Trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp do nhiều lý do khác nhau mà doanh nghiệp phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, theo quy định pháp luật hiện hành khi ngừng sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp phải thực hiện thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế. Vậy, mẫu thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử mới nhất hiện nay như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử mới nhất:
Mẫu thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử mới nhất được soạn thảo như sau:
TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH VĂN BẢN Số: /TB-… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ….., ngày …. tháng …. năm ….. |
THÔNG BÁO
Về việc ngừng sử dụng hóa đơn
______________
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Điều 1 Nghị định số ……/2022/NĐ-CP ngày … tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Quyết định số …./QĐ-CT/CCT ngày …. của Cục Thuế/Chi cục Thuế…… về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn;
…(Tên cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế)… thông báo ngừng sử dụng hóa đơn đối với ….(Tên người nộp thuế)…
Mã số thuế: ….
Địa chỉ trụ sở kinh doanh: …
Lý do thông báo ngừng sử dụng hóa đơn: …
Căn cứ dữ liệu theo dõi tại cơ quan thuế hoặc dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền khác (nếu có), số hóa đơn tồn đến ngày ban hành quyết định cưỡng chế gồm:
STT | Loại hóa đơn | Ký hiệu mẫu | Ký hiệu Hóa đơn | Từ số | Đến số | Ghi chú |
Người nộp thuế sử dụng hóa đơn kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành (ngày … tháng…. năm….) thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp (trừ trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh).
Nơi nhận: – … (Tên người nộp thuế)… (để thực hiện); – Cơ quan hải quan (nếu có); – Phòng/Đội …. (để thực hiện); – Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế; – Trang thông tin điện tử Cục Thuế; – ……; – Lưu: VT,… | THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN BAN HÀNH VĂN BẢN (Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên) |
Ghi chú: Trường hợp không có dữ liệu về hóa đơn thì tại thông báo ngừng sử dụng hóa đơn chỉ cần ghi các nội dung: Căn cứ ra thông báo; tên cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế; tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế; lý do ngừng sử dụng hóa đơn.
2. Khi nào cơ quan nhà nước lập thông báo ngừng sử dụng hóa đơn?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm lập Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn kèm theo thông báo ngừng sử dụng hóa đơn khi cơ quan nhà nước tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ra thông báo ngừng sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế bị cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về việc quản lý thuế.
– Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn lập theo Mẫu số 04/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và kèm theo thông báo ngừng sử dụng hóa đơn theo Mẫu số 04-1/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
+ Tại quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn cần ghi rõ các nội dung: Căn cứ ra quyết định cưỡng chế; tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế; lý do bị cưỡng chế; số tiền bị cưỡng chế.
+ Tại thông báo ngừng sử dụng hóa đơn cần ghi rõ: Căn cứ ra thông báo; Các lý do ngừng sử dụng hóa đơn; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế; Ký hiệu mẫu, ký hiệu, số hóa đơn ngừng sử dụng, ngày ngừng sử dụng hóa đơn.
– Quyết định cưỡng chế được ban hành tại các thời điểm sau
+ Ngay sau ngày hết thời hiệu của quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế; quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan (nếu có) hoặc ngay sau ngày đủ điều kiện chuyển biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế; ngay sau khi có quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập đối với cá nhân.
+ Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế mà có điều kiện thực hiện, thông tin biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan quản lý thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, trường hợp mà không đủ điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo, áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà có hiệu quả thì cơ quan quản lý thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế có hiệu quả.
– Quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn được gửi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan và người nộp thuế bị cưỡng chế ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế và được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành thuế.
+ Quyết định cưỡng chế được gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế, trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế thì quyết định cưỡng chế được gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu chính hoặc giao trực tiếp.
+ Trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không nhận quyết định và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cá nhân, tổ chức có địa chỉ đăng ký với cơ quan quản lý thuế thì được coi là quyết định đã được giao.
+ Trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại trụ sở của tổ chức hoặc nơi cư trú của cá nhân bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người nộp thuế bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao; Quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận;
– Kể từ ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì cũng là ngày Quyết định cưỡng chế hết hiệu lực.
Cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế theo Mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
– Cơ quan thuế phải đăng tải quyết định cưỡng chế phải ra thông báo ngừng sử dụng hóa đơn trên trang thông tin điện tử ngành thuế hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định ngay sau hành hành quyết định.
– Trong thời gian thực hiện biện pháp cưỡng chế này, cơ quan thuế không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn của tổ chức, cá nhân đang bị cưỡng chế, không cấp hóa đơn, không cấp mã đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không bán hóa đơn cho người nộp thuế đang bị cưỡng chế.
– Kèm theo thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn theo Mẫu số 04-2/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này.
Ngay trong ngày ban hành quyết định chấm dứt thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế có trách nhiệm phải tiến hành đăng tải trên trang thông tin điện tử ngành thuế hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định.
– Đối với trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, khi người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế có trách nhiệm tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh. Tuy nhiên với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Thông tư 80/2020/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.