Hành vi không thông báo khi chấm dứt hoạt động kinh doanh được xem là vi phạm và bị xử lý theo quy định. Cùng tìm hiểu nội dung, cấu trúc cũng như cách điền mẫu thông báo ngừng kinh doanh hộ cá thể.
Mục lục bài viết
1. Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh như sau:
“Điều 92. Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
1. Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
a) Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
b) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
2. Hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.”
Phân tích quy định pháp luật:
Quy định trên xác định các trách nhiệm công việc mà hộ kinh doanh cần phải thực hiện. Đây là nghĩa vụ, thực hiện trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước. Cho nên việc thông báo hoạt động kinh doanh cũng là yêu cầu bắt buộc.
Khi hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động, một loạt các hệ quả pháp lý kéo theo. Trong đó phải kể đến là các quyền và nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước. Việc tiếp cận của khách hàng, của đối tác trong hoạt động làm ăn của họ.
Như vậy, việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh được quy định như trên. Trong đó, thông báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh cũng bắt buộc thực hiện trong nhóm các nghĩa vụ.
2. Thuật ngữ tiếng Anh:
3. Mẫu thông báo mới nhất:
3.1. Mẫu thông báo ngừng kinh doanh hộ cá thể mới và chuẩn nhất:
Mẫu thông báo này được cơ bản nhà nước ban hành. Cụ thể ở đây là Thông báo ban hành kèm trong thông tư 01 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục III-5 Danh mục ban kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT thì mẫu thông báo được quy định như sau:
Mẫu thông báo:
TÊN HỘ KINH DOANH ——– | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: ………….. | ……, ngày…… tháng…… năm …… |
THÔNG BÁO
Về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Kính gửi: Phòng Tài chính – Kế hoạch ……………
Tên hộ kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa): ………….
Số Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: ………
Cấp lần đầu ngày: …../…../…….. tại: ……………
Thay đổi lần cuối ngày : …../…../…….. tại: ……………
Địa chỉ trụ sở hộ kinh doanh: …………
Điện thoại (nếu có)………. Fax (nếu có): ………
Email (nếu có): ………. Website (nếu có): ……..
Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh kể từ ngày …../…../……..
Hộ kinh doanh cam kết:
– Đã thanh toán đầy đủ/thỏa thuận với chủ nợ đối với các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính khác chưa thực hiện.
– Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung Thông báo này.
CHỦ HỘ KINH DOANH
(Ký và ghi họ tên)
3.2. Cách soạn mẫu thông báo:
Trước tiên, thông báo được đưa ra trong ý nghĩa sử dụng của một văn bản hành chính. Cho nên phải đảm bảo về hình thức, về cấu trúc và các yêu cầu của nội dung triển khai.
– Về hình thức:
– Trước tiên, phải có các thông tin tên hộ kinh doanh đặt ở góc bên trái, phía trên cùng.
– Góc bên phải phía trên cùng là thông tin Quốc hiệu, tiêu ngữ, thời gian và địa điểm.
– Có tên của thông báo đặt chính giữa dòng phía dưới. Tên thông báo xác nhận nội dung chính của thông báo được hộ kinh doanh thực hiện.
– Trình bày các nội dung theo bố cục, thể hiện sự logic trong các thông tin cung cấp, thông báo liên quan đến việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
– Về nội dung, trình tự bố cục của thông báo:
– Phải có tên của thông báo:
THÔNG BÁO
Về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Như vậy, xuyên suốt nội dung được trình bày bên dưới sẽ là các thông tin thông báo liên quan đến việc hộ kinh doanh sẽ chấm dứt hoạt động.
– Chủ thể, đơn vị, đối tượng có thẩm quyền tiếp nhận thông báo. Ở đây là Phòng Tài chính – Kế hoạch ……….
– Cung cấp các thông tin về hoạt động đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh. Bao gồm:
+ Tên hộ kinh doanh.
+ Số Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: ………
+ Các thay đổi, thời gian thay đổi đối đối với việc cấp giấy chứng nhận.
+ Địa chỉ trụ sở hộ kinh doanh: Đây là nơi đăng ký trụ sở, đăng ký hoạt động theo thông tin được cơ quan nhà nước quản lý.
+ Nhóm các thông tin liên lạc, các cách thức liên hệ như:
+) Điện thoại (nếu có)……….
+) Fax (nếu có): ………
+) Email (nếu có): ……….
+) Website (nếu có): ……..
– Thông tin về thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh. Phải ghi đầy đủ thông tin ngày, tháng, năm.
– Các cam kết về thực hiện, hoàn thành nghĩa vụ trong, sau khi chấm dứt hoạt động. Bao gồm:
+ Đã thanh toán đầy đủ/thỏa thuận với chủ nợ đối với các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính khác chưa thực hiện.
+ Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung Thông báo này.
– Chủ hộ kinh doanh thực hiện ký xác nhận dưới cuối của thông báo.
4. Xử phạt đối với hộ kinh doanh không thông báo?
Như quy định trình bày bên trên, việc thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh là nghĩa vụ, không phải quyền được lựa chọn. Do đó, nếu hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động mà không thông báo là đang vi phạm các nghĩa vụ pháp luật quy định.
Biện pháp xử phạt hành chính:
Căn cứ theo quy định tại Điều 63 Nghị đinh 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm trong chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh
“Điều 63. Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.”
Phân tích quy định pháp luật:
Bởi vì họ không thông báo chấm dứt hoạt động, nên cũng không thực hiện các nghĩa vụ tương ứng. Họ vẫn để lại các đăng ký về mặt pháp lý nhưng không hoạt động trên thực tế.
Như vậy, đối với trường hợp chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh nhưng không thông báo thì sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây là khung hình phạt quy định chung. Đồng thời căn cứ trên tính chất, mức độ của vi phạm để xác định mức phạt trên thực tế đối với các hộ kinh doanh có vi phạm.
Ngoài ra sẽ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm. Để đảm bảo cơ quan nhà nước nắm được, thực hiện quản lý hiệu quả đối với các tổ chức đăng ký kinh doanh và hoạt động trên địa bàn.
Lưu ý:
Mức phạt tiền này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Từ đó có thể xác định được mức phạt tương ứng nếu vi phạm được thực hiện bởi các cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 122/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư…
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
– Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.