Trách nhiệm hoàn trả của các cá nhân gây thiệt hại đối với Nhà nước là trách nhiệm không thể thiếu trong bồi thường nhà nước. Để xác định trách nhiệm hoàn trả đó, thì cần phải có Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyết định thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả là gì?
- 2 2. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
- 3 3. Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả:
- 4 4. Soạn thảo Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả mẫu 20/BTNN:
1. Quyết định thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả là gì?
Mang bản chất chung của bồi thường thiệt hại, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước không chỉ nhằm khôi lục các tổn thất tài sản mà còn bù đắp tổn thất tinh thần cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Hay nói cách khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là trách nhiệm khôi phục những tổn thất về tài sản, bù đắp những tổn thất về tinh thần trong trường hợp người thi hành công vụ khi thực hiện nhiệm vụ đã gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tài sản, uy tín của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại. Lúc này đặt ra vấn đề vậy người thi hành công vụ có trách nhiệm gì đối với thiệt hại do họ gây ra? Và tại Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước năm 2017 đã xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại. Khi đó, các cá nhân này có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền nhất định lại ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần phải có một chủ thể tiến hành xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cũng như phương thức, cách thức hoàn trả. Chủ thể này đó chính là Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả. Đây không phải là hội đồng thường trực mà phải được thành lập theo quy định.
Tại Khoản 1 Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước quy định như sau:
“1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.”
Từ quy định trên, có thể hiểu Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả chính là văn bản do Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường lập để lập ra Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, văn bản này được ban hành khi cần xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả được dùng để thể hiện quyết định thành lập Hội đồng của Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Văn bản này còn dùng để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả trong việc xác định trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách Nhà nước của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
2. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
Như ở trên đã nói, chủ thể có thẩm quyền thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đó chính là Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Và tại Điều 28 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành
Thời hạn để thực hiện thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó chính là 10 ngày kể từ khi cơ quan tiến hành xong hoạt động chi trả tiền bồi thường.
Về thành phần của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định 68/2018/NĐ- CP, cụ thể gồm các thành viên:
“3. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan đã chi trả tiền bồi thường là Chủ tịch Hội đồng và các thành viên sau đây:
a) Đại diện lãnh đạo các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau cùng gây thiệt hại;
b) Đại diện Công đoàn cơ sở của cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại thì phải có đại diện Công đoàn cơ sở của các cơ quan đó;
c) Đại diện cơ quan đã ban hành văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không có nội dung xác định lỗi của người thi hành công vụ;
d) Đại diện cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp người đó đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác;
đ) Đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả lương hưu cho người thi hành công vụ trong trường hợp người đó đã nghỉ hưu;
e) Các thành phần khác mà cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thấy cần thiết.
Người tham gia Hội đồng không được là người thân thích theo quy định của
Theo như quy định trên, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có đủ các thành viên nêu trên, và các thành viên đó không là người thân thích của người gây thiệt hại cũng như người bị thiệt hại. Lý giải cho việc cần phải có thành viên trên tham gia hội đồng, vì bồi thường Nhà nước là hoạt động không chỉ do một cơ quan tiến hành mà đó là sự kết hợp của nhiều cơ quan khác nhau, và chủ thể gây thiệt hại đó chính là người thi hành công vụ- có thể là cán bộ, công chức, viên chức,…, đây là chủ thể thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan. bộ phận khác nhau. Do vậy, mà Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả cần phải có những thành viên để đảm bảo cho việc xác định trách nhiệm hoàn trả cũng như thực hiện việc hoàn trả sau này được tiến hành một cách thuận lợi.
Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả có trách nhiệm xác định những người thi hành công vụ nào đã gây thiệt hại, xác định, đánh giá mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với thiệt hại như thế nào, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại đó, mức hoàn trả của từng người (trong trường hợp nhiều người gây thiệt hại)
Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường họp khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng. Hội đồng tiến hành họp và thảo luận và quyết định theo đa số đối với các vấn đề về trách nhiệm hoàn trả. Sau khi quyết định, thì Chủ tịch Hội đồng ký và gửi văn bản kiến nghị đến Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường để Thủ trưởng cơ quan này tiến hành ra Quyết định hoàn trả theo quy định.
3. Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả:
Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (mẫu 20/BTNN) được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2018/TT-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tư pháp quy định một số biểu mẫu sử dụng trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước. Mẫu Quyết định như sau:
Mẫu 20/BTNN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018)
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CHỦ QUẢN (nếu có)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Số:…../QĐ-…(1)…
…(2)…, ngày … tháng … năm………
QUYẾT ĐỊNH
Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả
———
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN
ĐÃ CHI TRẢ TIỀN BỒI THƯỜNG (3)
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 66
Căn cứ Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Căn cứ vào việc đã chi trả xong tiền bồi thường đối với Ông/Bà….(4)…,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả gồm các Ông/Bà có tên sau đây:
……….(5)………
Điều 2. Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Hội đồng giải thể theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Ông/Bà có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 1;
– Lưu: VT, HSVV.
Thủ trưởng cơ quan
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
4. Soạn thảo Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả mẫu 20/BTNN:
Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả mẫu 20/BTNN được hướng dẫn soạn thảo như sau:
(1) Ghi chữ viết tắt tên cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.
(2) Ghi tên địa phương nơi có trụ sở cơ quan đã chi trả tiền bồi thường theo cấp hành chính tương ứng.
(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu cơ quan đã chi trả tiền bồi thường, ví dụ trường hợp Sở A là cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thì ghi: “Giám đốc Sở A”; trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh A là cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thì ghi: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A”.
(4) Ghi họ, tên người bị thiệt hại.
(5) Căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để ghi thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.