Việc miễn nhiệm chức vụ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường tại địa phương đó cần phải có quyết định bằng văn bản về việc miễn nhiệm. Vậy quyết định miễn nhiệm Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được soạn thảo như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
- 2 2. Miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là gì?
- 3 3. Tại sao lại miễn nhiệm đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố?
- 4 4. Những nội dung cần có trong Quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
- 5 5. Cá nhân và tổ chức nào có nghĩa vụ liên quan trong việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố?
1. Mẫu quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ/PHƯỜNG … Số:….. QĐ/UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc…., ngày….. tháng….. năm …. |
QUYẾT ĐỊNH
(V/v miễn nhiệm Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố……)
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ
Căn cứ báo cáo của Trưởng ban công tác Mặt trận thôn/Tổ dân phố………;
Căn cứ đề nghị miễn nhiệm của Ông/bà:………..
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Quyết định miễn nhiệm đối với Ông/Bà ………Hiện đang gIữ chức vụ: Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố……… kể từ ngày….. tháng….. năm…..
Điều 2. Theo đề xuất của Ông/Bà: ……. Vì lý do…….. nên không còn đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định cũng như không thể đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã được nhân dân trong thôn thông qua tại hội nghị ngày……..tại……….
Điều 3: Ông/Bà có tên tại Điều 1 của Quyết định này có trách nhiệm thực hiện
Điều 4: Ông/Bà: ………có trách nhiệm tiếp nhận và thi hành quyết định này.
Điều 5: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày …… tháng….. năm …..
Nơi nhận: – Như Điều 4; – Lưu VP. | ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ/PHƯỜNG |
2. Miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Quy định số 41-QĐ/TW năm 2021 quy định miễn nhiệm chính là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm nhưng do người đó không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Miễn nhiệm là việc trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Miễn nhiệm xuất phát từ lý do khách quan, từ nhu cầu công việc của người đang đảm nhiệm công việc trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
3. Tại sao lại miễn nhiệm đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố?
Theo quy định tại Điều 10 Hướng dẫn thi hành ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT- CP- UBTUMTTQVN thì việc miễn nhiệm đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Do sức khoẻ không đảm bảo;
– Do hoàn cảnh gia đình không đảm bảo;
– Do một số lý do khác không thể đảm nhiệm vị trí công việc hiện tại.
Như vậy, đối với những người đang đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố có những lý do nêu trên và có nhu cầu miễn nhiệm thì sẽ yêu cầu miễn nhiệm và nhận quyết định miễn nhiệm.
4. Những nội dung cần có trong Quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
Quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là văn bản quy phạm pháp luật do Cơ quan nhà nước tại địa phương ban hành nên phải được trình bày đầy đủ nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường ban hành bao gồm những nội dung sau:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ;
– Địa điểm và thời gian ban hành Quyết định;
– Tên của đơn vị ra quyết định ( tên của Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường);
– Số vào sổ của Quyết định;
– Tên của Quyết đinh ( Quyết định về việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố);
– Một số Văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị có liên quan được nêu ra làm căn cứ cho Quyết định;
– Tên và chức vụ của người thi hành quyết định;
– Quy định về trách nhiệm của người có tên trong quyết định phải thi hành khi quyết định có hiệu lực;
– Chữ ký của cá nhân thuộc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
5. Cá nhân và tổ chức nào có nghĩa vụ liên quan trong việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố?
Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người chăm lo cho đời sống của một cộng đồng dân cư, là người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư. Theo đó, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người có nhiệm vụ quan trọng đối với thôn, tổ dân phố đó, cụ thể như:
– Có nhiệm vụ phải thực hiện triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; có trách nhiệm tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định và phải bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định pháp luật;
– Có nhiệm vụ vận động và tổ chức cho nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Có nhiệm vụ phải tập hợp phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Đồng thời, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải báo cáo kịp thời với Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;
– Có nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;
– Có nhiệm vụ báo cáo kết quả của công tác hoạt động thôn, tổ dân phố vào 02 đợt là 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm.
Do đó khi miễn nhiệm trưởng thôn thì phải có sự tham gia và đóng góp ý kiến của cộng đồng dân cư nơi đó. Việc làm này vừa là để thông báo đến người dân nơi cộng đồng đó, vừa để lấy ý kiến người dân. Bên cạnh đó, việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền thông qua Quyết định công nhận miễn nhiệm. Cụ thể các cá nhân và tổ chức có nghĩa vụ liên quan bao gồm:
5.1. Thành phần tham gia Hội nghị miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
Việc miễn nhiệm phải được tổ chức tại Hội nghị cử tri hoặc cử tri đại diện cho hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố. Do đó, thành phần tham gia hội nghị cử tri về việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố bao gồm những thành phần được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN. Cụ thể bao gồm các thành phần sau:
– Cử tri hoặc cử tri đại diện cho hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (phải đảm bảo trên 50% số cử tri thì Hội nghị mới được tiếp tục tiến hành);
– Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố đương nhiệm;
– Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố;
– Các cơ quan, đoàn thể khác trong thôn như Chi bộ thôn, ban kiểm phiếu gồm 3-5 người,…
5.2. Cá nhân, cơ quan giải quyết việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố:
Theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN thì:
– Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố khi thực hiện các công việc:
+ Nhận đơn xin miễn nhiệm của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố gửi lên;
+ Chủ trì hội nghị cử tri về việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
– Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường là cơ quan xem xét, ra quyết định công nhận kết quả miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Theo đó, căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường nhận được báo cáo của Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố thì Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ xem xét, ra quyết định công nhận kết quả miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Đồng thời, việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới phải tiến hành trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Uỷ ban nhân dân ra quyết định công quả kết quả miễn nhiệm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT- CP- UBTWMTTQVN của Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 17/4/2008 hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
– Hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn được ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN ngày 17 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Quy định số 41-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 03/11/2021 quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.