Mỗi một thời điểm thì thẩm quyền tạm đình chỉ vụ án hình sự lại có sự khác nhau, nếu như tại thời điểm chuẩn bị xét xử sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành thì tại phiên tòa quyết định này sẽ do Hội đồng xét xử ban hành.
Mục lục bài viết
1. Quyết định tạm đình chỉ vụ án là gì?
Tạm đình chỉ vụ án hình sự là việc cơ quan tiến hành tố tụng tạm ngừng hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự khi có các căn cứ luật định.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự (mẫu số 37-HS) là văn bản do Hội đồng xét xử ban hành tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sau khi nghị án khi có các căn cứ luật định buộc phải tạm đình chỉ vụ án hình sự. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung về số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành; căn cứ ban hành; nội dung của văn bản; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản và đóng dấu.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự là căn cứ làm chấm dứt mọi hoạt động tố tụng hình sự đối với vụ án trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi có quyết định phục hồi vụ án (khi các căn cứ tạm đình chỉ không còn). Là văn bản để hợp pháp hóa cho mọi hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, là văn bản bắt buộc nếu Hội đồng xét xử nhận thấy thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ. Quyết định tạm đình chỉ tại phiên tòa phải được quyết định sau thời gian nghị án, tức phải được xem xét, đánh giá, căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, đề tránh tình trạng tạm đình chỉ không có căn cứ. Việc ra quyết định tạm đình chỉ phải đặt lợi ích của bị cáo lên hàng đầu.
Cơ sở pháp lý cho việc khẳng định tạm định phải được đưa ra sau thời gian nghị án là khoản 3, Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự, điều luật này quy định: ” Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm: a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không…”
Ghi nhận trực tiếp về nghĩa vụ tạm đình chỉ vụ án hình sự tại phiên tòa, Điều 290- sự có mặt của bị cáo tài phiên tòa quy định: “Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.” hay tại Khoản 4 Điều 326 quy định: ” Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.”
Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị cáo.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì tạm đình chỉ vụ án (hoặc tạm đình chỉ điều tra) có cả ở ba giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử). Về mặt pháp lý tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án đều là việc tạm dừng hoạt động tố tụng đối với vụ án hoặc từng bị can, bị cáo trong vụ án. Tùy theo từng giai đoạn tố tụng mà bộ luật tố tụng hình sự quy định “tạm đình chỉ điều tra” hay “tạm đình chỉ vụ án”.
Nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra mà bị tạm đình chỉ thì gọi là “tạm đình chỉ điều tra vụ án”, nếu đã kết thúc giai đoạn điều tra và đã chuyển sang giai đoạn truy tố hoặc xét xử mà vụ án bị tạm đình chỉ thì gọi là “tạm đình chỉ vụ án”. Việc quy định như vậy nhằm làm rõ thẩm quyền của cơ quan ra quyết định cũng như hình thức văn bản tố tụng sử dụng để ra quyết định. Hiện nay trong Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm đình chỉ vụ án chứ chưa đưa ra khái niệm thế nào là tạm đình chỉ.
Đối với quy định tạm đình chỉ vụ án, không chỉ có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo dài thời hạn tố tụng khi không cần thiết mà còn khắc phục hiện tượng tồn đọng án, giảm bớt nhu cầu sử dụng lực lượng và những chi phí vật chất không cần thiết cho hoạt động tố tụng này. Mặt khác tạm đình chỉ vụ án còn là một giải pháp chủ động trong việc đề phòng những oan sai có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng.
Bên cạnh đó, chế định tạm đình chỉ vụ án còn có ý nghĩa dưới góc độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, nếu việc tạm đình chỉ vụ án không đúng theo quy định của pháp luật sẽ để lại hậu quả pháp lý là xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không có ý nghĩa trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và để lại dư luận xấu cho xã hội.
2. Mẫu quyết định tạm đình chỉ vụ án:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TÒA ÁN…………………….(1)
Số:…../…../HSST-QĐ (2)
………, ngày….. tháng….. năm……
QUYẾT ĐỊNH
TẠM ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN
TÒA ÁN(3) ……………………..
Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:(4)
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)….
Thẩm phán: Ông (Bà)…………….
Các Hội thẩm nhân dân (quân nhân): Ông (Bà) ……..
Căn cứ các điều 281, 290 và 326 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Xét thấy:(5)………
QUYẾT ĐỊNH:
1. Tạm đình chỉ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số:…/…/TLST-HS ngày…tháng…năm… đối với bị cáo:(6)………
Bị Viện kiểm sát(7)……………..
Truy tố về tội (các tội)(8)……..
Theo điểm (các điểm)……..khoản (các khoản)……..Điều (các điều)……… của Bộ luật Hình sự.
2. Quyết định này có thể bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi có Quyết định phục hồi vụ án.
3.(9)…………………….
Nơi nhận:
– Viện kiểm sát(10) …..;
– Những người tham gia tố tụng;
– Lưu hồ sơ vụ án.
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
ThẨm phán – ChỦ tỌA phiên tÒA
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu quyết định tạm đình chỉ vụ án?
(1) và (3) ghi tên
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: 16/2017/HSST-QĐ).
(4) ghi đầy đủ họ tên của Thẩm phán, Hội thẩm. Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì bỏ dòng “Thẩm phán…”. Nếu là Tòa án quân sự thì không ghi “Ông (Bà)” mà ghi cấp bậc quân hàm.
(5) ghi rõ trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (ví dụ: Xét thấy bị cáo bị bệnh hiểm nghèo).
(6) ghi họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp của bị cáo đầu vụ; nếu có nhiều bị cáo thì ghi thêm và đồng phạm. Trường hợp bị cáo là pháp nhân thương mại thì ghi tên, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật.
(7) và (10) ghi tên Viện kiểm sát cùng cấp.
(8) ghi tội danh bị truy tố theo cáo trạng.
(9) trường hợp bị cáo bỏ trốn thì ghi: “Yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo theo quy định của pháp luật”.
Cơ sở pháp lý:
Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP về biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp