Trong quy định của Luật thi hành án dân sự hiện hành đã quy định về đình chỉ thi hành án. Trong đó Mẫu quyết định đình chỉ thi hành án (09/QĐ-PTHA) là những biểu mẫu mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến.
Mục lục bài viết
1. Quyết định đình chỉ thi hành án là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt “đình chỉ” là “ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại trong một thời gian hoặc vĩnh viễn”. Trong khoa học pháp lí, “đình chỉ thi hành án” là “ngừng việc thi hành bản án, quyết định dân sự”. Như vậy, khi cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án thì hoạt động thi hành án cũng đương nhiên chấm dứt, bản án, quyết định sẽ không được đưa ra thi hành nữa, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, quyết định kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước. Từ sự phân tích trên, có thể hiểu: Đình chỉ thi hành án dân sự là việc cơ quan thi hành án dân sự quyết định ngừng hẳn việc thi hành án dân sự khi có căn cứ do pháp luật quy định.
Quyết định đình chỉ thi hành án là văn bản do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành khi có một trong các căn cứ luật định nhằm ngừng hẳn việc thi hành án dân sự.Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án.
Quyết định đình chỉ thi hành án trước hết thể hiện tính tuân thủ pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, đây là nghĩa vụ bắt buộc khi có một trong các căn cứ pháp luật quy định phải đình chỉ. Thứ hai, quyết định này còn nhằm hợp pháp hóa mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ngừng hẳn thi hành án. Thứ ba, quyết định còn là căn cứ để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại khi cho rằng quyền và nghĩa vụ của mình bị ảnh hưởng. Thứ tư, đây còn là cơ sở để cơ quan thi hành án nắm bắt được số lượng vụ việc thi hành án bị đình chỉ, để thống kê và báo cáo với cấp trên hàng năm.
Khi nhắc đến đình chỉ, không thể không nhắc đến các căn cứ được quy định tại Điều 50 Luật thi hành án dân sự,, phân tích một vài căn cứ cụ thể như sau:
Thứ nhất, người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế. Căn cứ này cần đảm bảo hai điều kiện sau:
Một là, người phải thi hành án chết. Chấp hành viên phải xác minh qua người thân của người phải thi hành án, qua UBND cấp xã nơi người phải thi hành án cư trú và yêu cầu cung cấp giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố người đó chết của TA.
Hai là, người phải thi hành án không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo BA, QĐ không được chuyển giao cho người thừa kế. Chấp hành viên cần thực hiện các công việc sau:
Trường hợp người phải thi hành án không để lại di sản thì CHV phải xác minh di sản của người đã chết qua người thân của người phải thi hành án, qua UBND cấp xã và các cơ quan có thẩm quyển khác để khẳng định người phải thi hành án không có di sản. Trường hợp nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật thì nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp này là nghĩa vụ không thể chuyển giao cho người khác của người phải thi hành án(gắn với nhân thân).
Thứ hai, người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo BA, QĐ không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế. Tương tự như với căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật THADS SĐBS năm 2014, đối với căn cứ này cũng cần lưu ý đảm bảo hai điều kiện: Một là, người được thi hành án chết; Hai là, quyền và lợi ích của người đó theo BA, QĐ không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế.
Thứ ba, đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành áncó văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo BA, QĐ, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.Có hai trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự có thể ra quyết định đình chỉ, đó là:
Một là, đương sự có thỏa thuận bằng văn bản về việc đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo BA, QĐ;
Hai là, người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo BA, QĐ.
Như vậy, khi các đương sự gửi tới cơ quan Thi hành án dân sự các văn bản thể hiện ý chí của họ về việc yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ việc thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Đối với trường hợp người được thi hành án là cá nhân thì việc thể hiện ý chí đình chỉ thi hành án của họ đơn giản hơn nhiều đối với trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức. Khi tiếp nhận văn bản về việc thỏa thuận của các đương sự hoặc văn bản của người được thi hành án yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ việc thi hành án mà người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên phải lưu ý về thẩm quyền của người ký
Thứ tư, BA, QĐ bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 50 Luật THADS SĐBS năm 2014 khi cơ quan Thi hành án dân sự nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm với nội dung hủy một phần hoặc toàn bộ BA, QĐ đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm hoặc hủy BA, QĐ của TA đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sựsẽ ra quyết định đình chỉ THA. Tuy nhiên, trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng BA, QĐ bị sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản mà không ra quyết định đình chỉ thi hành án.
….
Thực tế, các căn cứ được quy định khá rộng, việc quyết định đình chỉ thường dựa trên yếu tố khách quan không thể thay thế cũng như tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên trong thi hành án dân sự. Đình chỉ thi hành án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đảm bảo được quyền và lợi ích cho người phải thi hành án mặc dù họ là người có nghĩa vụ, hơn nữa đình chỉ thể hiện chính sách thượng tôn pháp luật, áp dụng pháp luật một cách hiệu quả.
2. Mẫu quyết định đình chỉ thi hành án (09/QĐ-PTHA):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BTL QK….(BTTM, QCHQ)
PHÒNG THI HÀNH ÁN
——-
Số: /QĐ-PTHA
……(1)……, ngày ….. tháng ….. năm …….
QUYẾT ĐỊNH
Về việc đình chỉ thi hành án
TRƯỞNG PHÒNG THI HÀNH ÁN
Căn cứ … Điều … Luật Thi hành án dân sự …(2)…..;
Căn cứ Bản án, Quyết định số ……… ngày …… tháng ……. năm …. của
Căn cứ Quyết định thi hành án số ….… ngày ……. tháng ……. năm ………. của Trưởng phòng Thi hành án …….;
Căn cứ ….;
Xét đề nghị của Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đình chỉ thi hành các khoản: …(3)……….
Đối với: ……(4)……….., địa chỉ ……..(5)……………
Lý do: ……(6)…….
Kể từ ngày …(7)……. tháng …….. năm ………….
Điều 2. Chấp hành viên, người phải thi hành án, người được thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– TAQSTW;
– Cục THA/BQP;
– Viện KSQS.….;
– Lưu: VT, HS, THA;….
TRƯỞNG PHÒNG
3. Hướng dẫn mẫu quyết định đình chỉ thi hành án (09/QĐ-PTHA):
(1) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm ban hành quyết định.
(2) Ghi rõ khoản, Điều 50
(3) Ghi rõ khoản được đình chỉ theo quyết định thi hành án trước đó.
(4) Ghi tên người phải thi hành án.
(5) Địa chỉ được ghi trong quyết định thi hành án, ghi rõ số nhà, tên đường, quận, thành phố.
(6) Lí do đình chỉ căn cứ vào điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
(7) Thời điểm đình chỉ.
Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án hình sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014
Thông tư 96/2016/TT-BQP quy định công tác kiểm tra, biểu mẫu nghiệp vụ về thi hành án dân sự trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.