Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng hoạt động dựa trên căn cứ là Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm, đây là văn bản mà tổ chức này luôn phải có, vì vậy khi mất, hư hỏng hay có những thay đổi thông tin thì phải thực hiện đề nghị cấp lại.
Mục lục bài viết
1. Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là gì?
Trước khi giải thích thế nào là “Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm”, tác giả xin đưa ra một số khái niệm cơ bản như sau:
Thứ nhất, giống cây trồng là gì? Khái niệm về giống cây trồng được giới nghiên cứu học thuật cũng như các nhà khảo nghiệm giống cây trồng đưa ra, mặc dù còn nhiều khái niệm khác nhau, nhưng nhìn chung đều thống nhất được bản chất về giống cây trồng. Dưới góc độ pháp lý, Khoản 5, Điều 2, Luật Trồng trọt giải thích rằng: “Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”. Đây cũng là khái niệm được áp dụng đồng bộ trong lĩnh vực trồng trọt.
Khi đề cập đến khái niệm “giống”, thông thường người ta muốn đề cập tới các tính trạng và đặc tính của giống .
– Tính trạng (characters): Đó là những đặc điểm về hình thái và cấu tạo quan sát được của các cây trong cùng một giống giúp ta phân biệt với các giống khác trong cùng một loài. Để nhận biết các tính trạng như vậy, thường người ta chia ra các nhóm sau đây:
+ Các đặc điểm về hình thái, như: chiều cao cây, chiều dài bông, số hạt trên bông, số bông trên khóm, kích thước lá v.v. Nói chung đây là những tính trạng số lượng (quantitative characters), nghĩa là có thể “cân-đong-đo-đếm” được; chúng thường do nhiều gene kiểm soát và chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện môi trường.
+ Các đặc điểm về cấu tạo, như: độ dày của bông, màu sắc và hình dạng của thân, lá, hoa và quả … Đây là những tính trạng chất lượng (qualitative characters), thường do một gene kiểm soát, ít chịu tác động của điều kiện ngoại cảnh và có thể quan sát được bằng mắt thường.
+ Diễn biến của một quá trình sinh học, như: hô hấp, quang hợp, hoặc phản ứng quang chu kỳ v.v. thường tỏ ra rất mẫn cảm với các điều kiện sinh thái của môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ dài ngày. Tất cả các yếu tố này có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự hoạt động của các enzyme kiểm soát một quá trình sinh học cụ thể, và qua đó có thể ảnh hưởng đến các tính trạng chất lượng.
– Đặc tính (characteristics): Đó là những tính chất hay đặc điểm sinh lý, sinh hoá đặc trưng có liên quan đến các đặc tính chống chịu của thực vật (như chịu mặn, hạn, rét, úng v.v.) và đặc điểm kỹ thuật canh tác.
Thứ hai, khảo nghiệm giống cây trồng và tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng là gì? Đây là hai khái niệm có mối tương quan, trong đó tổ chức khảo nghiệm giống cây trông là tổ chức thực hiện hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng, đây là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng theo phương pháp nhất định. Đối với tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng, thì trong các bài viết của Luật Dương Gia về tổ chức này, đều thống nhất đưa ra khái niệm như sau: Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng là tổ chức độc lập được thành lập để thực hiện chức năng khảo nghiệm giống cây trồng và phải được cấp quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định.
Thứ ba, Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là gì? Quyết định này được hiểu là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khi tổ chức này đáp ứng đủ điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị cấp quyết định tổ chức khảo nghiệm.
Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là văn bản do cơ quan có thẩm quyền (Cục Trồng trọt) ban hành nhằm cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm cho tổ chức khảo nghiệm khi quyết định bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là quyết định bắt buộc phải ban hành trên cơ sở xem xét hồ sơ và căn cứ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm hoạt động cho tổ chức khảo nghiệm. Đây là căn cứ để tổ chức khảo nghiệm tiếp tục hoạt động hợp pháp theo đúng nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức. Hơn nữa, quyết định về việc cấp lại là văn bản thể hiện sự quan tâm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức khảo nghiệm trong cả nước.
Căn cứ để được cấp lại quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm: bị mất, hư hỏng; hoặc thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
Trình tự, thủ tục: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt (Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quy định về trình tự, thủ tục được ghi nhận tại Khoản 2, 3, Điều 7 Nghị định 94/2019/NĐ-CP. Nhìn chung thủ tục cấp lại khá đơn giản, dễ dàng thực hiện đối với tổ chức khảo nghiệm, việc quy định thời hạn 05 ngày làm việc để được cấp lại quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là hoàn toàn hợp lý, nhanh chóng, đảm bảo hoạt động bình thường của tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
2. Mẫu quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
——-
Số: /QĐ-TT-…
Hà Nội, ngày … tháng … năm
QUYẾT ĐỊNH
Về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm
CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT
Căn cứ Quyết định số …/QĐ-BNN-TCCB ngày … tháng … năm … của … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ đề nghị của tổ chức, cá nhân tại văn bản số … ngày … tháng … năm …;
Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ và đề nghị của …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cấp lại Quyết định công nhận tổ chức …(1)……. đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng.
Loài cây trồng khảo nghiệm: …(2)……
Nội dung khảo nghiệm: ……(3)……
Vùng khảo nghiệm: ……(4)………
Điều 2. Tổ chức khảo nghiệm có tên tại Điều 1 có trách nhiệm thực hiện khảo nghiệm theo đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Cục, Trưởng các đơn vị thuộc Cục; tổ chức khảo nghiệm, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều …;
– …;
– Lưu: VT, …
CỤC TRƯỞNG
(Ký tên và đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
(1) Ghi tên tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng
(2) Ghi cụ thể loại giống cây trồng khảo nghiêm, ví dụ: Gạo Nàng Thơm, Lúa HT1, Lúa HT9, Dưa hấu Hắc mĩ nhân
(3) Ghi cụ thể các nội dung khảo nghiệm,
– Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
– Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng bao gồm:
+ Khảo nghiệm có kiểm soát;
+ Khảo nghiệm diện hẹp trên đồng ruộng;
+ Khảo nghiệm diện rộng trên đồng ruộng.
(4) Ghi rõ vùng khảo nghiệm, thường là theo địa giới hành chính.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác