Nghị quyết( quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là văn bản do những Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền thực hiện được quy định rõ tại Luật Đầu tư công. Vậy Nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là gì?
- 2 2. Mẫu nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
- 3 3. Hướng dẫn viết nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
- 4 4. Một số quy định về nghị quyết ( quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
1. Nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là gì?
Nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là văn bản do Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thể có thẩm quyền ban hành để ghi nhận việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công và việc tổ chức thực hiện chủ trương dự án đầu tư cùng những điều khoản thi hành.
Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.
Thẩm quyền quyết định chủ trương dự án được quy định cụ thể tại Điều 17, Luật Đầu tư công 2019 bao những Cơ quan Nhà nước, chủ thể sau đây:
+ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án
+ Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương trừ những chương trình dự án do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án :
+ Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý
+ Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý.
Nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là văn bản ghi nhận những thông tin về Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định, phê duyệt (Quyết định) chủ trương đầu tư chương trình, tổ chức thực hiện, điều khoản thi hành,..
2. Mẫu nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
CƠ QUAN RA NGHỊ QUYẾT (QUYẾT ĐỊNH) CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
CHƯƠNG TRÌNH
——-
Số: …
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Địa danh, ngày ….. tháng ….. năm
NGHỊ QUYẾT (QUYẾT ĐỊNH)
Về chủ trương đầu tư chương trình …
– Căn cứ Luật Đầu tư công;
– Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công;
– Căn cứ các văn bản liên quan khác (nếu có);
– Xét đề nghị của Cơ quan (Tên Chủ chương trình)/Hội đồng thẩm định chương trình,
Cơ quan/Cấp (Tên cơ quan/cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình) quyết nghị/quyết định.
Điều 1. Phê duyệt (Quyết định) chủ trương đầu tư chương trình (Tên chương trình), do Cơ quan (Tên Chủ chương trình)
1. Mục tiêu:
2. Nội dung đầu tư:
3. Tổng vốn thực hiện chương trình:
(trong đó có thể làm rõ nguồn vốn đầu tư, mức vốn theo từng nguồn hoặc phê duyệt tổng thể)
4. Chủ chương trình:
5. Địa điểm thực hiện:
6. Thời gian thực hiện chương trình:
7. Cơ chế và giải pháp thực hiện.
8. Các nội dung khác (nếu có).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cơ quan (Tên Chủ chương trình) chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi của chương trình (Tên chương trình) trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công;
b) Các nội dung khác (nếu có).
2. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan khác (nếu có)
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Cơ quan (Tên Chủ chương trình) và các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết/Quyết định này.
2. Cơ quan …….. chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết (Quyết định) này báo cáo Cơ quan (Tên Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình) theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
– Các cơ quan có tên tại Điều 3;
– Cơ quan quyết định chủ trương đầu tư chương trình;
– Cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư/Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư chương trình;
– Cơ quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình;
– Các cơ quan liên quan khác;
– Lưu: …
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)
Tên người đại diện
3. Hướng dẫn viết nghị quyết (Quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
Nghị quyết ( quyết định) về chủ trương đầu tư phải ghi nhận những văn bản pháp luật được sử dụng để căn cứ ra quyết định.
Phần nội dung của nghị quyết ( quyết định) ghi nhận những thông tin sau:
+ phần phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, nhóm dự án, tổng mức đầu tư dự án, địa điểm thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án.
+phần tổ chức thực hiện ghi nhận những cơ quan được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm thực hiện dự án, nhiệm vụ của cơ quan khác.
+ Phần điều khoản thi hành: sẽ ghi nhận những cơ quan, chủ thể có trách nhiệm thi hành nghị quyết( quyết định).
Cuối nghị định ( quyết định) sẽ ghi những nơi sẽ nhận nghị quyết, quyết định này. Người đại diện cơ quan ký, ghi rõ, họ tên và đóng dấu.
4. Một số quy định về nghị quyết ( quyết định) về chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
4.1. Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án:
Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án được quy định cụ thể tại Điều 18, Luật Đầu tư công 2019:
“1. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
2. Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.
3. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn.
4. Phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương.
5. Bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
6. Các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
a) Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
b) Nhiệm vụ quy hoạch;
c) Dự án đầu tư công khẩn cấp;
d) Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;
đ) Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.”
Qua điều luật ta có thể thấy để chủ trương đầu tư chương trình, dự án được thực hiện thì phải đáp ứng được các điều kiện về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, không bị trùng lặp, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn, đảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững,…Khi đã đủ những điều kiện đó thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định chủ trương theo quy định của pháp luật. Và mỗi một chương trình, dự án sẽ thì sẽ được thực hiện theo một trình tự, thủ tục khác nhau theo Luật Đầu tư công 2019. Bài viết dưới đay sẽ cung cấp cho bạn thông tin về trình tự, thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
4.2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia:
Hồ sơ để quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia bao gồm những giấy tờ sau đây:
+
+ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia.
+ Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.
+ Tài liệu khác có liên quan.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia: Căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư công 2019 thì sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm:
+ Giao đơn vị trực thuộc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia;
+Thành lập Hội đồng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
+ Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ.
Bước 2: Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia.
Bước 3: Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Bước 4: Cơ quan của Quốc hội thẩm tra hồ sơ về chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Chính phủ trình.
Bước 5: Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Nội dung chủ yếu của nghị quyết bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.
Trên đây là toàn bộ trình tự, thủ tục để thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chương trình, dự án và Chính phủ phải có trách nhiệm thực hiện một cách đầy đủ, chính xác nhất để tránh khỏi những sai sót.