Mẫu hợp đồng ủy quyền cho vay lại vốn vay ODA hiện nay đang được sử dụng theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Mục lục bài viết
1. Mẫu hợp đồng ủy quyền cho vay lại vốn vay ODA mới nhất:
Mẫu hợp đồng ủy quyền cho vay lại vốn vay ODA theo phương thức cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng hiện nay đang được sử dụng theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Cụ thể như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày … tháng … năm …
HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN CHO VAY LẠI VỐN VAY
Số: …/UQCVL
– Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 08 tháng 12 năm 2015;
– Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
– Căn cứ Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;
– Căn cứ Quyết định phê duyệt Dự án.
Bộ Tài chính – được đại diện bởi Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại:
Trụ sở: …
Điện thoại: …
Số fax: …
Và tên tổ chức tín dụng làm cơ quan cho vay lại: …
Trụ sở: …
Điện thoại: …
Số fax: ….
Thỏa thuận như sau: …
Điều 1. Bên ủy quyền ủy quyền cho Bên được ủy quyền thực hiện cho vay lại cho … và/hoặc bất kỳ bên nào kế thừa hợp pháp các quyền hạn, trách nhiệm của dưới bất kỳ hình thức nào từ nguồn vốn vay … theo Hiệp định/Thỏa thuận vay … với các điều kiện như sau:
1. Đồng tiền cho vay lại là đồng …
2. Trị giá cho vay lại là tổng số vốn thực rút không vượt quá …
3. Thời hạn vay là… bao gồm thời gian ân hạn là … kể từ ngày …
4. Lãi suất cho vay lại là … %/năm trên dư nợ bao gồm: …
a) Lãi suất Chính phủ vay nước ngoài là … %/năm trên dư nợ.
b) Phí quản lý cho vay lại là … %/năm trên dư nợ.
c) Dự phòng rủi ro cho vay lại là …. %/năm trên dư nợ.
d) Các khoản phí trả bên nước ngoài theo Thỏa thuận vay nước ngoài.
5. Lãi phạt chậm trả là …%/năm tính trên số nợ quá hạn. Lãi phạt chậm trả được tính từ ngày đến hạn mà không trả nợ cho đến một ngày trước ngày trả nợ thực tế.
6. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên số ngày thực tế và số ngày trong năm theo quy định tại Thỏa thuận vay nước ngoài.
7. Bên vay lại chịu trách nhiệm trả toàn bộ các khoản phí và chi phí liên quan cho bên cho vay nước ngoài theo Thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm phí quản lý, phí cam kết, phí rút vốn, phí bảo hiểm, các khoản phí và chi phí khác. Bên vay lại thanh toán các khoản phí này cho Bên được ủy quyền để trả cho Bên ủy quyền.
8. Ngày nhận nợ là ngày Chính phủ nhận nợ với Bên cho vay nước ngoài theo quy định của Thỏa thuận vay nước ngoài.
9. Ngày trả nợ: Bên vay lại phải trả nợ (gốc, lãi, phí) 6 tháng một lần cho Bên được ủy quyền vào ngày … và … hàng năm, theo quy định về Ngày trả nợ tại Thỏa thuận vay nước ngoài. Thanh toán nợ gốc được thực hiện thành các đợt đều nhau, bắt đầu từ ngày …, kết thúc vào ngày …
10. Trường hợp Thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về việc trả nợ trước hạn, Bên vay lại có thể thực hiện trả nợ trước hạn sau khi gửi thông báo bằng văn bản tối thiểu 90 ngày trước khi thực hiện trả nợ cho Bên được ủy quyền và Bên ủy quyền, và được Bên được ủy quyền và Bên ủy quyền đồng ý. Trường hợp Thỏa thuận vay nước ngoài không có quy định về trả nợ trước hạn hoặc Bên vay lại không thỏa mãn các quy định về trả nợ trước hạn trong Thỏa thuận vay nước ngoài, việc trả nợ trước hạn cần được Bên được ủy quyền đồng ý. Bên vay lại chịu trách nhiệm chi trả mọi chi phí phát sinh do việc trả nợ trước hạn.
11. Trong trường hợp Bên vay lại trả nợ bằng các đồng tiền khác đồng tiền cho vay lại, tỷ giá áp dụng là tỷ giá bán chuyển khoản đồng tiền cho vay lại do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ.
12. Bên vay lại phải thanh toán trực tiếp cho các ngân hàng phục vụ trong nước đối với các loại phí do các ngân hàng phục vụ thu.
13. Việc hoàn trả các nghĩa vụ nợ của Bên vay lại quy định trong Hợp đồng này và Hợp đồng cho vay lại phải được Bên vay lại đảm bảo trước khi hoàn trả bất kỳ khoản vay nào khác của Bên vay lại.
14. Bên vay lại có trách nhiệm bảo đảm khoản vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay và tài sản hợp pháp khác được Bên được ủy quyền chấp thuận và thông báo cho Bên ủy quyền. Các quy định về đảm bảo khoản vay được quy định chi tiết trong Hợp đồng cho vay lại và phù hợp với các quy định tương ứng tại Nghị định.
15. Trong trường hợp đến hạn trả nợ, Bên vay lại không trả được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ đến hạn, Bên được ủy quyền có trách nhiệm trả nợ cho Bên ủy quyền thay cho Bên vay lại các khoản nợ vào Ngày trả nợ, theo đúng quy định tại hợp đồng này.
16. Bên vay lại có trách nhiệm cam kết trong Hợp đồng cho vay lại về tập trung doanh thu từ dự án để đảm bảo việc trả nợ theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; cam kết ủy quyền không hủy ngang cho Bên được ủy quyền để tự động trích bất kỳ tài khoản nào của Bên vay lại để thu nợ trong trường hợp Bên vay lại không trả được nợ.
Điều 2. Trách nhiệm của Bên ủy quyền
1. Căn cứ thông báo rút vốn của Bên cho vay nước ngoài, Bên ủy quyền có trách nhiệm thông báo cho Bên được ủy quyền để Bên được ủy quyền làm thủ tục xác nhận nợ vốn vay lại từng lần với Bên vay lại.
2. Bên ủy quyền có trách nhiệm thông báo cho Bên được ủy quyền các loại phí nêu tại khoản 7 Điều 1 Hợp đồng này (nếu có) để Bên được ủy quyền thông báo cho Bên vay lại để trả nợ.
3. Bên ủy quyền có thể phối hợp cùng Bên được ủy quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng, trả nợ vốn vay lại của Bên vay lại theo định kỳ hoặc từng thời điểm nếu cần thiết.
Điều 3. Trách nhiệm của Bên được ủy quyền
1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng này, Bên được ủy quyền có trách nhiệm ký Hợp đồng cho vay lại với Bên vay lại theo các điều kiện nêu ở Điều 1. Trong vòng 15 ngày sau khi ký Hợp đồng cho vay lại với Bên vay lại, Bên được ủy quyền có trách nhiệm gửi cho Bên ủy quyền 01 bản sao Hợp đồng cho vay lại để phối hợp theo dõi.
2. Căn cứ thông báo rút vốn do Bên ủy quyền gửi hoặc ủy quyền cho bên nước ngoài gửi, Bên được ủy quyền có trách nhiệm làm thủ tục để Bên vay lại nhận nợ đầy đủ.
3. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung, trách nhiệm liên quan của Bên được ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Quản lý nợ công, Điều 23 Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và hợp đồng này.
4. Bên được ủy quyền chịu trách nhiệm thu hồi nợ hoàn trả lại Ngân sách các khoản gốc, lãi, các khoản phí vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và các khoản phải thu nêu tại Điều 1 (nếu có). Việc thu hồi vốn cho vay lại được thực hiện theo Nghị định số …/2018/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ.
5. Đối chiếu nợ hàng quý với Bên vay lại gồm số giải ngân, số nhận nợ, số trả nợ, số dư nợ trong kỳ và lũy kế.
6. Sáu tháng một lần vào tháng 6 và 12 hàng năm, Bên được ủy quyền thông báo cho Bên ủy quyền kế hoạch thu hồi nợ và tình hình thực hiện kế hoạch này để Bên ủy quyền tổng hợp vào kế hoạch hàng năm và chuẩn bị trả nợ cho bên cho vay nước ngoài. Bên được ủy quyền thực hiện việc báo cáo tình hình cho vay lại, tình hình nợ của Bên vay lại và các nội dung liên quan theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
7. Bên được ủy quyền có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện dự án, tình hình trả nợ của Bên vay lại để đảm bảo khả năng trả nợ của Bên vay lại.
8. Trường hợp Bên vay lại không trả nợ đúng hạn:
a) Trong vòng 02 ngày làm việc sau ngày đến hạn trả nợ theo Hợp đồng cho vay lại nếu sau khi đã áp dụng các chế tài, biện pháp mà không thu hồi được đầy đủ nợ vay lại đến hạn bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí khác có liên quan từ Bên vay lại, Bên được ủy quyền có trách nhiệm, thay cho Bên vay lại, trả nợ đầy đủ cho Bên ủy quyền về Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định tại hợp đồng cho vay lại và hợp đồng này.
b) Bên được ủy quyền thông báo cho Bên ủy quyền khi phát sinh các trường hợp này để biết.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Hợp đồng này được làm 02 bản, bên ủy quyền lưu 01 bản, Bên được ủy quyền lưu 01 bản và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Bên ủy quyền và Bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đúng các thỏa thuận trên đây. Trong quá trình thực hiện, mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng sẽ phải được lập thành văn bản và có sự đồng ý của hai Bên./.
Đại diện Bên ủy quyền | Đại diện Bên được ủy quyền |
(Ký và ghi rõ họ tên) | (Ký và ghi rõ họ tên) |
2. Quy định về ký hợp đồng cho vay lại, hợp đồng ủy quyền cho vay lại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (sau được sửa đổi tại Nghị định 79/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ), có quy định về vấn đề ký hợp đồng cho vay lại và hợp đồng ủy quyền cho vay lại. Cụ thể như sau:
– Sau khi thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết trên thực tế, căn cứ vào quá trình phê duyệt của chủ thể có thẩm quyền đó là thủ tướng Chính phủ về việc cho vay lại nguồn vốn vay ODA, trong khoảng thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ tài chính sẽ ký hợp đồng như sau:
+ Cho vay lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo mẫu do pháp luật quy định, hoặc;
+ Ủy quyền cho vay với các cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo mẫu do pháp luật quy định, hoặc;
+ Ủy quyền cho vay lại với các cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng theo mẫu do pháp luật quy định.
– Trong khoảng thời hạn 30 ngày làm việc được tính kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền cho vay lại, cơ quan được ủy quyền cho vay lại sẽ ký hợp đồng vay lại với bên vay lại để thực hiện thủ tục quản lý việc quay lại, quản lý quá trình thu hồi nợ.
3. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan được ủy quyền cho vay lại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (sau được sửa đổi tại Nghị định 79/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ), có quy định về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan được ủy quyền cho vay lại. Theo đó, cơ quan được ủy quyền cho vay lại sẽ có một số trách nhiệm và quyền hạn sau:
– Cơ quan được ủy quyền cho vay lại sẽ thực hiện trách nhiệm và quyền hạn căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Luật quản lý nợ công năm 2017;
– Cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng sẽ có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
+ Chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, chịu trách nhiệm trả đầy đủ các khoản nợ, trả nợ đúng hạn cho cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ tài chính trong mọi trường hợp theo hợp đồng ủy quyền cho vay lại;
+ Được hưởng chi phí quản lý cho vay lại theo tỷ lệ phù hợp với quy định của pháp luật, toàn bộ dự phòng rủi ro cho vay lại;
+ Quyết định đối với tài sản bảo đảm khoản vay lại cho bên vay lại thế chấp;
+ Quyết định đối với các đề nghị trả nợ trước hạn của bên vay lại, quyết định về việc cơ cấu lại khoản nợ trong trường hợp bên vay lại gặp khó khăn kinh tế.
– Cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng sẽ có trách nhiệm như sau:
+ Thẩm định cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo kết quả thẩm định cho cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ tài chính, trong kết quả thẩm định đó phải khẳng định về khả năng hoàn vốn của dự án, khả năng trả nợ vốn vay lại của các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Tổ chức quản lý việc cho vay lại, thu hồi các khoản nợ, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, trả nợ đúng hạn cho cơ quan có thẩm quyền theo kết quả thẩm định cho vay và hợp đồng ủy quyền cho vay lại;
+ Thẩm định phương án bảo đảm tiền vay, đăng ký và quản lý tài sản, xử lý tài sản thế chấp, các tài sản khác do bên vay lại dùng để bảo đảm số tiền vay đối với các khoản vay lại theo quy định của pháp luật;
+ Kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của bên vay lại thông qua hoạt động kiểm tra hồ sơ giải ngân nguồn vốn, trừ trường hợp khoản giải ngân đã được kho bạc nhà nước kiểm soát;
+ Giám sát các khoản vay lại, tình hình tài chính của bên vay lại, tình hình khai thác và vận dụng công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay lại, định kỳ và đột suất thực hiện hoạt động kiểm tra khoản vay lại, bên vay lại và báo cáo tình hình kết quả cho Bộ tài chính;
+ Thẩm định đối với đề suất phương án xử lý khoản nợ vay lại của bên tay, báo cáo kết quả thẩm định phương án xử lý nợ, kiến nghị rõ ràng về sự phù hợp hoặc không phù hợp đối với phương án xử lý nợ để gửi đến Bộ tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;
– Nghị định 79/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.