Sau khi thực hiện hoạt động thi hành án dân sự, thì các cá nhân sẽ nhận được văn bản xác nhận kết quả thi hành án dân sự, đó gọi là giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự. Vậy giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự là gì?
Mục lục bài viết
1. Giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự là gì?
Thi hành án dân sự là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm đưa bản án, quyết định dân sự của Tòa án ra thi hành trên thực tế. Thi hành án dân sự là hoạt động nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định dân sự của Tòa án có hiệu lực thực tế trong cuộc sống bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Thi hành án dân sự là hoạt động phức tạp với những đặc điểm sau:
Thứ nhất, khác với thi hành án hình sư, thi hành án dân sự không hoàn toàn mang tính quyền lực nhà nước do có sự tham gia của chủ thể không mang quyền lực nhà nước, có hoạt động thực hiện các phán quyết của các chủ thể được nhà nước trao quyền hoặc công nhận (phán quyết của trọng tài), cho phép tồn tại sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, thi hành án dân sự không hoàn toàn dùng các biện pháp cứng nhắc của quyền lực nhà nước.
Thứ hai, thi hành án dân sự chủ yếu là hoạt động thi hành quyết định của tòa án về tài sản nên tính chất dân sự mà tài sản mang lại có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định tính chất của quan hệ pháp luật là quan hệ pháp luật dân sự. Tính tự nguyện, tự định đoạt từ phía người được thi hành án dân sự được tôn trọng. Do đó, trong quá trình thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự luôn luôn bảo đảm quyền tự nguyện, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn thực hiện hay không thực hiện của người được thi hành án mà cơ quan này không được tự tiện can thiệp.
Thứ ba, thi hành án dân sự là hoạt động không mang tính áp đặt đơn phương thuần túy như thi hành án hình sự. Thi hành án dân sự có thể có sự hợp tác của các chủ thể khác điều nà có thể thấy rất rõ khi các chủ thể có nghĩa vụ thi hành các bản án đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc khi có sự tham gia của Thừa phát lại.
Mặt khác thi hành án dân sự chỉ do cơ quan thi hành án thực hiện khi có sự yêu cầu của người được thi hành bản án hay người có quyền lợi nghĩa vụ liện quan. Ngay trong quá trình thi hành án, các chủ thể thi hành án còn có nghĩa vụ thuyết phục các bên thỏa thuận hoặc hòa giải với nhau để cho bản án được thực hiện một các cách thuận lợi, đạt hiệu quả cao, đồng thời phải tôn trọng sự thỏa thuận ấy. Vì vậy, không bao giờ hoạt động thi hành án cũng chỉ là thực hiện quyền lực nhà nước một các thuần túy để áp đặt cho các đương sự liên quan đến phát quyết.
Giấy xác nhận kết quả thi hành án là văn bản do Phòng thi hành án cấp cho người yêu cầu khi có đơn đề nghị của họ với nội dung ghi nhận kết quả thi hành án của người phải thi hành án bao gồm phần phải thi hành án, phần đã thi hành án và phần còn lại phải thi hành án.
Giấy xác nhận kết quả thi hành án là văn bản bắt buộc mà cơ quan thi hành án phải cấp cho người yêu cầu khi họ có đơn đề nghị, đây là văn bản có giá trị pháp lý chứng minh việc thi hành án của người phải thi hành án, kết quả thi hành án của họ tại một thời điểm nhất định, việc xác nhận kết quả này có thể là căn cứ để chứng minh người phải thi hành án không còn ràng buộc nghĩa vụ đối với người được thi hành án.
Theo quy định tại Điều 53, Luật Thi hành án dân sự, người có quyền yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án là “đương sự” bao gồm: Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành và người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Kết quả thi hành án có thể được thực hiện thông qua cơ quan thi hành án hoặc do các bên thỏa thuận (không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội) và được công nhận.
Người yêu cầu gửi đơn đề nghi cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án tới cơ quan quan thi hành án, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.
Việc xác nhận kết quả thi hành án thuộc về thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, mà cụ thể trong mẫu giấy xác nhận kết quả thi hành án dưới đây là Trưởng phòng thi hành án cấp quân khu. Quyền hạn, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được ghi nhận tại Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;
– Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự;
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;
– Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;
– Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;
– Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;
– Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Đây là thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn được áp dụng chung cho thủ trưởng cơ quan thi hành án, do xuất phát từ cơ quan đặc thù mà trưởng phòng thi hành án dân sự thuộc quân đội có thể có nhiệm vụ, quyền hạn riêng phù hợp với cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan đó.
2. Mẫu giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự và soạn thảo:
Mẫu giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự là được ban hành là mẫu số D12-THADS, được ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP vào ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Mẫu giấy xác nhận kết quả thi hành án dân sự như sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỔNG CỤC (CỤC) THADS ……
CỤC (CHI CỤC) THADS
tỉnh (huyện)…………….
Số: ……/GXN-THADS
……., ngày……tháng…….năm 20….
GIẤY XÁC NHẬN KẾT QUẢ THI HÀNH ÁN
Căn cứ Điều 53 Luật Thi hành án dân sự, Điều 37
Căn cứ Bản án, Quyết định số …… ngày …. tháng …. năm ……… của ……. ;
Căn cứ Quyết định thi hành án số ……… ngày …tháng …. năm ……. của ……. ;
Căn cứ kết quả thi hành án của ông (bà): ………
Xét đơn yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án của ông (bà)……..
Cục (Chi cục) trưởng Cục (Chi cục) Thi hành án dân sự …….. ,
XÁC NHẬN:
Theo Quyết định thi hành án số …….. ngày …. tháng …. năm ……… của Cục (Chi cục) Thi hành án dân sự ……… thì ông (bà):…………… (1)
địa chỉ: ……… (2)
Phải thi hành:
……….. (3)
Đã thi hành được:
……….. (4)
Còn phải thi hành:
……….. (5)
Nơi nhận:
– Đương sự;
– Lưu: VT, HSTHA.
CỤC (CHI CỤC) TRƯỞNG
(ký rõ họ, tên)
Soạn thảo Giấy xác nhận kết quả thi hành án
(1) Ghi tên người đã thi hành án dân sự
(2) Ghi địa chỉ của người đã thi hành án dân sự
(3) Ghi nghĩa vụ phải thi hành của người có nghĩa vụ thi hành án
(4) Ghi phần nghĩa vụ thi hành án đã được thi hành
(5) Ghi phần nghĩa vụ còn phải thi hành
3. Thực hiện hoạt động kê biên, xử lý tài sản:
3.1. Thực hiện việc kê biên:
Thông thường, các cá nhân khi thực hiện nghĩa vụ theo quyết định, bản án của tòa án sẽ dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ. Nếu các cá nhân không tự giác thực hiện, thì cơ quan thi hành án, chấp hành viên yêu cầu người thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Một trong các biện pháp cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ đó chính là kê biên tài sản. Hoạt động kê biên tài sản được quy định như sau:
– Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. (Theo khoản 1 Điều 88
Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.
Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khóa, phá khóa, mở gói thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
– Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.
Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.
(Tại Điều 88 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 về thực hiện việc kê biên)
3.2. Định giá tài sản kê biên:
Quy định tại Điều 98
– Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
+ Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
+ Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
+ Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.
– Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:
+ Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.
Như vậy, đúng theo tinh thần tự nguyện, tự do thỏa thuận của các bên, mà pháp luật quy định về việc sự thỏa thuận của các đương sự về lựa chọn tổ chức đấu giá cũng như về việc thỏa thuận giá ban đầu để bán đấu giá tài sản kê biên. Trong trường hợp không thể thỏa thuận về việc lựa chọn đấu giá và các trường hợp khác theo luật định thì việc lựa chọn tổ chức đấu giá sẽ do chấp hành viên quyết định hoặc Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.
3.3. Giao tài sản để thi hành án:
Điều 100 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 về thực hiện việc Giao tài sản để thi hành án như sau:
– Trường hợp đương sự thỏa thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận.
Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được thi hành án khác và phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng.
– Việc giao tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thỏa thuận.
Hoạt động giao tài sản để thi hành án được thực hiện khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc lấy tài sản kê biên để trừ vào số tiền để thi hành án. Hoạt động thỏa thuận này không bị giới hạn trong trường hợp nào, dù có nhiều người được thi hành án thì vẫn có thể giao tài sản cho người nhận tài sản và các bên còn lại thỏa thuận với nhau về việc thực hiện thanh toán lại cho các bên không nhận tài sản.
3.4. Bán tài sản đã kê biên:
* Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức sau đây:
– Bán đấu giá;
– Bán không qua thủ tục đấu giá.
* Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.
Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
* Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
– Tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản;
– Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.
* Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.
Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên.
* Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.
Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
*Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.