Ô nhiễm môi trường đang là một trong các vấn đề nhức nhối trong xã hội. Để xác định được ô nhiễm môi trường cũng như xác định các hành vi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường,... thì cần phải tiến hành hoạt động kiểm định môi trường. Kiểm định môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng, kết quả của kiểm định môi trường để đưa ra các kết luận kiểm định môi trường.
Mục lục bài viết
1. Kết quả kiểm định môi trường mẫu 07- MTr là gì?
Về khái niệm Kiểm định môi trường, thì tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 41/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 5 năm 2020 của Bộ Công an quy định kiểm định nước thải quy định như sau: “6. Kiểm định môi trường trong Cảnh sát nhân dân là hoạt động kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo một quy trình nhất định nhằm tìm ra mức độ vượt ngưỡng quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường của các thông số môi trường.”
Qua đó, có thể hiểu Kiểm định môi trường là hoạt động sử dụng các phương tiện, công cụ cũng như phương pháp khoa học, kỹ thuật, hóa học,… để xác định thành phần trong mẫu kiểm định, cũng như mức độ, thông số thể hiện của các thành phần trong mẫu kiểm định,…Hoạt động kiểm định môi trường thông thường do các cá nhân, tổ chức có trình độ, chuyên môn cũng như kinh nghiệm về các chuyên ngành khác nhau (như có thể là hóa học, sinh học, môi trường, vật lý,…) và đã được cấp Giấy chứng nhận tập huấn hoặc chứng chỉ tương đương về kiểm định môi trường.
Để thể hiện được các thông số tìm được qua quá trình kiểm nghiệm, thì phải có văn bản thể hiện nội dung đó. Văn bản đó được gọi là Kết quả kiểm định môi trường. Đây chính là văn bản do cá nhân thực hiện hoạt động kiểm định môi trường lập sau khi đã thực hiện xong hoạt động kiểm định môi trường theo thủ tục luật định, thể hiện các kết quả, thông số tìm được thông qua việc áp dụng các phương pháp, thiết bị, phương tiện thử nghiệm nhất định.
Kết quả kiểm định môi trường hiện nay được chia thành hai dạng đó chính là Kết quả kiểm định môi trường mẫu 07- MTr và Kết quả kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC:2005 (có VILAS) mẫu 08- MTr. Hai mẫu này có điểm khác biệt về chủ thể thực hiện kiểm định, đối với Kết quả kiểm định môi trường mẫu 07- MTr thì chủ thể thực hiện kiểm định đó chính là Công an thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân; còn Kết quả kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC:2005 (có VILAS) mẫu 08- MTr thì hoạt động kiểm định do phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC:2005 (có VILAS) thực hiện.
Mẫu Kết quả kiểm định môi trường số 07- MTr được dùng với mục đích chính đó là thể hiện được các thông số, kết quả mà sau khi tiến hành sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, áp dụng các phương pháp khoa học để xác định được thành phần cũng như nồng độ, tỷ lệ của các chất trong mẫu kiểm định. Và văn bản này cũng được dùng để các cán bộ Công an hoặc chủ thể yêu cầu kiểm định hoàn thiện hồ sơ trong hoạt động phòng chống, ngăn ngừa, phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra văn bản này có thể là cơ sở để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính hoặc xác định trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường.
2. Mẫu Kết quả kiểm định môi trường số 07- MTr:
Kết quả kiểm định mẫu số 07- MTr được quy định trong Phụ lục của Thông tư số 61/2012/TT-BCA ngày 16 ngày 10 năm 2012 của Bộ Công an quy định các loại biểu mẫu sử dụng trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Mẫu văn bản này như sau:
Mẫu 07-MTr
BH theo TT số …./2012/TT-BCA-C41 Ngày …/…/2012
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(1) …………
…………
——
Số: …../KQ- ……
…….., ngày …. tháng … năm 20….
KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH MÔI TRƯỜNG
Yêu cầu kiểm định số: …………. của ………. (4)
Tên, ký hiệu mẫu: ………… (5)
Cơ sở/ Địa điểm: …………(6)
Điều kiện, hóa chất bảo quản: ……….. (7)
Thời gian lấy mẫu: ……… Phương pháp lấy mẫu: …………
Thời gian nhận mẫu: ………Thời gian kiểm định: …………
Kết quả kiểm định:
TT | Thông số | Đơn vị | Kết quả | Phương pháp thử/ Thiết bị thử nghiệm | Giá trị giới hạn |
Ghi chú:1- Kết quả chỉ có giá trị trên mẫu thử.
2-(2) …………
CÁN BỘ KIỂM ĐỊNH
(Ký ghi rõ họ tên)
(3) …………
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
3. Soạn thảo mẫu Kết quả kiểm định môi trường số 07-MTr:
(1) Tên cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan trả lời kết quả.
(2) Ghi những nội dung cần chú ý liên quan đến mẫu và kết quả (nếu có).
(3) Chức danh người có thẩm quyền.
(4) Ghi số yêu cầu kiểm định và cơ quan yêu cầu kiểm định
(5) Ghi tên mẫu được yêu cầu kiểm định
(6) Ghi địa điểm lấy mẫu kiểm định
(7) Ghi điều kiện, hóa chất được dùng để bảo quản mẫu yêu cầu kiểm định
4. Hoạt động kiểm định môi trường:
Hoạt động kiểm định môi trường được thực hiện theo trình tự, thủ tục nhất định. Đầu tiên đó là việc thu thập thông tin cần thiết từ đơn vị yêu cầu để lập kế hoạch thu, bảo quản mẫu; chuẩn bị các trang thiết bị như dụng cụ chứa mẫu (có dự phòng), dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ và hóa chất bảo quản mẫu, dụng cụ xử lý sơ bộ, vật tư niêm phong, vật tư làm nhãn, phôi biên bản thu và niêm phong mẫu vật, đúng chủng loại, … sao cho đúng chủng loại, đúng và đủ về số lượng và chất lượng phù hợp với mẫu kiểm định.
Sau đó là tiến hành chọn thông số môi trường để kiểm định đối với môi trường, thông thường đó là những thông số môi trường đặc trưng, có khả năng vượt ngưỡng cho phép. Tiếp tục theo bước này đó chính là xác định điểm thu mẫu kiểm định môi trường. Sau khi xác định được địa điểm lấy mẫu kiểm định thì tiến hành lấy mẫu, để lấy mẫu thì cần tiến hành các hoạt động như dọn dẹp khu vực lấy mẫu, kiểm tra độ sạch của dụng cụ chữa mẫu, chuẩn bị các dụng cụ và hóa chất để xử lý sơ bộ; chuẩn bị và kiểm tra vật tư niêm phong đồng thời cần phải chuẩn bị các trang thiết bị bảo hộ,… và lắp dụng cụ lấy mẫu, mặc đồ bảo hộ.
Hoạt động chuẩn bị lấy mẫu kiểm định cũng như hoạt động lấy mẫu kiểm định phải có sự chứng kiểm tại chủ nơi lấy mẫu kiểm định hoặc có người chứng kiến. Sau khi lấy được mẫu phải tiến hành niêm phong mẫu và lập biên bản niêm phong. Khi đã tiến hành niêm phong xong, thì mẫu thu phải được chuyển ngay về phòng thử nghiệm, trừ trường hợp không thể chuyển đến. Các mẫu kiểm định phải được bảo quản trong môi trường phù hợp, không làm thay đổi bản chất của mẫu, các chủ thể lấy mẫu phải duy trì được điều kiện môi trường bảo quản mẫu theo tiêu chuẩn quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Sau khi tiếp nhận mẫu kiểm định thì đơn vị kiểm định tiến hành đánh giá chất lượng mẫu cần kiểm định và đồng thời xem xét yêu cầu kiểm định , việc đánh giá xem xét này nhằm để đơn vị kiểm định xác định sự phù hợp của mẫu kiểm định và yêu cầu kiểm định với năng lực kiểm định. Trường hợp mẫu hoặc yêu cầu kiểm định không phù hợp với năng lực kiểm định thì đơn vị kiểm định từ chối kiểm định hoặc sử dụng nhà thầu phụ thực hiện. Nếu yêu cầu và mẫu phù hợp với đơn vị kiểm định thì tiến hành mã hóa mẫu (trong trường hợp cần thiết ) và tiến hành phân công thực hiện nhiệm vụ phân tích theo các thông số cần kiểm định.
Căn cứ vào các thông số cần phân tích của mẫu kiểm định và phương pháp phân tích sẽ thực hiện thì cán bộ được phân công sẽ chuẩn bị đúng chủng loại, đúng và đủ về số lượng và chất lượng các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, thuốc thử,… cho việc phân tích, kiểm định. Đồng thời, các cán bộ này tiến hành xử lý mẫu trước phân tích theo quy trình quy định. Sau đó, tiến hành triển khai phân tích theo quy trình kỹ thuật phân tích đã được xây dựng theo từng phương pháp cụ thể, tiến hành phân tích đồng thời mẫu cần kiểm định với các mẫu kiểm soát chất lượng.
Các cán bộ tiến hành tính toán, xử lý các số liệu phân tích theo từng phép đo tương ứng đồng thời kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của các kết quả phân tích mẫu kiểm định, việc kiểm tra này được tiến hành dựa trên hồ sơ kiểm định. Sau đó tiến hành viết kết luận kiểm định môi trường. Trường hợp chưa đủ điều kiện kết luận theo quy định thì cán bộ kiểm định lập Kết quả kiểm định môi trường theo Mẫu 07-MTr hoặc Mẫu 08-MTr ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41 nêu trên. Phần mẫu còn lại sau phân tích được lưu theo quy định về kiểm soát chất lượng trong phân tích và quy định về quản lý mẫu vật môi trường (thời gian lưu trữ lại được quy định khác nhau đối với từng loại mẫu, thời gian lưu trữ bắt đầu tính từ sau khi kết thúc kiểm định trừ khi có yêu cầu khác).