Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn tạm giam được quy định rõ, trường hợp cần gia hạn thời gian tạm giam thì cần phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Mục lục bài viết
1. Quyết định gia hạn tạm giam là gì?
Tạm giam có thể hiểu là biện pháp ngăn chặn, là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội của cơ quan có thẩm quyền thực hiện tạm giam trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi.
Mẫu quyết định gia hạn tạm giam (40/HS) là văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành, cụ thể là Viện kiểm sát nhân dân với các nội dung bao gồm các căn cứ, các văn bản pháp luật làm căn cứ để ban hành quyết định gia hạn tạm giam, thông tin về thời gian gia hạn tạm giam, hiệu lực của quyết định và các chủ thể có thẩm quyền thực hiện quyết định.
Mục đích của mẫu quyết định gia hạn tạm giam (40/HS): khi cơ quan có thẩm quyền có căn cứ để gia hạn tạm giam thì cơ quan này sẽ ra quyết định gia hạn tạm giam nhằm mục đích gia hạn thêm thời gian tạm giam để tiếp tục điều tra.
2. Mẫu quyết định gia hạn tạm giam (40/HS):
Mẫu số 40/HS Theo QĐ số 15 ngày 09 tháng 01 năm 2018
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________
VIỆN KIỂM SÁT[1] …
[2]……..
__________
Số:…../QĐ-VKS…-…[3]
…, ngày…… tháng…… năm 20…
QUYẾT ĐỊNH
GIA HẠN TẠM GIAM
Lần thứ…
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT……
Căn cứ các điều 41, 165 và 173[4] Bộ luật Tố tụng hình sự;
Căn cứ Lệnh tạm giam số…. ngày….. tháng… năm..… của [5]……
Căn cứ Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ… số… ngày… tháng… năm…(nếu có);
Xét Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ… số… ngày… tháng… năm… và Văn bản đề nghị gia hạn số…. ngày… tháng… năm… của [6]… đối với [7]……;
Nhận thấy [8]…
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Gia hạn tạm giam lần thứ… đối với 7… trong thời hạn…, kể từ ngày… tháng… năm…. đến ngày… tháng… năm…
Điều 2. Yêu cầu [9]… thực hiện Quyết định này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 3. Yêu cầu [10]… tiếp tục tạm giam bị can 7…theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.
Nơi nhận:
– Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
– VKS cấp dưới (trường hợp VKS cấp trên gia hạn);
– Cơ sở giam giữ;
– Bị can;
-……….;
– Lưu: HSVA, HSKS, VP.
VIỆN TRƯỞNG[11]
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu quyết định gia hạn tạm giam:
Người soạn thảo Mẫu quyết định gia hạn tạm giam phải đảm bảo đầy đủ về nội dung và hình thức cho văn bản nhằm thể hiện một mẫu quyết định chính xác và có hiệu lực.
Theo đó về hình thức mẫu quyết định, người soạn thảo cần đáp ứng về các lưu ý soạn thảo sau:
Góc trái trên cùng của văn bản: Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ghi tên Viện kiểm sát ban hành;
Góc phải trên cùng của văn bản: Là vị trí đặt quốc hiệu và tiêu ngữ; quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” phải được viết in hoa, bôi đậm; tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” viết in thường, bôi đậm.
Phía dưới quốc hiệu tiêu ngữ là ngày tháng năm thực hiện mẫu quyết định, cần ghi chính xác thời gian này;
Chính giữa văn bản là Mẫu quyết định gia hạn tạm giam;
Về nội dung mẫu quyết định: các căn cứ ra quyết định gia hạn tạm giam, nội dung quyết định gia hạn tạm giam và trách nhiệm của các chủ thể liên quan về quyết định gia hạn tạm giam.
Hướng dẫn soạn thảo chi tiết:
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Trường hợp vụ án phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại thì căn cứ Điều 174 BLTTHS
[5] Ghi tên Cơ quan ra Lệnh bắt bị can để tạm giam
[6] Ghi tên Cơ quan đề nghị ra hạn thời hạn tạm giam
[7] Ghi họ, tên bị can bị tạm giam
[8] Nêu lý do, căn cứ gia hạn thời hạn tạm giam
[9] Ghi tên Cơ quan đang điều tra vụ án trong trường hợp Cơ quan điều tra đề nghị ra hạn; ghi tên CQĐT, VKS đang giải quyết vụ án trong trường hợp VKS cấp dưới đề nghị VKS cấp trên gia hạn
[10] Ghi tên cơ sở giam giữ
[11] Trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền ký thay thì ghi như sau:
“KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG”
4. Những quy định liên quan đến gia hạn tạm giam:
– Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 173
+ Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
+ Thời hạn tạm giam bị can không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
+ Thời hạn tạm giam bị can không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Thời hạn tạm giam bị can đối với các trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
– Gia hạn tạm giam được quy định cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam: số lần gia hạn là một lần không quá 01 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam: số lần gia hạn là một lần không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam: số lần gia hạn là một lần không quá 03 tháng;
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam: số lần gia hạn là hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
– Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát:
+ Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực: có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng.
+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ( trong trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra).
Sau khi đã gia hạn tạm giam lần thứ nhất mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì có thể gia hạn thêm lần thứ hai, thẩm quyền gia hạn lần thứ hai thuộc về Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền gia hạn tạm giam (Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra)
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia cần gia hạn thời gian tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần, thời gian tối đa không quá 04 tháng.
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia cần thiết phải gia hạn tạm giam và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 04 tháng.
Đối với trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
– Trong thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo, nếu Cơ quan điều tra xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan này phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để ngăn chặn bị can và bị cáo làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
– Về nguyên tắc tạm giam trong quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp nếu xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để thay thế việc tạm giam mà không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra.