Phạm vi giám sát của Viện Kiểm sát rất rộng, bao gồm các giám sát thực thi pháp luật trong hoạt động tạm giam, tạm giữ. Do đó, khi phát hiện ra hành vi, quyết định trái pháp luật thì Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị về quyết định, hành vi vi phạm pháp luật đó.
Mục lục bài viết
- 1 1. Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam là gì?
- 2 2. Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH và soạn thảo kháng nghị:
- 3 3. Hoạt động kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam:
1. Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam là gì?
Tại điểm đ, khoản 2 Điều 42 Luật Tạm giam, tạm giữ quy định như sau:
“Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
2. Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;”
Như vậy, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị đối với những quyết định, hành vi trái pháp luật trong khi thực hiện kiểm sát quản lý, thi hành tạm giạm, tạm giữ. Đây là quyền lực mà chỉ có Viện Kiểm sát có, mà không chủ thể nào khác có được.
Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH là văn bản kháng nghị của Viện Kiểm sát gửi đến cơ quan có quyết định, hành vi bị kháng nghị trong hoạt động tạm giam, tạm giữ thể hiện kháng nghị của Viện Kiểm sát.
Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH được dùng để thể hiện kháng nghị của Viện Kiểm sát, đồng thời thể hiện yêu cầu của Viện Kiểm sát đối với cơ quan bị kháng nghị về việc giải quyết nội dung bị kháng nghị.
2. Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH và soạn thảo kháng nghị:
Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH được quy định Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26 tháng 01 năm 2018 của Viên trưởng Viện Kiểm sát Ban hành biểu mẫu nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Mẫu kháng nghị như sau:
Mẫu số 59/TH: Theo QĐ số 39/QĐ-VKSTC ngày 26 tháng 01 năm 2018
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
VIỆN KIỂM SÁT……..[1]
VIỆN KIỂM SÁT …….[2]
Số: ……../KN-VKS…-…[3]
…….., ngày ….. tháng…..năm 20……
KHÁNG NGHỊ
Quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật
trong việc tạm giữ, tạm giam [4]
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT…..2……
Căn cứ các điều 5, 22 và 24 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
Căn cứ khoản 2 Điều 42 và Điều 43 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam;
Xét Quyết định số………. ngày………. tháng………. năm…….của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền hoặc hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền ……[5]
Để việc tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của pháp luật,
KHÁNG NGHỊ
Yêu cầu (Thủ trưởng cơ quan, đơn vị bị kháng nghị) [6]….tổ chức thực hiện các nội dung sau:
1. Đình chỉ việc thi hành hoặc sửa đổi hoặc bãi bỏ [7] Quyết định số…… ngày ….. tháng……..năm………vi phạm pháp luật.
2. Chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
3. Yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật (nếu có).
4. Trả lời cho Viện kiểm sát……[2]…..bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Kháng nghị này./.
Nơi nhận:
– Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền
bị kháng nghị (để thực hiện);
– VKS …..[1]…… (để báo cáo);
– Cơ quan quản lý đơn vị bị kháng nghị
(để chỉ đạo);
– Lưu: VT, hồ sơ kiểm sát.
VIỆN TRƯỞNG[8]
(Ký tên, đóng dấu)
*Soạn thảo Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH
Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam mẫu 59/TH được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn soạn thảo như sau:
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Tên của Mẫu được chỉnh sửa theo từng trường hợp cụ thể: quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam
[5] Phân tích, xác định những vi phạm pháp luật của quyết định, hành vi, viện dẫn điều luật bị vi phạm
[6] Trưởng nhà tạm giữ hoặc Giám thị trại tạm giam hoặc Trưởng buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng….
[7] Ghi rõ từng trường hợp cụ thể: về việc đình chỉ việc thi hành hoặc sửa đổi hoặc bãi bỏ
[8] Thẩm quyền ký thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự
3. Hoạt động kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam:
Một vấn đề đặt ra, là Viện Kiểm sát tiến hành kháng nghị trong việc tạm giam, tạm giữ khi nào?
Trong Điều 5 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định rất chi tiết về quyền hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát như sau: ” Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.” Theo quy định này, thì có thể hiểu, nếu nhận thấy hành vi, quyết định của chủ thể có thẩm quyền, của cơ quan thi hành hoạt động tạm giam, tạm giữ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm mà hành vi, quyết định đó xâm phạm đến quyền của cá nhân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện Kiểm sát sẽ tiến hành kháng nghị.
Quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát đồng nhất với phạm vi kiểm sát của Viện Kiểm sát trong việc tạm giam, tạm giữ, đó chính là có việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam vào cơ sở giam giữ và kết thúc khi chấm dứt việc tạm giữ, tạm giam.
Cụ thể, khi thực hiện các hoạt động kiểm sát như kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam; kiểm sát căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam; kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ; kiểm sát việc bảo đảm quyền và các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà phát hiện ra những sai phạm, có thể là vi phạm về căn cứ tiến hành, vi phạm về thẩm quyền tiến hành, vi phạm về các thủ tục tiến hành, vi phạm về thời hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, thì Viện kiểm sát phải tiến hành xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong hoạt động tạm giữ, tạm giam; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý, nếu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật thì phải tiến hành kháng nghị; đồng thời Viện Kiểm sát này cũng phải báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, phối hợp giải quyết.
Ví dụ như trong việc kiểm sát thực hiện chế độ quản lý giam giữ, mà Viện Kiểm sát phát hiện ra những vi phạm, những tồn tại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị nếu vi phạm đó nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, Đồng thời khi thực hiện hoạt động kiến nghị thì Viện Kiểm sát cũng phải yêu cầu cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam khắc phục ngay và có biện pháp chấn chỉnh, tổ chức phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Tại Luật Tạm giam, tạm giữ và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đều quy định về trách nhiệm giải quyết kháng nghị của Viện Kiểm sát, theo đó thì kháng nghị của Viện Kiểm sát phải được cơ quan tạm giam, tạm giữ giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cơ quan này nhận được kháng nghị. Nếu các cơ quan tạm giam, tạm giữ mà không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Khi đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Viện Kiểm sát này nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật;
* Cơ sở pháp lý
–
– Luật Tạm giam, tạm giữ năm 2015
– Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
– Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26 tháng 01 năm 2018 của Viên trưởng Viện Kiểm sát Ban hành biểu mẫu nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.