Cán bộ, công chức sau khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Mục lục bài viết
1. Quyết định bổ nhiệm lại chức vụ là gì?
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi 2019: “Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật”
Quyết định bổ nhiệm lại chức vụ là quyết định được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền thống nhất nội dung việc cán bộ, công chức được quyết định tiếp tục giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật sau khi cán bộ, công chức hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm trước đó
Trong trường hợp thời gian giữ chức vụ của cán bộ, công chức đã hết mà không có quyết định bổ nhiệm lại thì cán bộ, công chức đó phải tiến hành bàn giao công việc mình đang đảm nhiệm cho người kế nhiệm được bổ nhiệm vào vị trí đó.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 51, Luật cán bộ, công chức 2008 SĐ 2019: “Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại”.
Như vậy, việc nhận quyết định bổ nhiệm lại là một điều kiện bắt buộc để công chức, cán bộ đó tiếp tục giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Căn cứ bổ nhiệm lại được dựa trên các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, khả năng công tác và sự tín nhiệm mà cán bộ, công chức đó nhận được.
2. Mẫu quyết định bổ nhiệm lại chức vụ mới nhất:
UBND TỈNH ……………. CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: ………../QĐ-SGD&ĐT ————–
……., ngày…tháng…năm..
QUYẾT ĐỊNH
Về việc bổ nhiệm lại ……(1)……. …….(2)…….
GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ……(2)…
Căn cứ……(2)……
Xét đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bổ nhiệm lại ông (bà) ..(4)…giữ chức vụ ……(1)…….(2)….., thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo;
Thời hạn bổ nhiệm 05 năm, kể từ ngày … tháng ……năm ….
Phụ cấp chức vụ thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Chánh Thanh tra Sở; Thủ trưởng …(2)…. Thủ trưởng các đơn vị liên quan và ……..(4)…….chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: GIÁM ĐỐC (7)
– Như Điều 2; (Chữ ký, dấu)
– Sở Nội vụ (để b/c); Họ và tên
– ………….(5)…………….;
– Lưu: VT, TCCB, (6).
3. Hướng dẫn soạn thảo quyết định bổ nhiệm lại chức vụ chi tiết nhất:
(1) Ghi rõ chức vụ được bổ nhiệm.
(2) Tên Phòng, đơn vị.
(3) Các căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định.
(4) Họ và tên, chức vụ người được bổ nhiệm. Họ tên viết bằng chữ in hoa có dấu
(5) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân để báo cáo, phối hợp, biết, thực hiện,…
(6) Ký hiệu người đánh máy, nhân bản và số lượng bản phát hành (nếu cần)
(7) Nếu người ký văn bản là Phó Giám đốc thì ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước, bên dưới ghi “PHÓ GIÁM ĐỐC”.
Cuối đơn Giám đốc ký tên và đóng dấu
4. Quy định về bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
4.1. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại:
Điều 50 Nghị định 138/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định như sau:
“1. Hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
2. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm bổ nhiệm lại.
3. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.
4. Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
5. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật”.
4.2. Thủ tục bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
Theo quy định tại Điều 49, 51. 52, thủ tục bổ nhiệm lại đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được tiến hành như sau:
Bước 1: Ra thông báo thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với công chức
– Chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải ra thông báo thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với công chứ
– Công chức làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ gửi cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Bước 2: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến về việc bổ nhiệm lại
– Công chức được xem xét để bổ nhiệm lại báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ; hội nghị tham gia góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với công chức được xem xét bổ nhiệm lại.
– Biên bản hội nghị,
Bước 3: Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức thảo luận và biểu quyết nhân sự
– Trên cơ sở việc phân tích kết quả lấy phiếu ở hội nghị cán bộ chủ chốt. Công chức được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập tham gia hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu;
– Tiến hành xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
– Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy cơ quan (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại;
– Tập thể lãnh đạo thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín. Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lại phải đạt tỷ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
– Ra quyết định bổ nhiệm lại theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu: Cấp nào có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm thì cấp đó thực hiện việc bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Để nâng cao chất lượng và lựa chọn những người xứng đáng làm lãnh đạo, quản lý, công tác bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải luôn được chú trọng và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy trình để từ đó góp phần tạo cơ hội để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu của bản thân và tổ chức.
4.3. Thời điểm, thời hạn và nguyên tắc thực hiện bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì thời điểm, thời hạn và nguyên tắc thực hiện bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được quy định như sau:
” 1. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều này thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải có văn bản thông báo để cơ quan, tổ chức và công chức biết.
2. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
3. Quyết định bổ nhiệm lại hoặc quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm ít nhất 01 ngày làm việc.
4. Trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của cấp có thẩm quyền thì không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ lãnh đạo, quản lý hiện giữ. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ lãnh đạo, quản lý đó do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.
5. Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
b) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên;
c) Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản”.
Như vậy, quyết định bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm ít nhất 01 ngày làm việc. Trường hợp chưa hết thời hạn bổ nhiệm mà chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của cấp có thẩm quyền thì không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ lãnh đạo, quản lý hiện giữ.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về mẫu quyết định bổ nhiệm lại chức vụ và hướng dẫn soạn quyết định chi tiết nhất. Để được tư vấn rõ hơn về biểu mẫu này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!