Mẫu thư gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11 ý nghĩa, cảm động

Mẫu thư học sinh gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11 cảm động nhất? Mẫu thư học sinh gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11 ý nghĩa nhất? Mẫu thư thầy cô giáo viết cảm ơn học trò hay nhất?

1. Mẫu thư học sinh gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11 cảm động nhất:

Gửi Cô giáo thân thương của em!

Em vẫn nhớ tại vùng quê yên bình ấy, vào những năm chúng em học cấp 3, mấy đứa em hay rủ nhau lén bỏ học phụ đạo ở trường, đạp xe xuống học ở lò luyện thi dưới thành phố cách đó chừng hơn chục cây số. Riêng môn tiếng Anh của cô thì chúng em tự do cúp cua thoải mái, không phải trốn hay giấu cô. Cô còn động viên, chịu khó xuống đấy mà học thêm mới có hy vọng thi Đại học được.

Chương trình tiếng anh hồi cấp 3 chúng tôi học ở trường là chương trình cho học sinh mới bắt đầu, kiểu như:

– Hello, how are you.

– I’m fine, thank you and you?

Bọn tôi ba đứa được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của trường do cô huấn luyện. Mỗi tuần học hai buổi, gần đến lúc thi, cô tăng cường thêm 2 buổi nữa, học tại nhà cô, cơm cô cũng nấu cho ăn luôn. Vậy mà cả ba đứa, suốt mấy năm liền đi thi chẳng giật được cái giải gì. Cô hay hỏi mượn tôi quyển vở học thêm ở thành phố để tham khảo, xem có gì mới để giảng bài trên lớp. Cô bảo, đúng là các thầy cô ở thành phố có khác, có nhiều điều kiện tham khảo sách vở, tài liệu nên trình độ hơn hẳn thầy cô trên này. Chúng mày phải cố mà học thêm thì mới theo được bọn chúng nó dưới ấy.

Em còn nhớ (và giờ nghĩ lại cũng thấy hơi ân hận) về một trò đùa hồi ấy. Chả là cô hay gọi những đứa đi học thêm đứng lên trả lời mấy bài kho khó. Thực ra cũng chỉ là mấy câu chia động từ hay chia thời gì đó, cũng có khi là một từ mới mà cô chưa gặp. Hôm ấy, chẳng biết học đến phần nào mà có đứa lại hỏi cô từ “buồng chuối”. Cô bảo cô chưa biết từ này và gọi tôi đứng dậy hỏi xem có biết không. Tôi đứng dậy tỉnh bơ trả lời cô: Đó là “Banana room” ạ. Nghe có vẻ hợp lý nên cô viết lên bảng cho cả lớp chép vào phần từ mới. Hôm sau vừa nhìn thấy tôi, cô mắng: “Thằng quỷ!”, rồi cả hai cô trò cùng cười.

Vậy mà đã gần 30 năm trôi qua rồi. Những kỉ niệm như vừa mới ngày hôm qua, vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc trong sâu thẳm trái tim em. Đối với em, cô như người mẹ thứ hai, lúc nào cũng ân cần, gần gũi, hết lòng yêu thương chúng em. Nếu không có cô thì có lẽ chúng em sẽ không có được thành công như ngày hôm nay. Nhân ngày 20-11, xin kính chúc Cô giáo của chúng em và tất cả các Thầy Cô giáo luôn Mạnh khoẻ và Hạnh phúc trong sự nghiệp trồng người đầy cao cả. Chúng em sẽ luôn nhớ về thầy cô với những tình cảm trân trọng nhất.

Học trò của cô – Tiểu quỷ nhỏ.

2. Mẫu thư học sinh gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11 ý nghĩa nhất:

Kính gửi Thầy – người chèo đò thẩm lặng đã sinh ra em lần thứ hai!

Chắc thầy vẫn còn nhớ em, em là Nguyễn Văn D – một học sinh cá biệt, được liệt vào dạng không thể dạy dỗ nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy em đều nhận xét và trao đổi thẳng thắn như vậy với ba mẹ em. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận em quá một tháng.

Hồi đó, bao lần Mẹ em khóc. Bố thì thở dài: thằng này vậy là coi như xong, không có hi vọng gì ở nó cả…

Đến khi em chuyển qua trường mới của thầy, nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi em đi nhưng vì nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”. Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường.

Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn em đến “trao tận tay thầy”. Em lén quan sát các “đối thủ” của mình thấy toàn những bạn ngỗ ngược, ăn chơi, không chịu học hành.

Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt em, lần đầu tiên gặp nhưng thầy rất hồ hởi: “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”.

Thầy xếp em ngồi với một bạn tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Bạn khẽ hích vào vai em giành chỗ ngồi rộng hơn. Em đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

Để trêu tức thầy, em đã cố tình dây mực vào áo của bạn. Thầy nói: “Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi bạn mếu máo mách chuyện. Em thầm nghĩ: “Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu.”

Trước đây, mỗi lần em dây mực vào hầu hết các bạn học sinh trong lớp, các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ em cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Em mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Em cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”.

Mấy hôm sau nữa em lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa để trêu tức thầy. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Em đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này. Thời ấy chúng em đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, em gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học em xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ em đều bị tịch thu hết phấn thừa.

Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay em hộp phấn to đùng mà không nói gì. Em xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Vậy mà trước đó một thời gian khi ở trường cũ, em nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng, hôm sau em càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, em thấy xấu hổ quá chừng.

Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, em nói lí nhí rằng: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”.

Lần đầu tiên em được người lớn khen ngoan. Em nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa. Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật em đúng với trường hợp ấy. Em có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là em chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là em mù tịt.

Vào học được một tháng, em thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ em đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của em, thầy hẹn ngày mai quay lại. Em lo lắng hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba em. Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ em mừng rỡ vì không phải khản cổ quản em nửa ngày không đến trường. Em vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, em gò lưng ghi chép lại những gì đọc được. Thầy bắt em viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó em đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo em dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Em về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với em lúc nào không biết.

Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của em trên tay, mẹ em đã khóc, khóc to hơn lúc em bị đuổi học. Ba em thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười. Năm học qua đi nhanh chóng. Em nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, em tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, em bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy.

Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét.

“Cậu là Phong hử?”.

“Dạ”.

“Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”.

Em vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn.

“Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.

Mười năm qua đi, em mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!

3. Mẫu thư thầy cô giáo viết cảm ơn học trò hay nhất:

Gửi trò T, lớp 9B – học sinh ngoan của thầy!

Thầy vô cùng xúc động khi nhận được những lời chúc và cùng với đó là tình cảm của con, của ba mẹ các con. Thầy đang đọc từng lời chúc, cảm nhận được những yêu thương, và thầy muốn viết, cho con và cho ba mẹ các con.

Gửi con,

Năm nay thật đặc biệt, con nhỉ! Từ đầu năm học đến giờ, con chưa được đến trường, chưa được gặp bạn bè, chưa được gặp thầy cô, chưa được chạy nhảy, nô đùa trên lớp, trên sân. Con quen với việc học trực tuyến, mắt quen với màn hình, tai quen với loa, tay quen với khi chuột khi bút. Thầy Cô nhớ các con lắm đấy! Nhớ giọng nói, nhớ tiếng cười, nhớ ánh mắt trong veo của các con. Và, nhớ cả những tinh nghịch của tuổi học trò.

Nhưng, chúng ta cũng có thêm nhiều thứ, con nhỉ? Con được học tập sinh động hơn với Kahoot!, Quizizz, Blooket,…; con được chủ động hơn trong học tập; con được đọc sách hay xem TV thay vì dành cả tiếng đồng hồ trên đường đến trường; con được thêm thời gian dành cho ông bà, ba mẹ và gia đình mình;….

Con có biết, Giá trị cốt lõi đầu tiên ở trường thầy là “adaptation”. Facebook mới đổi tên công ty thành Meta với mong muốn xây dựng “đa vũ trụ ảo” (metaverse). Sẽ luôn có những khó khăn, hãy luôn biết thích nghi và vượt qua con nhé. Đại dịch này, việc học trực tuyến như hiện nay, tạo cho con một cơ hội để hòa chung với sự phát triển của Thế giới đấy!

Con nhớ, Giữ gìn sức khỏe. Đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. Ăn uống đúng bữa, đủ chất. Sắp xếp thời gian học và làm bài hợp lý. Đừng quên vận động, thư giãn mắt và uống thêm chút nước. Có thể chơi ở những nơi thoáng mát, có nhiều ánh nắng, ít người qua lại. Rồi đại dịch cũng sẽ qua, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, với những yêu thương!

Gửi ba mẹ các con, Thầy chia sẻ với những khó khăn của ba mẹ các con trong đại dịch này. Nhà nào làm việc online thì vừa phải đảm bảo công việc ở cơ quan, vừa trông con, chăm con. Nhà nào đến cơ quan làm việc thì vừa phải cố gắng thích nghi với “bình thường mới”, vừa lo lắng con ở nhà có học đúng giờ không, học có nghiêm túc không, có mất tập trung không,… hay an toàn về điện, về mạng,…. Nhưng, rõ ràng, việc học của các con không thể bị gián đoạn. Gia đình nào chủ động trong việc xây dựng thói quen học tập mới cho các con đã bắt đầu thu về những quả ngọt. Các con thực sự sẵn sàng và biết cách tiếp thu kho tàng tri thức của nhân loại trên internet. Tạo cho các con sự chủ động trong học tập, đặc biệt là khi học trực tuyến, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thầy Cô luôn nỗ lực nhưng cũng luôn cần sự hỗ trợ từ ba mẹ, gia đình các con. Chỉ có sự gắn kết giữa Thầy Cô và ba mẹ mới mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục các con.

Ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con và Thầy Cô nhé!

Gửi yêu thương.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )