Khi đến tuổi nghỉ hưu, thì các cá nhân sẽ được xem xét về việc hưởng chế độ hưu trí. Trường hợp được hưởng, thì cơ quan sẽ ra văn bản với tên gọi là quyết định về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí.
Mục lục bài viết
1. Nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí là gì?
Chế độ hưu trí là chế độ bảo hiểm xã hội do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động khi hết khả năng lao động hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Đối tượng được áp dụng chế độ hưu trí chính là tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chế độ hưu trí bao gồm chế độ lương hưu hàng tháng hoặc bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí là việc cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc có đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
2. Chủ thể nào khi nghỉ việc thì được hưởng chế độ hưu trí:
Như trên đã nói, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nghỉ việc nếu đạt đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ được hưởng chế độ này.
Tại
“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp
b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.”
Tại Điều 55 của Luật này quy định về nghỉ hưu trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động
Như vậy, các điều kiện để được hưởng chế độ lương hưu hằng tháng chia theo 4 tiêu chí đó chính là tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mức suy giảm khả năng lao động và điều kiện lao động. Từ đó, có thể chia điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng theo chủ thể được hưởng như sau:
2.1. Nghỉ hưu thông thường:
* Đối với NLĐ nói chung:
+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên
+ Nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi, 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.
+ Người lao động đủ 50 tuổi , 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trong đó có 15 năm làm khai thác than trong hầm lò
+ Người nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, 20 năm đóng BHXH
* Đối với người lao động trong lực lượng vũ trang:
+ Nam đủ 55 tuổi, Nữ 50 tuổi, trừ trường hợp có quyết định khác, có từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
+ Nam đủ 50 tuổi, nữ 45 tuổi, có trên 20 đóng bảo hiểm xã hội, có 15 năm làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm
+ Hoặc người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp,
* Lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã phường thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi
2.2. Nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động:
-Với người lao động nói chung:
+ Từ 1/1/2016 nam đủ 51 tuổi , nữ 46 tuổi , 20 năm đóng BHXH trở lên, suy giảm 61% khả năng lao động. Sau đó cứ mỗi năm tăng 1 tuổi cho đến năm 2020 trở đi nam đủ 55 tuổi , nữ 50 tuổi, 20 năm đóng BHXH trở lên và suy giảm 61% khả năng LĐ trở lên.
+ Nam đủ 50 tuổi , nữ đủ 45 tuổi, 20 năm đóng BHXH trở lên, suy giảm 81% khả năng lao động
+ 20 năm đóng BHXH, suy giảm 61% khả năng lao động, 15 năm làm công việc dặc biệt nặng nhọc , độc hại
– Đối với người lao động trọng lực lượng vũ trang:
+ Nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi 20 năm đóng BHXH trở lên, suy giảm 61% khả năng lao động
+ 20 năm đóng BHXH, suy giảm 61% khả năng lao động, 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại
Quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí là văn bản do cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền ban hành quyết định về việc một cá nhân nghỉ việc được hưởng chế độ hưu trí.
Quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí được dùng với vai trò là căn cứ để một cá nhân được hưởng những chế độ theo như quy định của pháp luật về chế độ hưu trí.
3. Mẫu quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí và soạn thảo:
Mẫu quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí được ban hành kèm theo Quyết định số 777/2019/QĐ-BHXH. Mẫu quyết định như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày …… tháng …. năm …….
……… (1)
Số: ……. /QĐ-…
QUYẾT ĐỊNH
Về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí
…. (2) ….
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số …
Căn cứ (3) ……;
Xét đề nghị của….,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ông (bà)…… Sinh ngày……/……./……
Mã số BHXH:
Số điện thoại di động:…
Chức danh nghề nghiệp, cấp bậc, chức vụ: …
Đơn vị công tác: …
Được nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí từ ngày……/…../…….
Nơi cư trú khi nghỉ hưu(4): ……
Hình thức nhận lương hưu(5): ……
Nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu(6): ……
Điều 2. Chế độ hưu trí đối với ông (bà)…do Bảo hiểm xã hội huyện (quận)/tỉnh (thành phố)……giải quyết theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Điều 3. …… (7) và ông (bà)… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– BHXH (8)……;
– Lưu….
……(2)
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
Hướng dẫn lập mẫu quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí (Quyết định 777/QĐ- BHXH)
(1): Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động
(2): Chức danh người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí.
(3): Trường hợp nghỉ hưu theo pháp luật lao động thì ghi Bộ luật Lao động, nghỉ hưu theo pháp luật cán bộ, công chức thì ghi Luật Cán bộ, công chức, nghỉ hưu theo pháp luật viên chức thì ghi Luật Viên chức; ngoài ra, nếu nghỉ hưu theo các chính sách khác của Nhà nước như giải quyết lao động dôi dư, tinh giản biên chế… thì ghi bổ sung tên văn bản quy định chính sách đó;
(4): Ghi đầy đủ số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố), tỉnh (thành phố).
(5): Ghi hình thức nhận lương hưu: Nếu nhận lương hưu bằng tiền mặt thông qua tổ chức dịch vụ BHXH thì ghi rõ: Nhận lương hưu qua tổ chức dịch vụ BHXH; nếu nhận lương hưu qua tài khoản thẻ thì ghi rõ nhận lương hưu qua tài khoản thẻ và bổ sung thông tin: Số tài khoản: ……, Ngân hàng mở tài khoàn …. chi nhánh …;
Trường hợp không ghi hình thức nhận lương hưu thì cơ quan BHXH sẽ chi trả bằng tiền mặt thông qua bưu điện.
(6): Ghi nơi khám, chữa bệnh ban đầu do cá nhân lựa chọn theo danh mục cơ sở khám, chữa bệnh do cơ quan BHXH cung cấp; nếu thuộc đối tượng người có công với cách mạng thì ghi rõ thuộc đối tượng người có công với cách mạng sau tên cơ sở khám chữa bệnh đã đăng ký. Trường hợp không đăng ký địa chỉ nơi khám, chữa bệnh BHYT ban đầu thì cơ quan BHXH sẽ ấn định địa chỉ nơi khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.
(7): Chức danh lãnh đạo các đơn vị liên quan (nếu có); trường hợp người sử dụng lao động theo quy định không có con dấu thì không phải đóng dấu.
(8): Ghi tên cơ quan BHXH tỉnh/huyện nơi nộp hồ sơ giải quyết.
4. Trình tự quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí:
Tại Quyết định số 777/2019/QĐ- BHXH hướng dẫn về trình tự giải quyết chế độ hưu trí dành cho cá nhân là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ việc bao gồm các bước sau:
– Đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) tập hợp, lập hồ sơ; nộp đủ hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH.
– Trường hợp thực hiện giao dịch điện tử: Đơn vị SDLĐ lập hồ sơ bằng Phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN; Ký số gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN, trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích.
– Cơ quan BHXH tỉnh/huyện tiếp nhận đủ hồ sơ từ đơn vị SDLĐ hoặc NLĐ; thực hiện đối chiếu với bản chính đối với thành phần hồ sơ là bản sao không có chứng thực và trả lại bản chính cho NLĐ hoặc cho đơn vị SDLĐ.
– Giải quyết, trả kết quả giải quyết cho đơn vị SDLĐ và NLĐ theo cách thức đơn vị SDLĐ và NLĐ đã đăng ký; chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho NLĐ theo hình thức NLĐ đăng ký.
– NLĐ trực tiếp nhận kết quả giải quyết.
Chế độ hưu trí là một trong các chế độ chính của bảo hiểm xã hội, đóng vai trò quan trọng đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội, giúp cho cuộc sống của các nhân đó khi họ không còn khả năng lao động. Hoạt động quyết định một cá nhân được hưởng chế độ trợ cấp thì sẽ tuân theo những bước trên, đây là thủ tục rất cần thiết để việc giải quyết các yêu cầu của cá nhân tại cơ quan bảo hiểm xã hội được hiệu quả, chất lượng.