Một trong những quyền đặc trưng của trung tâm trọng tài là thành lập các chi nhánh, văn phòng đại điện ở trong nước và ngoài nước. So với chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước thì việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài sẽ có nhiều vấn đề pháp lý mà trung tâm trọng tài cần chú ý hơn.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu thông báo lập chi nhánh, văn phòng địa diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài là gì?
- 2 2. Mẫu số 14/TP-TTTM: Thông báo lập chi nhánh, văn phòng địa diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài:
- 3 3. Hướng dẫn mẫu thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài:
1. Mẫu thông báo lập chi nhánh, văn phòng địa diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài là gì?
Quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 27 Luật Trọng tài thương mại, theo đó: “Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài”.
Trung tâm trọng tài là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại, nhằm thực hiện chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.
Khái niệm chi nhánh, văn phòng đại diện được giải thích rất rõ trong các văn bản pháp luật về trọng tài thương mại, cụ thể, chi nhánh được hiểu là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trọng tài, hoạt động phù hợp với lĩnh vực hoạt động ghi trong Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài. Còn Văn phòng đại diện được hiểu là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trọng tài, được thành lập nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động trọng tài, đại diện cho Trung tâm trọng tài trong các giao dịch của Trung tâm.
Nếu như chi nhánh có được trung tâm trọng tại cử một người làm trưởng chi nhánh thì văn phòng đại diện cũng phải có trưởng văn phòng đại diện, đây là chủ thể chịu tránh nhiệm trước pháp luật và trung tâm trọng tài về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Giữa chi nhánh và văn phòng đại diện có một số điểm giống nhau như đều là đơn vị trực thuộc; tên của trung tâm trọng tài gắn với chi nhánh, văn phòng đại diện; không có tư cách pháp nhân; hoạt động nhân danh trung tâm trọng tài; hoạt động của chi nhánh, văn phòng địa diện phải phù hợp với phạm vi, lĩnh vực hoạt động của trung tâm trọng tài; trung tâm trọng tài có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước.
Bên cạnh đó, giữa chi nhánh và văn phòng đại diện còn có một số điểm khác nhau như: nếu như chi nhánh được hoạt động chức năng, nhiệm vụ của trung tâm trọng tài thì văn phòng đại diện không được làm điều đó mà chỉ được thành lập nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động trọng tài, đại diện cho trung tâm trọng tài trong các giao dịch; chi nhánh thường được thành lập ở phạm vi các tỉnh hoặc liên tỉnh, còn văn phòng đại diện thường phân định theo khu vực, lãnh thổ lớn.
Hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài bên cạnh chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam còn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài là văn bản do trung tâm trọng tài gửi tới Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài là nghĩa vụ của trung tâm trọng tài được ghi nhận tại Điều 14 Nghị định 63: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài hoặc kể từ ngày chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài, thì Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.”
Theo quy định này, thời điểm thông báo được thực hiện dựa trên 2 sự kiện, một là kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài; hai là kể từ ngày chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Thông báo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chứng minh tính tuân thủ pháp luật của trung tâm trọng tài, là cơ sở để cơ quan nhà nước nắm bắt thông tin, xem xét, quản lý hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp đỡ trung tâm trọng tài trong ngoại giao nếu có sự ảnh hưởng lợi ích trong quá trình đặt chi nhánh, văn phòng đại điện ở nước sở tại. Thông báo còn là cơ sở để trung tâm trọng tài thực hiện hoạt động một cách hợp lí và hợp pháp.
Như đã nói ở mục 1, việc chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập ở nước ngoài phải chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống pháp luật là hệ thống pháp luật Việt Nam và hệ thống pháp luật nước sở tại nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu như trung tâm trọng tại nước ngoài đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam được Luật trọng tài thương quy định một cách đầy đủ về quyền và nghĩa vụ thì khi Trung tâm trọng tài Việt Nam đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài cũng sẽ được pháp luật nước đó quy định về quyền và nghĩa vụ. Nhìn chung, các quyền và nghĩa vụ đó được pháp luật các quốc gia quy định không có sự chênh lệch hay khác nhau nhiều bởi đó có thể là thông lệ hoặc quy chuẩn chung của các quốc gia, bản thẩn các chi nhánh, văn phòng đại diện cũng góp phần làm thay đổi quan hệ giữa các nước trong phát triển kinh tế, ngoại giao, giải quyết tranh chấp, nhưng cũng có phần cạnh tranh với các trung tâm trọng tài ở các nước sở tại, do đó, việc quy định về quyền và nghĩa vụ là hoàn toàn cần thiết và hợp lí.
2. Mẫu số 14/TP-TTTM: Thông báo lập chi nhánh, văn phòng địa diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TÊN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI (1)——-
Số: ………(2)…………
Tỉnh (thành phố), ngày ….. tháng ….. năm ……(3)
THÔNG BÁO
LẬP CHI NHÁNH/VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI Ở NƯỚC NGOÀI
Kính gửi: – Bộ Tư pháp;
– Sở Tư pháp……(4)……
Tên Trung tâm trọng tài:……(1)……
Giấy phép thành lập số: …………
Do Bộ Tư pháp cấp ngày…… tháng……. năm…. tại…………
Thông báo lập Chi nhánh/ Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài với nội dung cụ thể như sau:
1. Tên Chi nhánh/ Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài:…(5)………………
Tên viết tắt: (nếu có)…………
Tên giao dịch bằng tiếng Anh:…………
2. Địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh/ Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài:……(6)………
Điện thoại:……………….Fax: ……
Email: ……………….Website:…………
3. Lĩnh vực, phạm vi hoạt động:…………………
4. Trưởng Chi nhánh/ Trưởng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài: (7)
Họ và tên:……………… Giới tính:…….
Quốc tịch:…………
Số hộ chiếu/Chứng minh nhân dân:…………
Do: …………………………cấp ngày…..tháng……. năm….… tại………
Chúng tôi xin cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính trung thực và chính xác của nội dung Thông báo và hồ sơ kèm theo; chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại.
Tài liệu gửi kèm bao gồm:
1 ……(8)……
2 ………
Người đại diện theo pháp luật của Trung tâm trọng tài
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài ở nước ngoài:
(1) Ghi tên trung tâm trọng tài thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện (tên theo Giấy phép thành lập)
(2) Ghi số, ký hiệu văn bản
(3) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm ban hành thông báo
(4) Sở Tư pháp nơi trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động
(5) Ghi tên theo giấy phép thành lập
(6) Ghi rõ số nhà, tên đường, quận, huyện theo địa chỉ đã được xác định trong giấy phép thành lập
(7) Ghi các thông tin cá nhân của trưởng Chi nhánh/ Trưởng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài
(8) Tài liệu này không được pháp luật quy định cụ thể, tuy nhiên có thể hiểu đây là các tài liệu có giá trị chứng minh tính hợp pháp của hoạt động thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, ví dụ như bản sao giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Cơ sở pháp lý: