Quyết định công nhận lưu hành giống cách trồng dễ dàng được cấp hơn thì Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn, nhằm xứng đáng với tiêu chí "đặc cách". Tính chất pháp lý của hai mẫu văn bản này gần như là giống nhau, khi bị mất, hư hỏng hay thay đổi thông tin thì đều phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại.
Mục lục bài viết
1. Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng là gì?
Khái niệm giống cây trồng đã được nhắc đến trong các văn bản pháp lý quốc tế, chủ yếu là trong các văn bản về sở hữu trí tuệ, cũng chính điều đó mà Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành cũng giải thích về thuật ngữ này. Theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới: ““Giống cây trồng” là nhóm cây trong một đơn vị phân loại thực vật ở cấp thấp nhất được biết tới cho đến nay và nhóm này, bất luận các điều kiện cấp quyền tác giả có được đáp ứng đầy đủ hay không, có thể
– được xác định dựa trên biểu hiện của các tính trạng do một kiểu gen cụ thể hay một tổ hợp các kiểu gen quy định,
– được phân biệt với bất cứ nhóm cây nào khác dựa trên biểu hiện của ít nhất một trong số các tính trạng nêu trên, và được coi là một đơn vị thực vật phù hợp cho việc nhân giống mà các tính trạng của nó không bị thay đổi;”. Việc đưa ra khái niệm trong lĩnh vực nay nhằm xác định đúng được đối tượng cần bảo hộ.
Trong lĩnh vực trồng trọt và dưới góc độ pháp lý, Khoản 5, Điều 2 Luật Trọng trọt giải thích rằng: “Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.” Khái niệm này được sử dụng khá thống nhất và liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý được ghi nhận kèm theo.
Theo tinh thần Khoản 1, Điều 13 Luật Trồng trọt, giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Như vậy, có thể nói Quyết định công nhận lưu hành đặc cách là cơ sở để chứng minh tính hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành đối với giống cây tròng thuộc loài cây trồng chính, tức nó mang tính bắt buộc- dĩ nhiên phải đáp ứng điều kiện cực kỳ khắt khe.
Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp cho cơ quan, địa phương đề nghị khi đáp ứng các điều kiện sau: là giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, được địa phương đề nghị; có bản mô tả đặc tính của giống và hiện trạng sử dụng và có mẫu lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng (sau đây gọi là mẫu lưu) do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt quản lý.
Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng là văn bản do cơ quan, địa phương gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm yêu cầu cơ quan này cấp lại Quyết định trong trường hợp bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin trong Quyết định.
Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng bản chất giống một “đơn xin, đơn đề nghị”, là văn bản bày tỏ ý chí, nguyện vọng chủ thể đề nghị tới cơ quan có thẩm quyền, là căn cứ đầu tiên để cơ quan xem xét, đánh giá sơ bộ và quyết định cấp lại quyết định công nhận lưu hành đặc cách hay không. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được số lượng, tình hình lưu hành, sử dụng của các giống cây trồng có giá trị không chỉ về kinh tế và còn về truyền thống.
Đối với Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng chỉ đặt ra vấn đề cấp, cấp lại và hủy bỏ mà không đặt ra vấn đề gia hạn (không có thời hạn) hay đình chỉ hiệu lực.
Về trình tự thủ tục: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. (Điểm b, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 94/2019/NĐ-CP). Đây được xem là thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng nhất liên quan đến Quyết định công nhận lưu hành.
Giống là yếu tố nội tại quyết định đến phẩm chất của sản phẩm. Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao con người ngày càng có nhu cầu sử dụng những sản phẩm ngon, sạch. Trong xu thế phát triển nông nghiệp như hiện nay, sản phẩm không đơn thuần là tự cung, tự cấp hay cung cấp ra thị trường nhỏ mà đó là nông nghiệp gắn với hàng hoá do đó sự cạnh tranh sẽ rất mạnh mẽ, nếu sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì ngành nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn, đời sống người dân gắn liền với sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đó sẽ gây ra các ảnh hưởng tiêu cực khác đến xã hội.
Giống cây trồng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những nước công nghiệp hóa nông nghiệp. Trên thế giới, người ta đã đặt trọng tâm vào phát triển nông nghiệp trên quy mô công nghiệp hiện đại, bằng các phương phát sinh học tối tân, họ đã sản xuất hàng loạt giống cây trồng mới, được chọn lọc và cho nhân giống, lai tạo ra những thế hệ cây trồng nhiều ưu điểm, cải tạo gen thành những giống cây kháng bệnh, kháng sâu rầy, giảm bớt chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian chăm sóc, tạo nên ưu thế vững chắc trong sản xuất nông nghiệp.
Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng là sự quan tâm, cái nhìn xa hơn của nhà nước trong việc lưu giữ các giống đặc sản, nhưng giống cây đã tồn tại lâu dài với người dân, mang lại sản phẩm, chất lượng, năng suất cao lại đem đến tính đặc trưng của vùng miền, đây còn là cơ sở để nhà nước bảo hộ, tránh tình trạng tranh chấp, gây mất uy tín cũng như làm mất đi tính độc nhất của giống cây trồng tại vùng miền. Hơn nữa, quyết định công nhận lưu hành đặc biệt cũng là cơ sở giống cây trồng được lưu hành thuận lợi hơn, đem lại lòng tin từ phía bà con người dân hơn.
2. Mẫu văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(1)…, ngày … tháng … năm …
VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN LƯU HÀNH ĐẶC CÁCH GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Tên cơ quan đề nghị: …..(2)……
– Địa chỉ: …….
– Điện thoại: ……; Fax: ………; E-mail: …
2. Tên giống cây trồng đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách: ……(3)……
3. Mã số lưu hành của giống cây trồng: ……
4. Số quyết định công nhận lưu hành đặc cách đã cấp: … ngày … tháng … năm … (kèm theo bản photo Quyết định nếu có)
5. Lý do đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng: …(4)
6. Văn bản kèm theo (đối với trường hợp cấp lại do thay đổi thông tin ghi trong Quyết định) (5)
Chúng tôi cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin và văn bản kèm theo trong hồ sơ./.
CƠ QUAN ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng:
(1) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm làm văn bản đề nghị.
(2) Ghi tên cơ quan đề nghị (phải là cơ quan, tổ chức, đơn vị, không phải là cá nhân).
– Địa chỉ trụ sở: ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (thị trấn).
– Số điện thoại, email thường xuyên liên lạc
(3) Ghi tên giống cây trồng, ví dụ: Giống lúa thơm ST25
(4) Bị mất hoặc hư hỏng hay do thay đổi thông tin ghi trong Quyết định.
(5) Bản mô tả đặc tính của giống và hiện trạng sử dụng; Biên bản nộp mẫu lưu.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác