Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện tràn lan, thiếu sự kiểm soát mà những cá nhân, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển mới được thực hiện. Vậy, Mẫu giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển (31.NT) mới nhất có nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển là gì?
Ngành thủy sản có từ rất lâu đời gắn liền với quá trình phát triển lâu dài của văn hóa, lịch sử con người Việt Nam với những hoạt động trên bến dưới thuyền, quăng chài, thả cá,…lúc này chúng ta chỉ chú ý đến đánh bắt thủy sản là chính trong hoạt động thủy sản, ngành nuôi trồng thủy sản ít được chú ý đến do con người chưa ý thức được việc tái tạo nguồn lợi thủy sản và đảm bảo sự phát triển của các loại thủy sản, nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố mà các nguồn lợi thủy sản tư nhiên ngày càng cạn kiệt, hạn chế sự phát triển của ngành đánh bắt thủy sản tạo điều kiện cho ngành nuôi trồng thủy sản ngày một có vị thế quan trọng hơn.
Nuôi trồng thủy sản là một khái niệm dùng để chỉ hai hoạt động nuôi và trồng động thực vật thủy sinh ở các môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Nuôi trồng thủy sản là một bộ phận sản xuất nông nghiệp nhằm duy trì bổ sung tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người và góp phần vào việc xuất khẩu. Nói tóm lại, nuôi trồng thủy sản là hoạt động sản xuất gắn liền với động vật thủy sinh và môi trường thủy vực đồng thời chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên.
Nuôi trồng thủy sản trên biển là hình thức nuôi trồng được áp dụng đối với thủy sản nước mặn, là việc áp dụng cơ sở vật chất để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại vùng nước được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản.
Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức/cá nhân nuôi trồng thủy sản Việt Nam hoặc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện nuôi trồng và đề nghị cấp phép trên một diện tịch mặt nước nhất định tại địa chỉ/vị trí khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cụ thể.
Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển là chứng từ pháp lý bắt buộc nếu tổ chức, cá nhân muốn thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển. Đây là căn cứ để chứng minh tính tuân thủ pháp luật và tính hợp pháp trong hoạt động của cá nhân, tổ chức. Là cơ sở để nhà nước nắm bắt được số lượng, xác định, khoanh vùng nuôi rồng thủy sản để quản lý hiệu quả. Việc được cấp giấy phép còn hạn chế tình trạng tranh chấp về vùng, diện tích mặt nước được nuôi trồng thủy sản trên biển.
Việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển được áp dụng khác nhau đổi với hai nhóm chủ thể:
Nhóm 1: Tổ chức, cá nhân Việt Nam.
– Thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển: (1) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh (trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý) ; (2) Tổng cục thủy sản (trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép: (1) Đơn đăng ký ; (2) Bản thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản; (3) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và
– Trình tự, thủ tục: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ, xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đơn vị có liên quan và xem xét cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển nếu đáp ứng các quy định. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhóm 2: Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
– Thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện như đối với hồ sơ cấp giấy phép đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam.
– Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ ở trên, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm tra hồ sơ; tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của địa phương nơi có khu vực biển, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội nuôi biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải. Hoạt động tham mưa này nhằm đảm bảo được việc đưa ra quyết định cấp Giấy phép là hợp lí và đúng đắn, đồng thời tham khảo ý kiến của nhiều bộ ngành là điều thường làm đối với những quyết định quan trọng.
Trường hợp cần thiết, Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa điểm tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản.
Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan:
+ Trường hợp tất cả ý kiến đồng ý, trong thời hạn 05 ngày làm việc Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển .
+ Trường hợp có ít nhất 01 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Trường hợp không cấp phép Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Nội dung được tác giả phản ánh trên đây được ghi nhận tại Điều 37, 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, thông qua các quy định này, so thể thấy rằng, hoạt động cấp giấy phép đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam đơn giản hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, điều này cũng là lẽ đương nhiên bởi nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của cá nhân, tổ chức trong nước được phát triển kinh tế, phát huy lợi thế của người dân có kinh nghiệm của quốc gia có tiềm năng kinh tế biển, hạn chế tối đa hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ thực sự cấp phép đối với các nhà đầu tư phát triển, có tư duy và đáp ứng các điều kiện về nuôi trồng thủy sản, hạn chế sự cạnh tranh với “thị trường” trong nước.
2. Mẫu giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển (31.NT):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
GIẤY PHÉP
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN
…(tên Cơ quan cấp phép)…
1. Tên tổ chức/cá nhân nuôi trồng thủy sản: …..
2. Mã số cơ sở (nếu có): …..
3. Địa chỉ/vị trí khu vực biển để nuôi trồng thủy sản: …..
4. Địa chỉ thường trú/trụ sở công ty (nếu là tổ chức): …..
5. Điện thoại người đại diện:….; số Fax: ….
6. Đối tượng nuôi trồng: ….
7. Diện tích mặt nước xin được giao để nuôi trồng thủy sản: ….. (ha/m2);
8. Dự kiến sản lượng nuôi (tấn/vụ):…..; tổng sản lượng (tấn/năm): ….
9. Thông tin khác: ….
Tổ chức/cá nhân …. được phép nuôi trồng thủy sản, tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản và các quy định của pháp luật có liên quan.
Số cấp: AA/20…/BB/GP-NTTS
Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày… tháng… năm…
(*) và thay thế Giấy phép số: … cấp ngày …. tháng …năm ….
…., ngày …. tháng ….. năm ….
(Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
AA: Số thứ tự của Giấy phép
BB: Mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được quy định tại
(*): Ghi trong trường hợp Giấy phép được cấp lại.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thủy sản năm 2017
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.