Việc xác định nguồn gốc thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật, trong đó chứng từ pháp lý có giá trị chứng minh là " Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản". Mỗi nguồn gốc khác nhau thì sẽ có mẫu giấy xác nhận nguồn gốc khác nhau.
Mục lục bài viết
1. Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là gì?
Trước hết, có thể khẳng định rằng, giấy xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản này phát sinh được dựa trên quyền của tổ chức, cá nhân được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 40 Luật Thuỷ sản, theo đó: “Tổ chức, cá nhân được phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và pháp luật Việt Nam.: Chính vì cho phép nuôi thuỷ sản thuộc Phụ lục Công ước….do đó, mới làm phát sinh mối quan hệ trong việc xem xét xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản để phân biệt với nguồn thuỷ sản từ khai thác tự nhiên.
Loài thuỷ sản xác định nguồn gốc ở đây là loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm, theo đó Luật Thuỷ sản giải thích rằng, “là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.”
Hoạt động nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo của cơ sở nuôi phải đáp ứng các điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, trang thiệt bị sử dụng, địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật; đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động; đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;….Việc quy định các điều kiện là tiền để cho hoạt động nuôi trồng được diễn ra hiệu quả, mang lại lợi ích nhưng cũng không làm phá huỷ đi quá trình bảo vệ môi trường.
Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp cho tổ chức/ cá nhân đã nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản/trồng cấy nhân tạo thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Giấy xác nhận này có thể xác định nhiều loại thuỷ sản.
Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là cơ sở để phân biệt loài thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên hay từ việc nuôi trồng. Giấy xác nhận còn là cơ sở để minh chứng cho tính tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện hoạt động nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tao. Giấy xác nhận còn là cách thức để nhà nước quản lý, nắm bắt được số lượng loài thuỷ sản thuộc phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Giấy xác nhận này có thể xác định nhiều loại thuỷ sản trong cả nước, đặc biệt là khả năng nuôi, phát triển và tính hiệu quả của loài thuỷ sản.
Quá trình xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Nghị định 26/2019, với các nội dung cụ thể như sau:
– Thẩm quyền cấp giấy xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Ví dụ: Chi cục Thuỷ sản Quảng Nam, Chi cục Thuỷ sản Thái Bình,….
– Hồ sơ đề nghị xác nhận: (1) Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc; (2) Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ tự nhiên đối với trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ tự nhiên để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo; (3) Tài liệu chứng minh cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật trong trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo; (4) Tài liệu nhập khẩu mẫu vật đối với trường hợp sử dụng mẫu vật có nguồn gốc từ nhập khẩu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo; (5) Sổ theo dõi quá trình nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Các loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Nếu thiếu một trong các tài liệu trên thì hồ sơ được xem là không hợp lệ. So với hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản từ khai thác tự nhiên thì hồ sơ trên được đánh giá là phức tạp hơn, điều này cũng hoàn toàn hợp lí do việc nuôi trồng là quá trình phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn, điều quan trọng là tổ chức, cá nhân phải chứng minh được nguồn gốc của loài thuỷ sản thông qua giấy tờ.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ. Phương thức nộp hồ sơ: Trực tiếp tại cơ quan hoặc thông qua đường bưu điện tới địa chỉ cơ quan.
– Trình tự, thủ tục thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra thực tế tại cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản (nếu cần) và cấp Giấy xác nhận nguồn gốc; trường hợp không cấp Giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. Mặc dù hồ sơ khá nhiều giấy tờ, những trình tự thủ tục khá đơn giản, quá trình cấp cũng diễn ra nhanh chóng và thuận tiện. Hiện này, quá trình đề nghị và cấp xác nhận có thể được thực hiện thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhanh chóng, hiệu quả.
2. Mẫu giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TÊN ĐƠN VỊ CẤP TRÊN
TÊN ĐƠN VỊ XÁC NHẬN
——-——-——-—–
Số: /XNNG-CCTS
…., ngày … tháng … năm ….
GIẤY XÁC NHẬN NGUỒN GỐC
Loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước
về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp,
loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản
Kính gửi: (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị xác nhận).
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số /2019/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Sau khi xem xét hồ sơ và kết quả kiểm tra thực tế, …. (Tên cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh) xác nhận cho:
Tổ chức/cá nhân: ….
Đại diện (nếu là tổ chức): ….
Địa chỉ thường trú/trụ sở công ty (nếu là tổ chức): ….
Điện thoại…..Fax….; Email ….
Đã nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản/trồng cấy nhân tạo thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cụ thể:
Tên trại nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo | Tên loài nuôi (tên thông thường) | Tên khoa học | Thời gian nuôi | Kích thước trung bình | Số lượng/khối lượng của loài được xác nhận | Ký hiệu đánh dấu theo cá thể (nếu có) |
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu: VT.
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN QUẢN LÝ
THỦY SẢN CẤP TỈNH
(Ký tên, đóng dấu nếu có)
3. Hướng dẫn mẫu giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản:
Mẫu giấy xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản có nội dung khá đơn giản, trong quá trình ban hành mẫu thì Nghị định 26 đã có hướng dẫn trong dấu ngoặc () kèm theo theo. Điều quan trọng là giấy xác nhận nguồn gốc loài thuỷ sản phải xác định được chủ thể (cá nhân/tổ chức) được cấp giấy xác nhận, các thông tin về loài thuỷ sản đã nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản/trồng cấy nhân tạo thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thủy sản năm 2017.
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.