Quyền tác giả là một trong những quyền quan trọng của một người khi sáng tạo ra tác phẩm - đứa con tinh thần của mình. Trong hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả sẽ có Giấy cam đoan. Dưới đây là mẫu giấy cam đoan khi đăng ký bản quyền tác giả mới nhất:
Mục lục bài viết
1. Mẫu giấy cam đoan khi đăng ký bản quyền tác giả mới nhất:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
*********
GIẤY CAM ĐOAN
Tên tôi là: Nguyễn Xuân An
Số CMTND 121448888 do Công an tỉnh Bắc Giang cấp ngày: 05/01/2010
Sinh ngày: 01/06/1989
Hộ khẩu thường trú: Thôn Tân Tiến, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
Quốc tịch: Việt Nam
Nghề nghiệp: Kỹ sư
Tôi cam đoan là tác giả của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng/chương trình máy tính/tác phẩm viết “tên tác phẩm đăng ký”.
Tôi cam đoan không sao chép của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào các tác phẩm nêu trên.
Tôi cam đoan chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm trên thuộc về CÔNG TY ……………..ABC.
Mã số doanh nghiệp:……do…….cấp ngày………
Địa chỉ:………
Việc sáng tác trên hoàn thành vào ngày 01 tháng 02 năm 2024
Tác phẩm được công bố lần đầu tại Việt Nam vào ngày 01 tháng 02 năm 2024
Ngày … tháng ….năm 2024
Tác giả
2. Lý do tại sao phải viết Giấy cam đoan khi đăng ký bản quyền tác giả?
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả được hiểu là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc là sở hữu. Cụ thể, quyền tác giả sẽ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc tác giả viết Giấy cam đoan khi đăng ký bản quyền tác giả là một cách để họ khẳng định trách nhiệm cũng như khẳng định bản thân mình là người tạo ra tác phẩm đó, không sao chép của cá nhân hay tổ chức nào khác. Đây cũng là một trong những giấy tờ cần có khi tác giả thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác giả. Theo đó, Giấy cam đoan này sẽ là tuyên bố chính của tác giả với nội dung là tuyên bố ai có quyền tài sản của tác phẩm; và tuyên bố chính tác giả là người tạo ra sản phẩm đó.
Và trong một số trường hợp như trường hợp tác phẩm tạo ra do thực hiện nhiệm vụ, công việc được phía bên công ty, tổ chức giao thì bản thân tác giả cũng cần thực hiện cam kết để đảm bảo quyền sở hữu của mình đối với công ty, tổ chức giao nhiệm vụ đó cho mình.
3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả hiện nay:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Người có nhu cầu cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo mẫu quy định.
Lưu ý: khi làm mẫu tờ khai phải chú ý những điều sau:
+ Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, ghi nhận đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
+ Thời gian hoàn thành.
+ Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng.
+ Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh.
+ Thời gian, địa điểm, hình thức công bố.
+ Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
– Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
– Trường hợp có ủy quyền thì cần phải có văn bản ủy quyền.
– Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh bản thân là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền.
– Nếu tác phẩm có đồng tác giả thì cần có văn bản đồng ý của các đồng tác giả.
– Nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung thì phải có văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ trên tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể nộp đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả:
– Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện tại Thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể lựa chọn nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ và xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Sau đó, Cục bản quyền tác giả sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu để ghi nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu.
Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ trong thời hạn là 30 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được đủ hồ sơ được nộp và được thẩm định là hợp lệ, đầy đủ.
Nếu như trường hợp hồ sơ không đầy đủ, có sai sót thì Cục Bản quyền tác giả sẽ có thông báo cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trường hợp nào được coi là hành vi vi phạm bản quyền tác giả?
Căn cứ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, những hành vi được coi là xâm phạm đến quyền tác giả bao gồm:
– Xâm phạm quyền nhân thân.
– Xâm phạm quyền tài sản.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ:
– Cố ý thực hiện hành vi làm hủy bỏ hoặc làm vô hiệu những biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Thực hiện hành vi sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
– Thực hiện hành vi xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi với lỗi cố ý những thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết được hoặc có cơ sở để xác định biết việc thực hiện hành vi của mình sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện hành vi phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng với những bản sao của tác phẩm khi biết rõ hoặc có cơ sở để biết được thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hoặc khi biết rõ hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện những hành vi có tính chất xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và
– Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.