Khi Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn đồng ý giải quyết thì sẽ triệu tập những người liên quan đến vụ án để lấy lời khai. Trong những người cần có mặt tham gia tại phiên tòa thì không thể thiếu đó chính là người làm chứng bởi lẽ, họ là người được biết các tình tiết trong vụ án và là người cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan.
Mục lục bài viết
1. Mẫu giấy triệu tập người làm chứng là gì?
Trong tố tụng dân sự, pháp luật quy định về khái niệm về người làm chứng được hiểu là những người biết được các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết tòa án triệu tập đến tham gia tố tụng để làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Người tham gia tố tụng này được gọi là người làm chứng.
Theo đó, khi tham gia làm chứng tại phiên tòa thì người làm chứng có quyền, nghĩa vụ được thể hiện ở 2 lĩnh vực là cung cấp thông tin về vụ việc dân sự và vật chất. Chính vì vậy việc bảo đảm thực hiện đúng được các quyền, nghĩa vụ của người làm chứng có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả giải quyết vụ việc dân sự, trong nhiều trường hợp còn mang tính chất quyết định trong xử phạt.
Người làm chứng được Tòa án xác định và có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa xét xử theo lệnh của Tòa án thông quan Mẫu giấy triệu tập người làm chứng (13-VDS) là mẫu giấy được Tòa án sử dụng triệu tập người làm chứng đến Tòa án để trình bày những thông tn cần thiết diễn ra trong quá trình xảy ra vụ án.
Như chúng ta có thể thấy, trong một vụ án được xét xử thì một trong các thành phần tham gia có mặt tại phiên tòa không thể thiếu đó chính là người làm chứng cho vụ án. Mẫu giấy triệu tập người làm chứng theo mẫu 13-VDS có vai trò dùng để mời người làm chứng đến Tòa án để trực tiếp tham gia quá trình xét xử, cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời để Hội đồng xét xử xem xét, căn cứ vào đó giải quyết vụ án.
2. Mẫu giấy triệu tập người làm chứng:
Mẫu số 13-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
……., ngày ….. tháng …. năm ……
GIẤY TRIỆU TẬP NGƯỜI LÀM CHỨNG
TÒA ÁN NHÂN DÂN …
Triệu tập:(3) ……..
Là người làm chứng trong việc dân sự thụ lý số…./…/ TLST- …ngày….tháng…. năm …..về việc (4)……..
Đúng … giờ…. phút, ngày… tháng… năm… có mặt tại(5) ……
để(6)…….
Trường hợp ông/bà(7) …..không có mặt tại phiên họp mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của ông/bà(8) gây trở ngại cho giải quyết việc dân sự thì bị xử lý theo quy định tại Điều 490 Bộ luật Tố tụng dân sự.
(Người làm chứng khi đến Tòa án phải mang theo giấy triệu tập này và giấy tờ tùy thân).
THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên đóng dấu)
3. Hướng dẫn lập Mẫu giấy triệu tập người làm chứng:
Mẫu giấy triệu tập người làm chứng được đơn vị, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định soạn thảo phải đáp ứng các điều kiện về hình thức, nội dung và hiệu lực của văn bản.
Về hình thức soạn thảo văn bản:
– Phía bên trái văn bản ghi tên cơ quan Tòa án nơi giải quyết vụ án được ghi bằng chữ in hoa
– Phía bên phải văn bản là đề quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được viết in hoa và tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”
– Phía giữa văn bản là ghi tên mẫu giấy viết in hoa “GIẤY TRIỆU TẬP NGƯỜI LÀM CHỨNG”
(1) Ghi tên Tòa án triệu tập; nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam); nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm của giấy triệu tập.
(3) Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của cá nhân mà Tòa án triệu tập.
(4) Ghi số, ký hiệu, ngày tháng năm thụ lý việc dân sự và loại việc dân sự mà Tòa án thụ lý giải quyết.
(5) Ghi cụ thể địa điểm làm việc với người làm chứng (ví dụ: phòng 201, tòa nhà A, trụ sở Tòa án nhân dân quận Ba Đình, số 53 phố Linh Lang, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
(6) Tùy từng trường hợp mà ghi cụ thể những nội dung Tòa án cần làm rõ.
(7), (8) Ghi họ tên người làm chứng.
4. Một số quy định pháp luật liên quan đến người làm chứng:
Trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và những vấn đề khác liên quan đã được quy định tại các điều 78, 229 và 239. Các điều luật này đã quy định khá đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ các quyền và nghĩa vụ của người làm chứng
Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng
Với cương vị là người làm chứng trong vụ án tại phiên tòa xét xử thì người làm chứng phải tuân thủ và thực hiện các quyền và nghĩa vụ như: Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc ví dụ như những tài liệu có giá trị pháp lý trong giải quyết tranh chấp đất đai là giấy chứng nhận, giấy chuyển nhượng,…. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc ví dụ như giữa những người xảy ra tranh chấp có các hoạt động viết giấy tay có sự chứng kiến,…
– Trong trường hợp các thông tin, tình tiết cần thiết khai báo nhưng người làm chứng có quyền từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
– Người làm chứng được phép nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức dựa trên cơ sở là giấy triệu tập có hiệu lực từ Tòa án và được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.
– Trong quá trình tham gia làm người làm chứng, không ít người bị đe dọa về tính mạng bản thân cũng như gia đình mình từ phía đối tượng. Chính vậy, người làm chứng có quyền yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bảo đảm việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình trong suốt quá trình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng đồng thời người làm chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
– Trong phiên tòa xét xử hoặc khi xét thấy cần thiết thì người làm chứng phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án để lấy lời khai nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên và phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Sự có mặt của người làm chứng
Trong tố tụng dân sự quy định người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án hoặc khi tiến hành lấy lời khai. Trong trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án và Chủ toạ phiên tòa công bố lời khai đó. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.
Như vậy, từ những nội dung trên cho thấy người làm chứng có vai trò quan trọng trong quá trình xét xử vụ án dân sự bởi lẽ họ chính là những người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc mà đương sự đã yêu cầu giải quyết. Tòa án sẽ tiến hành triệu tập người làm chứng theo giấy triệu tập để lấy lười khai cũng như cung cấp các thông tin, tài liệu có trong vụ án. Người làm chứng sẽ được cơ quan bảo vệ, ngược lại người làm chứng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi lời khai, bằng chứng mà mình cung cấp; trong trường hợp cung cấp sai thông tin sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.