Chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa là vấn đề mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến. Vậy, Mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa có nội dung, hình như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp áp dụng chào hàng cạnh tranh:
Căn cứ theo Điều 24 Luật Đấu Thầu năm 2023 quy định các trường hợp áp dụng chào hàng cạnh tranh như sau:
Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn đơn giản, thông dụng;
2. Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
3. Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;
4. Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng điều kiện là gói thầu xây lắp đối với công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;
2. Mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa:
HỒ SƠ YÊU CẦU
CHÀO HÀNG CẠNH TRANH
Chương I. CHỈ DẪN NHÀ THẦU
Mục 1. Phạm vi gói thầu
1. Bên mời thầu ___[Ghi tên bên mời thầu] mời nhà thầu tham gia chào hàng cạnh tranh gói thầu được mô tả tại Chương IV – Yêu cầu đối với gói thầu.
– Tên gói thầu:___ [ghi tên đầy đủ của gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt].
– Số lượng và số hiệu các phần thuộc gói thầu:___[Ghi số lượng, số hiệu của từng phần (nếu gói thầu chia thành nhiều phần )].
2. Nguồn vốn (hoặc phương thức thu xếp vốn) để thực hiện gói thầu:___[Ghi rõ nguồn vốn hoặc phương phức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước)].
3. Loại hợp đồng: trọn gói.
4. Thời gian thực hiện hợp đồng:___ [Ghi thời gian thực hiện hợp đồng theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt].
Mục 2. Hành vi bị cấm trong đấu thầu
Hành vi bị cấm trong đấu thầu là hành vi quy định tại Điều 89 Luật đấu thầu.
Mục 3. Tư cách hợp lệ của nhà thầu
Nhà thầu là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp;
2. Hạch toán tài chính độc lập;
3. Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
4. Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
5. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định như sau___[Nêu các yêu cầu về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu phù hợp với gói thầu đang tổ chức lựa chọn nhà thầu trên cơ sở Luật đấu thầu và Nghị định 63/CP);
6. Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Mục 4. Làm rõ, sửa đổi HSYC
1. Làm rõ HSYC
Trong trường hợp cần làm rõ HSYC, nhà thầu phải gửi văn bản đề nghị làm rõ đến bên mời thầu muộn nhất vào ngày ___[Ghi ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu 03 ngày làm việc]. Khi nhận được đề nghị làm rõ HSYC của nhà thầu, bên mời thầu sẽ có văn bản trả lời gửi cho nhà thầu có yêu cầu làm rõ và tất cả các nhà thầu khác đã mua hoặc nhận HSYC từ bên mời thầu, trong đó mô tả nội dung yêu cầu làm rõ nhưng không nêu tên nhà thầu đề nghị làm rõ. Trường hợp việc làm rõ dẫn đến phải sửa đổi HSYC thì bên mời thầu tiến hành sửa đổi HSYC theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Mục này.
2. Sửa đổi HSYC
Trường hợp sửa đổi HSYC, bên mời thầu sẽ gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi đến tất cả các nhà thầu đã nhận HSYC không muộn hơn ngày __[ghi ngày, tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu, trường hợp không đủ 03 ngày làm việc thì bên mời thầu phải gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng].
Nhằm giúp nhà thầu có đủ thời gian để sửa đổi HSĐX, bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu quy định tại khoản 1 Mục 11 Chương I – Chỉ dẫn nhà thầu bằng việc sửa đổi HSYC.
Mục 5. Chi phí, đồng tiền, ngôn ngữ trong chào hàng
1. Nhà thầu phải chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình tham dự chào hàng.
2. Đồng tiền tham dự chào hàng và đồng tiền thanh toán là VND.
3. HSĐX cũng như tất cả văn bản và các tài liệu liên quan đến HSĐX được trao đổi giữa bên mời thầu và nhà thầu phải được viết bằng tiếng Việt. Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSĐX có thể được viết bằng ngôn ngữ khác, đồng thời kèm theo bản dịch sang tiếng Việt. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu gửi bổ sung.
Mục 6. Thành phần của HSĐX
HSĐX do nhà thầu chuẩn bị phải bao gồm:
1. Đơn chào hàng theo Mẫu số 01 Chương III – Biểu mẫu;
2. Bản cam kết thực hiện gói thầu theo Mẫu số 08 Chương III – Biểu mẫu;
3. Thỏa thuận liên danh nếu là nhà thầu liên danh theo Mẫu số 03 – Biểu mẫu;
4. Bảo lãnh dự thầu theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b Chương III – Biểu mẫu;
5. Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn chào hàng, của nhà thầu và tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
6. Bảng tổng hợp giá chào theo Mẫu số 05 (bao gồm Mẫu số 05a và Mẫu số 05b) Chương III – Biểu mẫu;
7. Các nội dung khác ___[Ghi tên các tài liệu khác (nếu có). Chẳng hạn, tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa như Giấy chứng nhận xuất xứ (CO), Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) hoặc các tài liệu có liên quan khác].
Mục 7. Giá chào và giảm giá
1. Giá chào ghi trong đơn chào hàng bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu (chưa tính giảm giá) theo yêu cầu của HSYC.
2. Nhà thầu phải nộp HSĐX cho toàn bộ công việc nêu tại Mục 1 Chương này và ghi đơn giá, thành tiền cho tất cả các công việc nêu trong các bảng giá tương ứng quy định tại Chương III – Biểu mẫu.
Trường hợp tại cột “đơn giá ” và cột “thành tiền” của một mục mà nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của mục này vào các mục khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện tất cả các công việc theo yêu cầu nêu trong HSYC với đúng giá đã chào.
3. Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá thì có thể ghi trực tiếp vào đơn chào hàng hoặc đề xuất riêng trong thư giảm giá. Trường hợp giảm giá, nhà thầu phải nêu rõ nội dung và cách thức giảm giá vào các hạng mục cụ thể. Trường hợp không nêu rõ cách thức giảm giá thì được hiểu là giảm đều theo tỷ lệ cho tất cả hạng mục. Trường hợp có thư giảm giá thì thư giảm giá có thể để cùng trong HSĐX hoặc nộp riêng song phải bảo đảm bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu. Thư giảm giá sẽ được bên mời thầu bảo quản như một phần của HSĐX và được mở đồng thời cùng HSĐX của nhà thầu; trường hợp thư giảm giá không được mở cùng HSĐX và không được ghi vào biên bản mở thầu thì không có giá trị.
4. Giá chào của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu theo quy định. Trường hợp nhà thầu tuyên bố giá chào không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì HSĐX của nhà thầu sẽ bị loại.
5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu có thể chào một hoặc nhiều phần của gói thầu. Nhà thầu phải chào đầy đủ các hạng mục trong phần mà mình tham dự. Trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá thì phải nêu rõ cách thức và giá trị giảm giá cho từng phần.
Mục 8. Thời gian có hiệu lực của HSĐX
1. Thời gian có hiệu lực của HSĐX là___ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu__[Ghi cụ thể số ngày nhưng thông thường là 40 ngày]. HSĐX nào có thời hạn hiệu lực ngắn hơn quy định sẽ không được tiếp tục xem xét, đánh giá.
2. Trong trường hợp cần thiết trước khi hết thời hạn hiệu lực của HSĐX, bên mời thầu có thể đề nghị các nhà thầu gia hạn hiệu lực của HSĐX đồng thời yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Việc gia hạn, chấp nhận hoặc không chấp nhận gia hạn phải được thể hiện bằng văn bản. Nếu nhà thầu không chấp nhận việc gia hạn thì HSĐX của nhà thầu này không được xem xét tiếp và trong trường hợp này nhà thầu được nhận lại bảo đảm dự thầu. Nhà thầu chấp nhận đề nghị gia hạn không được phép thay đổi bất kỳ nội dung nào của HSĐX.
Mục 9. Bảo đảm dự thầu
Nội dung và hiệu lực của bảo đảm dự thầu
a) Giá trị và đồng tiền bảo đảm dự thầu: ____[Căn cứ yêu cầu của gói thầu mà quy định giá trị bảo đảm dự thầu từ 1% đến 1,5% giá gói thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập, cần quy định rõ giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần].
b) Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu: ___ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu [Ghi rõ số ngày, được xác định bằng thời gian có hiệu lực của HSĐX cộng thêm 30 ngày].
Bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có giá trị thấp hơn, thời gian hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu quy định tại Khoản 2 Mục này, không đúng tên bên mời thầu (đơn vị thụ hưởng), không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho bên mời thầu.
Việc tịch thu, hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu thực hiện theo quy định nêu tại khoản 8 Điều 11 Luật đấu thầu và khoản 1 Điều 19 Nghị định 63/CP.
3. Quy trình chào hàng cạnh tranh:
Căn cứ theo Điều 79 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định Quy trình chào hàng cạnh tranh như sau:
3.1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:
– Hồ sơ mời thầu được lập căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Nội dung hồ sơ mời thầu bao gồm:
+ Thông tin tóm tắt về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu;
+ Chỉ dẫn nhà thầu; bảng dữ liệu đấu thầu;
+ Têu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;
+ Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật sử dụng tiêu chí đạt, không đạt;
+ Têu chuẩn đánh giá về tài chính theo phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu, hồ sơ mời thầu có thể bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc không bao gồm tiêu chuẩn này nhưng nhà thầu tham dự thầu phải cam kết có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hồ sơ mời thầu không yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu là cá nhân, nhóm cá nhân chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị định này không phải đáp ứng một số tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này. Trường hợp nhà thầu là hộ kinh doanh, nhà thầu không phải nộp báo cáo tài chính, không phải đáp ứng yêu cầu về giá trị tài sản ròng;
– Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu:
Hồ sơ mời thầu được thẩm định theo quy định tại Điều 129 của Nghị định này trước khi phê duyệt. Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu.
3.2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu:
– Bên mời thầu đăng tải
– Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
– Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định này;
– Bên mời thầu tiến hành mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
Biên bản mở thầu bao gồm các nội dung:
+ Tên nhà thầu;
+ Giá dự thầu;
+ Giá trị giảm giá (nếu có);
+ Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;
+ Giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu;
+ Thời gian thực hiện gói thầu.
Biên bản mở thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm mở thầu.
3.3. Đánh giá hồ sơ dự thầu:
– Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này;
– Việc làm rõ hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này;
– Việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định này;
– Việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này;
– Việc xếp hạng nhà thầu thực hiện theo quy định trong hồ sơ mời thầu. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất hoặc có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá được xếp hạng thứ nhất.
3.4. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:
Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP cụ thể:
– Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu gồm các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 30 của Nghị định này, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
– Kết quả lựa chọn nhà thầu được thẩm định theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 130 của Nghị định này trước khi phê duyệt.
– Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
– Trường hợp lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung sau đây:
+ Tên nhà thầu trúng thầu;
+ Giá trúng thầu;
+ Loại hợp đồng;
+ Thời gian thực hiện gói thầu theo quy định tại khoản 7 Điều 39 của Luật Đấu thầu và thời gian thực hiện hợp đồng theo quy định pháp luật về dân sự;
+ Các nội dung cần lưu ý (nếu có).
– Trường hợp hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu. Quyết định hủy thầu phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định.
– Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 4 Điều 8 của Luật Đấu thầu; gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm:
+ Nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này;
+ Danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu;
+ Kế hoạch hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn:
Trường hợp có yêu cầu giải thích về lý do cụ thể nhà thầu không trúng thầu, nhà thầu gửi đề nghị tới chủ đầu tư hoặc gặp trực tiếp chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm trả lời yêu cầu của nhà thầu trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà thầu.
Trường hợp nhà thầu có kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc về kết quả lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, người có thẩm quyền trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản giải quyết kiến nghị.
3.5. Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan khác. Việc hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này.