ khi mẹ em làm di chúc để lại cho các con thì văn phòng công chứng lại ghi là bố mẹ. Vậy cho em hỏi đây là tài sàn chung hay là tài sản riêng của mẹ em. Vì đất này được ông bà em cho sau khi bố em đã mất. Em chân thành cảm ơn và mong Luật sư sớm phản hồi lại giúp em. Xin chân trọng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo như bạn trình bày, ông bà bạn là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất, khi ông bà bạn mất, ông bà bạn có để lại di chúc định đoạt để lại cho riêng mẹ bạn, khi đó bố bạn đã mất.
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật hôn nhân và gia đình 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất này mẹ bạn được ông bà bạn để lại di chúc sau khi ba bạn mất. Như vậy đây là tài sản riêng của mẹ bạn, không phải là tài sản chung bố mẹ bạn.
Khi cấp giấy CNQSDĐ có ghi tên mẹ và ba bạn (đã chết), như vậy cơ quan có thẩm quyền trong quá trình cấp sổ đỏ cho mẹ bạn đã cấp sai tên của người sử dụng đất bởi dựa trên các giấy tờ của mẹ bạn thì đây là tài sản riêng của mẹ bạn, do đó nay mẹ bạn phải thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đứng tên mẹ bạn. Sau đó mẹ bạn có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến mảnh đất này như chuyển nhượng, tặng cho, để lại di chúc,…