Khi muốn chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay đối tượng phải dùng văn bản đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay gửi Bộ Tài chính. Vậy văn bản đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay có nội dung và hình thức ra sao?
Mục lục bài viết
1. Mẫu văn bản đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay là gì, mục đích của văn bản?
Theo Khoản 3 Luật quản lý nợ công 2017, các khái niệm nợ chính phủ, nợ chính phủ được bảo lãnh, nợ chính quyền được hiểu như sau:
Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.
Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.
Vay là quá trình tạo ra nghĩa vụ nợ thông qua việc ký kết và thực hiện hiệp định, hợp đồng, thỏa thuận vay (sau đây gọi chung là thỏa thuận vay) hoặc phát hành công cụ nợ.
Theo khoản 3 Nghị Định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ:
– Người bảo lãnh là Chính phủ, do Bộ Tài chính là đại diện chính thức hay còn gọi là cơ quan cấp và quản lý bảo lãnh theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Quản lý nợ công.
– Người nhận bảo lãnh là người có quyền thụ hưởng Thư bảo lãnh do Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ phát hành. Người nhận bảo lãnh bao gồm người cho vay, người sở hữu trái phiếu và những người nhận chuyển nhượng, những người nhận chuyển giao hợp pháp của người cho vay, người sở hữu trái phiếu và được gọi chung là Bên cho vay trong các thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu.
– Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao của đối tượng được bảo lãnh là người nhận toàn bộ hoặc một phần các quyền và nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh trong giao dịch chuyển nhượng khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, được người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh chấp thuận.
Mẫu văn bản xin chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay là văn bản được lập ra để xin được chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, nội dung văn bản nêu rõ thông tin chuyển nhượng, chuyển giao…
Mục đích của văn bản xin chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay: Đối tượng được bảo lãnh các khoản vay dùng mẫu văn bản này gửi Bộ Tài chính nhằm mục đích có được sự cho phép của Bộ Tài Chính chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay.
2. Mẫu văn bản đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(TÊN ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO LÃNH)
——————————————
Số:……
V/v: Chuyển nhượng/chuyển giao khoản vay….
…., ngày….. tháng…… năm…….(1)
Kính gửi: Bộ Tài chính
– Căn cứ Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; – Căn cứ Thông tư số –/2018/TT-BTC ngày … tháng … năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn biểu, mẫu cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh;
(Tên Đối tượng được bảo lãnh) đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận việc chuyển nhượng/chuyển giao khoản vay (dự án/cổ phần/vốn góp/tài sản) đối với dự án … theo Thỏa thuận vay ký ngày …. giữa (Tên Đối tượng được bảo lãnh) và (Tên ngân hàng cho vay) được Chính phủ bảo lãnh như sau:
1. Tình hình thực hiện Dự án (2)
Báo cáo tình hình thực hiện dự án đến thời điểm đề nghị điều chỉnh, gồm các nội dung:
– Tổng số vốn đã rút;
– Tổng dư nợ vay;
– Tình hình trả nợ (gốc, lãi, phí) và trả phí bảo lãnh;
– Tình hình thực hiện dự án (tỷ lệ hoàn thành nếu đang trong quá trình xây dựng, rút vốn, tình hình sản xuất kinh doanh nếu đang trong quá trình vận hành và trả nợ).
2. Các thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng/chuyển giao (3)
a) Danh sách cổ đông lớn của Công ty (nếu là công ty cổ phần);
b) Bên chuyển nhượng, chuyển giao.
c) Trị giá chuyển nhượng, chuyển giao:
– Nếu là chuyển nhượng cổ phần, vốn góp: Số lượng và tính chất của cổ phần dự kiến chuyển nhượng, chuyển giao;
– Nếu là chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay: Trị giá khoản vay được chuyển nhượng, chuyển giao.
– Nếu là chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản sau đầu tư: Trị giá dự án, tài sản được chuyển nhượng, chuyển giao.
c) Tổ chức, cá nhân dự kiến nhận chuyển nhượng, chuyển giao;
d) Phương thức chuyển nhượng, chuyển giao;
đ) Lý do chuyển nhượng, chuyển giao;
e) Trách nhiệm của các bên trong giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao, trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ có liên quan của Người được bảo lãnh, của cổ đông lớn theo quy định hiện hành khi chuyển nhượng, chuyển giao và khả năng thực hiện.
3. Hồ sơ kèm theo (4)
(Đối tượng được bảo lãnh) xin gửi kèm theo
Chúng tôi xin cam kết và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của toàn bộ hồ sơ kèm theo công văn này.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ./.
Nơi nhận:
– Như trên;
– Ngân hàng phục vụ;
– Lưu: …
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO LÃNH
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo văn bản:
Người viết văn bản là người đại diện theo pháp luật của đối tượng được bảo lãnh, văn bản cần phải đảm bảo chính xác nội dung và hình thức văn bản:
(1) Ghi rõ địa điểm, ngày tháng năm thực hiện biên bản chuyển giao, chuyển nhượng;
(2) Tình hình thực hiện Dự án bao gồm tổng số vốn đã rút, tổng dư nợ đã vay, tình hình trả nợ, tình hình thực hiện dự án;
(3) Các thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng/chuyển giao;
(4) Ghi rõ hồ sơ kèm theo bao gồm những tài liệu nào.
4. Những quy định liên quan đến chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay:
Theo Điều 34 Nghị định 91/2018/NĐ-CP cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ quy định chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cụ thể như sau:
– Điều kiện chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh:
Việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay theo thỏa thuận vay được Chính phủ bảo lãnh của người nhận bảo lãnh phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chỉ xem xét đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay của người nhận bảo lãnh trong trường hợp việc chuyển nhượng, chuyển giao không làm tăng thêm nghĩa vụ của người bảo lãnh. Trường hợp việc việc chuyển nhượng, chuyển giao làm tăng thêm nghĩa vụ của người bảo lãnh sẽ không được xem xét.
Đồng thời, việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay theo thỏa thuận vay được Chính phủ bảo lãnh của đối tượng được bảo lãnh phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (trừ trường hợp thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao phải đáp ứng được các điều kiện đối với đối tượng được bảo lãnh theo quy định của pháp luật và của Nghị định này.
-Trách nhiệm của Bộ Tài Chính: Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản ý kiến chấp thuận hoặc từ chối trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay theo thỏa thuận vay của người nhận bảo lãnh gồm:
Văn bản đề nghị chấp thuận về việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay của người nhận bảo lãnh nêu rõ lý do chuyển nhượng, chuyển giao và người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; đồng thời xác nhận về việc không làm tăng thêm nghĩa vụ của người bảo lãnh sau khi chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay (bản gốc);
Ý kiến bằng văn bản, chấp thuận việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay của đối tượng được bảo lãnh (bản gốc);
Dự thảo văn bản chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay (nếu có) đã được các bên thống nhất, trong đó có quy định người nhận chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay chấp nhận kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm của người nhận bảo lãnh ban đầu theo thỏa thuận vay.
– Hồ sơ về việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay theo thỏa thuận vay
+ Đề án chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, trong đó nêu rõ: Tên người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; lý do chuyển nhượng, chuyển giao; năng lực của người nhận chuyển nhượng, chuyển giao; kế hoạch hoạt động của người nhận chuyển nhượng, chuyển giao đối với dự án; chứng minh khả năng tài chính của người nhận chuyển nhượng, chuyển giao về khả năng trả nợ đối với dư nợ còn lại của khoản vay (bản gốc);
+
+ Cam kết của người nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao khoản vay của đối tượng được bảo lãnh về việc kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh tương ứng với phạm vi nhận chuyển nhượng, chuyển giao từ đối tượng được bảo lãnh (bản gốc);
+ Ý kiến bằng văn bản, không phản đối về việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay của người nhận bảo lãnh (bản sao có chứng thực).
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của đối tượng được bảo lãnh về việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay theo thỏa thuận vay, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc từ chối.
Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản cho đối tượng được bảo lãnh trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, đề nghị chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay cần phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, nếu được thông qua sẽ phải có hồ sơ đầy đủ hợp lệ, thực hiện theo đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.