Hệ thống pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dẫn đến vi phạm pháp luật, phạm tội. Khi đó vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng phải được phát huy hơn nữa trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là Viện Kiểm sát.
Mục lục bài viết
1. Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là gì?
Phòng ngừa tội phạm là nội dung nghiên cứu quan trọng của tội phạm học hiện đại. Phòng ngừa tội phạm, xét về mặt ngôn ngữ được hiểu là hoạt động nhằm không cho tội phạm xảy ra. Như vậy, phòng ngừa tội phạm không phải là hoạt động hướng tới tội phạm đã xảy ra – tội phạm hiện thực mà là nhằm không cho tội phạm xảy ra.
Phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra. Với cách hiểu này, phòng ngừa tội phạm khác với chống tội phạm và cũng khác với kiểm soát tội phạm.
Phòng ngừa tội phạm không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan, tổ chức và cũng không phải của một ngành khoa học nào trong lĩnh vực tư pháp hình sự, mà nó chính là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, mà trong đó ngành khoa học về tội phạm học phải có nhiệm vụ thực hiện chức năng phòng ngừa tội phạm.
Vi phạm pháp luật là hành vi do chủ thể có năng lực trách nhiệm thực hiện trái với các quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Phòng ngừa tội phạm là một phần của hoạt động phòng ngừa vi phạm pháp luật, tức là hoạt động hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các hành vi trái với vi quy định của pháp luật của các chủ thể.
Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là văn bản do Viện Kiểm sát gửi tới cơ quan, tổ chức khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự với nội dung chủ yếu là nêu racụ thể các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự, được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 166, Bộ luật tố tụng hình sự. Hoạt động kiến nghị phải được thể hiện bằng văn bản nhằm đảm bảo tính pháp lý vững chắc, cũng như tính thuyết phục cao đối với cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận kiến nghị, đồng thời, đây cũng là văn bản có nội dung đánh giá về tình hình tội phạm, tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm, vì vậy, đó sẽ là căn cứ để nắm bắt được tình hình thực tế để cơ quan, tổ chức nhanh chóng tiếp cận vấn đề và có phương án xử lý. Việc gửi kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật làm phát sinh nghĩa vụ trả lời về kết quả thực hiện Kiến nghị của cơ quan, tổ chức trong thời hạn do viện kiểm sát ấn định, tức là cơ quan, tổ chức phải tiến hành áp dụng các kiến nghị đó.
Thông thường, kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật được áp dụng tùy thuộc vào từng lĩnh vực, điều này xuất phát từ những đặc thù trong quản lý, tính chất phức tạp, mức độ khả năng cao có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm, ví dụ: lĩnh vực an toàn giao thông; phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên mạng internet; bảo vệ môi trường;…Do đó, các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật cũng sẽ có sự khác nhau. Ở phần dưới đây, tác giả sẽ cung cấp một số biện pháp phòng ngừa tội phạm trong một lĩnh vực cụ thể: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet. Các biện pháp này được ghi nhận tại Chỉ thị số 22/CT-BTTTT năm 2021, cụ thể:
– Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về đặc điểm, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm để mọi người dân nhận biết, phòng tránh; nâng cao khả năng phân biệt thông tin chính thức và thông tin không chính thức; hiểu biết pháp luật khi đăng phát, chia sẻ, lưu trữ, sử dụng thông tin trên mạng Internet; chủ động phòng tránh, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
– Nhanh chóng phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên mạng. Đặc biệt, áp dụng công nghệ mới để phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, đảm bảo hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật.
– Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và pháp luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức phạt, hình phạt đối với các hành vi vi phạm, tội phạm trên mạng Internet. Đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, nền tảng chống tấn công mạng; các phần mềm bảo vệ an toàn máy tính cá nhân khi truy cập Internet.
– Áp dụng công nghệ mới, tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng Internet; giám sát, cảnh báo, điều phối, ứng cứu, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng quốc gia. Triển khai hệ thống cảnh báo, đánh giá tín nhiệm mạng, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng, hỗ trợ người dân báo cáo, phản ánh các trang web, mạng xã hội vi phạm pháp luật, lừa đảo trên mạng.
– Xây dựng, vận hành, sử dụng các công cụ, hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin quốc gia phục vụ tốt công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các sản phẩm, thiết bị, hệ thống thông tin.
– Triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo vệ an toàn các hệ thống thông tin nhằm cung cấp các dịch vụ đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ trong nội bộ doanh nghiệp; xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện, cảnh báo, truy vết và ngăn chặn ngay khi có hành vi vi phạm xảy ra.
– Chủ động thực hiện, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh, cung cấp thông tin người sử dụng theo quy định của pháp luật; phối hợp ngăn chặn kịp thời thông tin xấu độc, tấn công mạng và các hành vi vi phạm trên mạng Internet.
Thực tế, các biện pháp này sẽ được triển khai linh hoạt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan thuộc Bộ, sao cho công tác phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
2. Mẫu kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật – Mẫu số 130/HS:
VIỆN KIỂM SÁT 1……..2…….
Số…../KN-VKS…- 3
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày…… tháng…… năm 20……
KIẾN NGHỊ
ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT
Kính gửi: ………4…….
Căn cứ Điều 41 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Qua kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát… nhận thấy:
Trong thời gian vừa qua:
1. Nêu tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật:……..
2. Đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật: ……
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực 5……, Viện trưởng Viện kiểm sát…… kiến nghị4…… thực hiện các nội dung sau đây:
1. Áp dụng các biện pháp sau đây để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật:
……. (nêu cụ thể các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật).
2. Trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát về kết quả thực hiện Kiến nghị này trong thời hạn …. ngày, kể từ ngày nhận được Kiến nghị./.
Nơi nhận:
– Như kính gửi;
-………..;
– Lưu: HSVA, HSKS, VP.
VIỆN TRƯỞNG 6
3. Hướng dẫn mẫu kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật – Mẫu số 130/HS:
(1) Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(2) Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
(3) Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
(4) Ghi người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật
(5) Nêu rõ lĩnh vực cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật
(6) Trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền ký thay thì ghi như sau:
“KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG”
Cơ sở pháp lý:
Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.