Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản chứng minh tính hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân chủ sở hữu giống cây trồng, vì vậy các chủ thể này luôn phải có và xuất trình được nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị. Khi xảy ra các trường hợp như mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin thì tổ chức cá nhân phải đề nghị cấp lại.
Mục lục bài viết
1. Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là gì?
Việt nam đã trở thành một trong quốc gia lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất và sản xuất nông sản của một số loại cây trồng như: lúa, cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu…Cùng với việc cải thiện hệ thống thuỷ lợi, ứng dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật thì các giống cây trồng nước ta đã đóng vai trò rất quan trọng để đạt được những thành tựu nói trên. Ngành giống cây trồng đã cung cấp một bộ giống phong phú, bao gồm những giống thuần, giống ưu thế lai ngăn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, có khả năng thích ứng rộng, và nhiều loại giống cây trồng lâu năm được cải tiến , chọn lọc, đưa vào sản xuất.
Có thể thấy, vai trò của giống cây trồng đã được nhiều nhà khoa học cũng như các nhà khảo nghiệm giống câu trồng khẳng định. Để có cái nhìn thống nhất về giống cây trồng, Luật Trồng trọt đã đưa ra giải thích về đối tượng này, nhằm tạo ra cách hiểu chung và áp dụng chính sách đối với nó, cụ thể: “”Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”
Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho giống cây trồng mà tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Quyết định này được áp dụng đối với giống cây trồng chính ( Danh mục loại cây trồng chính, bao gồm: Lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối. Danh mục loài cây trồng chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ phát triển.)
Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Trồng trọt) ban hành nhằm cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng cho một giống cây trồng cụ thể khi bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi, bổ sung thông tin ghi trong Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đã được cấp trước đó.
Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhận đăng ký lưu hành giống cây trồng nhanh chóng làm thủ tục để được cấp lại Quyết định thay vì phải đề nghị cấp mới như trước đây. Quyết định cấp lại là cơ sở để hợp pháp hóa hoạt động của chủ sở hữu đối với giống cây trồng được lưu hành và cũng là chính sách bảo hộ của nhà nước đối với giống cây trồng. Kể từ khi quyết định có hiệu lực, tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp lại Quyết định công nhận lưu hành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến giống cây trồng được công nhận lưu hành nêu trên để áp dụng vào sản xuất.
Có hai trường hợp lớn để được cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
Trường hợp 1: Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị mất hoặc hư hỏng. Trường hợp này khá dễ hiểu, tức là quyết định được cấp trước đó đã mất mà không tìm lại được hoặc hư hỏng (rách, nhàu, nát, mờ) mà không còn khả năng sử dụng.
Trường hợp 2: Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng. Đây là trường hợp thay đổi các thông tin về giống cây trồng như mã số lưu hành, đặc tính của giống, hướng dẫn bảo quản và sử dung,…
Trình tự, thủ tục đề nghị cấp lại được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 4, Điều 4 Nghị định 94/2019/NĐ-CP, cụ thể:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhìn chung, trình tự, thủ tục cấp lại Quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng khá đơn giản, thời hạn quyết định nhanh chóng, đảm bảo được hoạt động của tổ chức, cá nhân diễn ra thông suốt, hiệu quả.
2. Mẫu quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
———————-
Số: /QĐ-TT-…
Hà Nội, ngày … tháng … năm
QUYẾT ĐỊNH
Về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng
CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT
Căn cứ Quyết định số …/QĐ-BNN-TCCB ngày…tháng…năm…của… quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ Quyết định số … ngày … tháng … năm … của Cục trưởng Cục Trồng trọt về việc công nhận lưu hành giống cây trồng;
Căn cứ đề nghị của (tổ chức, cá nhân) … tại văn bản số … ngày … tháng … năm … về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng;
Căn cứ kết quả thẩm định hồ sơ và đề nghị của …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng: ……(1)…….;
Mã số lưu hành: ………….;
Tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành: …(2)……..;
Phạm vi lưu hành: …..(3)………;
Thời gian lưu hành: Từ ngày…tháng … năm…đến ngày…tháng…năm…
Thông tin về giống cây trồng theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Điều 2. Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp lại Quyết định công nhận lưu hành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến giống cây trồng được công nhận lưu hành nêu trên để áp dụng vào sản xuất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Cục, Trưởng các đơn vị thuộc Cục; tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp lại Quyết định công nhận lưu hành, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều …;
– …;
– Lưu: VT, …
CỤC TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
(1) Ghi tên giống cây trồng gia hạn Quyết định công nhận lưu hành, ví dụ: Cam Bù, cam Bố Hạ, cam Xã Đoài, cam Đường Canh.
Chú ý: Tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:
– Chỉ bao gồm chữ số;
– Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
– Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;
– Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
– Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.
(2) Ghi tên tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành đối với giống cây trồng (Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành)
(3) Trong nước hay ngoài nước hoặc cả hai (trừ đối với giống cây trồng cấm xuất khẩu theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 94/2019).
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác