Ngày nay, việc ủy quyền thực hiện các công việc trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống. Vậy, có thể ủy quyền cho người khác nộp phạt vi phạm giao thông được không và mẫu mẫu giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông mới nhất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————
GIẤY ỦY QUYỀN
Hôm nay, ngày …tháng … năm …
Tại: …
Người ủy quyền: …
Ông/Bà : …
Sinh năm : …
Căn cước công dân số: …cấp ngày… do Cục cảnh sát …
Nơi cư trú: …
Người ủy quyền là người bị lập
Người được ủy quyền:
Ông/Bà : …
Sinh năm : …
Căn cước công dân số: … cấp ngày… do Cục cảnh sát …
Nơi cư trú: …
Nội dung ủy quyền: Người ủy quyền giao cho người được ủy quyền đại diện người ủy quyền liên hệ với Phòng cảnh sát giao thông – Trạm cảnh sát giao thông ….., tỉnh/thành phố …., các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan để: tham gia giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nêu trên, nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe, nhận lại xe, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan, nộp phạt, lệ phí theo Biên bản vi phạm hành chính nêu trên.
Phạm vi ủy quyền: Người được ủy quyền có quyền đại diện người ủy quyền thực hiện việc nộp hồ sơ, lập văn bản, ký tên vào các giấy tờ có liên quan đến nội dung được ủy quyền, nộp phí, lệ phí, nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe, nhận lại xe, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan.
Thù lao ủy quyền: Không có thù lao.
Thời hạn ủy quyền: ….. (….) tháng, kể từ thời điểm giấy ủy quyền này được công chứng.
Giấy ủy quyền được lập thành 03 bản, người ủy quyền giữ 02 bản, 01 bản lưu tại cơ quan công chứng.
Người ủy quyền (Ký, ghi rõ họ tên) | Người được ủy quyền (Ký, ghi rõ họ tên) |
2. Quy định của pháp luật về ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức vi phạm luật an toàn giao thông thì sẽ phải tiến hành nộp phạt theo mức độ vi phạt, lỗi vi phạm của mình theo các nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn giao thông. Khi thực hiện việc nộp phạt cho các cơ quan có thẩm quyền thì các cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông cũng cần thực hiện theo thủ tục nộp phạt mà pháp luật quy định. Cụ thể khi thực hiện việc nộp phạt vi phạm giao thông các cá nhân, tổ chức cần căn cứ theo quy định tại Khoản 1 điều 78
Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định.Nếu quá thời hạn mà các cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông vẫn không chịu nộp phạt thì các cá nhân, tổ chức đó sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Theo đó các cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải nộp thêm lãi suất là 0,05% / ngày nộp chậm tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Thứ hai, đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Theo đó, trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
Thứ ba, đối với những trường hợp các nhân, tổ chức vi phạm giao thông trên biển hoặc phải giải quyết việc xử phạt ngoài giờ hành chính, thì theo quy định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước
Từ quy định trên, có thể hiểu được rằng khi vi phạm giao thông tùy từng trường hợp cụ thể sẽ nộp phạt tại chỗ trực tiếp đối với những trường hợp vi phạm có thể nộp phạt tại chỗ theo quy định hoặc nộp vào Kho bạc nhà nước, nộp thông qua dịch vụ bưu chính công ích như bưu điện.
3. Các hình thức nộp phạt của người được ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông:
Cũng từ quy định này có thể xác định được các cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông có thể nộp tiền phạt cho các cơ quan có thẩm quyền thông qua các hình thức như là:
– Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
– Hoặc các cá nhân, tổ chức vi phạm cũng có thể chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Hoặc nếu ở gần, địa lý thuận lợi cho việc đi lại thì người vi phạm có thể đến nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định . Ví dụ trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam thì có thể nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không,….
Trong trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì có thể nộp tiền vào Kho bạc nhà nước theo quy định hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trên thực tế, không ít những trường hợp người vi phạm giao thông không thể tự trực tiếp đi nộp tiền phạt được vì nhiều lý do khác nhau. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì người vi phạm giao thông có thể nhờ người khác đi nộp phạt hộ mình được không. Đó là câu hỏi của rất nhiều người.
Trước hết ta cần hiểu được rằng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Có hai hai hình thức ủy quyền đó là đại diện theo ủy quyền hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc ủy quyền phải được thể hiện dưới dạng văn bản có công chứng của các cơ quan có thẩm quyền.Khi ký kết hợp đồng ủy quyền thì thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Về vấn đề ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông ta căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự quy định về đại diện theo ủy quyền. Theo quy định này thì ta có thể xác định được như sau:
Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc đi nộp phạt hộ cho người khác cũng là một giao dịch dân sự, hay nói cách dễ hiểu hơn đó là cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Vì vậy, hoàn toàn có thể nhờ người khác nộp phạt vi phạm giao thông cho mình. Tuy nhiên, khi nhờ người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông hộ mình thì giữa hai bên cần phải thực hiện hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật. Văn bản ủy quyền phải có dấu xác nhận chữ ký của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng.
Ngoài ra, khi ký kết hợp đồng ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông, các bên cần lưu ý ghi cụ thể thông tin của người ủy quyền và người được ủy quyền, các thông tin liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm giao thông, thông tin về loại phương tiện vi phạm giao thông cũng như các thông tin liên quan đến phạm vi ủy quyền và thời gian ủy quyền….
4. Hồ sơ ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông mới nhất:
Khi ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông thì cần chuẩn bị các giấy tờ tài liệu như sau:
– Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông có công chứng
– Biên bản xử phạt vi phạm giao thông;
– Bản sao chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người ủy quyền;
– Bản chính Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người được ủy quyền.
Như vậy, từ những lập luận và phân tích cùng các căn cứ pháp lý nêu trên ta có thể khẳng định được rằng các cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông hoàn toàn có thể nhờ người khác đi nộp phạt hộ mình. Khi nhờ người khác đi nộp phạt hộ thì giữa các bên phải thực hiện việc ký kết hợp đồng ủy quyền theo mẫu và tiến hành công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.