Việc tạm đình chỉ, hoãn giải quyết chính là việc dừng lại một khoảng thời gian mà không tiếp tục giải quyết bồi thường nữa, do đó, khi đầy đủ các căn cứ để tiếp tục giải quyết bồi thường, thì cần phải có văn bản quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.
Mục lục bài viết
1. Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường là gì?
Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường thiệt hại là văn bản do cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại ban hành để quyết định tiếp tục tiến hành giải quyết bồi thường thiệt hại khi có căn cứ để tiếp tục tiến hành giải quyết bồi thường thiệt hại.
Về căn cứ để tiếp tục tiến hành giải quyết bồi thường thiệt hại thì tại Điều 50. Tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định như sau:
“2. Thời hạn tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ theo một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm đình chỉ theo quy định tại khoản này, người yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị tiếp tục giải quyết bồi thường. Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.
3. Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì sau khi nhận được văn bản xem xét lại mà văn bản được xem xét lại vẫn là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường…”
Như vậy, căn cứ để ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường thiệt hại đó chính là hết thời hạn tạm đình chỉ giải quyết bồi thường thiệt hại. Về thời hạn tạm đình chỉ giải quyết bồi thường thiệt hại khi người yêu cầu bồi thường hai lần từ chối nhận giấy mời tham gia thương lượng hay trong trường hợp họ hai lần không đến địa điểm thương lượng khi đã nhận giấy mời mà không có lý do chính đáng hoặc trong trường hợp không ký hoặc điểm chỉ vào biên bản kết quả thương lượng là 30 ngày tính từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ thì cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường thiệt hại. Một điểm cần lưu ý đó là khi tạm đình chỉ do cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường mà sau khi nhận được văn bản xem xét lại mà văn bản được xem xét lại vẫn là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.
Về căn cứ tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường khi hoãn giải quyết quyết yêu cầu bồi thường. Thì căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định như sau: ” Hết thời hạn hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.” Còn thời hạn hoãn giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường nhưng không quá 30 ngày, thời hạn này không áp dụng đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường bị ốm nặng mà chưa thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Khi hết thời hạn hoãn giải quyết bồi thường được quyết định trong Quyết định hoãn giải quyết bồi thường, thì cơ quan giải quyết bồi thường sẽ ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.
Vậy chủ thể ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường là ai?
Về nguyên tắc cũng như theo các phân tích nêu trên, thì chủ thể ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường đó chính là Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường. Đối với giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, cơ quan giải quyết bồi thường bao gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục, cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan chuyên môn hoặc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin; Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo;….
Đối với giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, thì cơ quan có thẩm quyền đó chính là cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát; Tòa án cấp sơ thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm;
Đối với giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó chính là Tòa án cấp sơ thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm; tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Tòa án nhân dân tối cao. Còn giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền là Cơ quan thi hành án hình sự các cấp trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân; Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; Tòa án. Và giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự thì đó là Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự; Cơ quan Thi hành án quân khu và tương đương và Tòa án.
Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường được dùng để làm căn cứ để các chủ thể có liên quan trong hoạt động giải quết bồi thường thiệt hại của Nhà nước tiếp tục thực hiện các hoạt động giải quyết bồi thường, văn bản này thể hiện chấm dứt sự tạm ngừng lại trong quá trình giải quyết bồi thường.
2. Mẫu Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường:
Mẫu Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường là mẫu có ký hiệu số 14/BTNN được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2018 do Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước. Mẫu Quyết định như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CHỦ QUẢN (nếu có)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Số:…../QĐ-…(1)…
…(2)…, ngày … tháng … năm……
QUYẾT ĐỊNH
Tiếp tục giải quyết bồi thường
—————-
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
CƠ QUAN GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG (3)
Căn cứ …..(4)…..
Căn cứ Quyết định…….(5)……giải quyết yêu cầu bồi thường số…/QĐ-……, ngày…./…./…….của……..;
…….(6)…..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường của Ông/Bà ……(7)…… Địa chỉ…… (8)….
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định …….(5)……. giải quyết yêu cầu bồi thường số…/QĐ- …..ngày …./…./…. hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 3. Ông/Bà …….(7)……và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– …..(9)..……;
– ……(10)………;
-……(11)…….;
– Lưu: VT, HSVV.
Thủ trưởng cơ quan
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
3. Soạn thảo Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường:
Quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường được Bộ Tư pháp hướng dẫn soạn thảo như sau:
(1) Ghi chữ viết tắt tên cơ quan giải quyết bồi thường.
(2) Ghi tên địa phương nơi có trụ sở cơ quan giải quyết bồi thường theo cấp hành chính tương ứng.
(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu cơ quan giải quyết bồi thường, ví dụ trường hợp Sở A là cơ quan giải quyết bồi thường thì ghi: “Giám đốc Sở A”; trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh A là cơ quan giải quyết bồi thường thì ghi: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A”.
(4) Ghi theo một trong ba căn cứ sau:
– Trường hợp ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường trong trường hợp hết thời hạn hoãn giải quyết bồi thường thì ghi: “khoản 3 Điều 49”.
– Trường hợp ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường trong trường hợp hết thời hạn tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường thì ghi: “khoản 2 Điều 50”.
– Trường hợp ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường trong trường hợp nhận được văn bản xem xét lại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường mà văn bản đó vẫn là căn cứ yêu cầu bồi thường thì ghi: “khoản 3 Điều 50”.
(5) Ghi một trong hai trường hợp tạm đình chỉ hoặc hoãn.
(6) Ghi theo một trong hai trường hợp sau:
– Trường hợp tiếp tục giải quyết do tạm đình chỉ yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ghi “Xét đề nghị của ..(tên người yêu cầu bồi thường)……”.
– Trường hợp tiếp tục giải quyết bồi thường do hết thời hạn hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường, do tạm đình chỉ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì không ghi mục này.
(7) Ghi họ tên người yêu cầu bồi thường theo văn bản yêu cầu bồi thường.
(8) Ghi địa chỉ người yêu cầu bồi thường theo văn bản yêu cầu bồi thường.
(9) Ghi tên cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
(10) Ghi họ tên người giải quyết bồi thường.
(11) Ghi họ tên người thi hành công vụ gây thiệt hại.