Hiện nay, có rất nhiều hành vi lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng để quyền lợi của người dân, khi phát hiện một cá nhân, tổ chức khác có hành vi lấn chiếm lòng, lề đường thì có thể viết đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè gửi cho Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền để được xử lý.
Mục lục bài viết
1. Đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè là gì?
Đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè là mẫu đơn do cá nhân, tổ chức lập ra gửi cho Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ( Ủy ban nhân dân, công an nhân dân) khi nhận thấy một cá nhân, tổ chức khác có hành vi lấn chiếm lòng, lề đường nhằm mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận hoặc mục đích khác gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trên tuyến phố đó.
Đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè là văn bản chứa đựng những thông tin của cá nhân, tổ chức viết đơn, sự việc liên quan đến sự việc lấn chiếm vỉa hè, và những yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè,….Hơn thế nữa, đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè sẽ là căn cứ pháp lý để Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ( Ủy ban nhân dân, công an nhân dân) xem xét và thực hiện xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè.
2. Mẫu đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———-o0o———
Địa danh, ngày……tháng……năm……
ĐƠN YÊU CẦU XỬ LÝ ĐƠN VỊ LẤN CHIẾM VỈA HÈ
(V/v xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè)
Kính gửi: ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ/PHƯỜNG
CÔNG AN XÃ/PHƯỜNG
Căn cứ
Căn cứ
Căn cứ Nghị định
Tôi tên là: Nguyễn Văn A Sinh ngày …/…/…
Giấy chứng minh nhân dân số: cấp ngày…/…/… tại …
Hộ khẩu thường trú: …
Chỗ ở hiện nay: …
Số điện thoại liên hệ:
Tôi xin trình bày với Quý cơ quan một sự việc như sau:
Ngôi nhà tôi đang ở nằm ở mặt đường phố……….., trước của nhà tôi có vỉa hè, lòng đường khá rộng (tầm…………… cm). Trong suốt khoảng thời gian vừa qua, trước của nhà tôi có rất nhiều hàng rong, quán ăn xuất hiện để buôn bán mà không hề xin phép gia đình tôi. Tình trạng này diễn ra kéo dài khiến gia đình tôi không có chỗ để xe cũng như là sinh hoạt khác.
Căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:
Tôi kính đề nghị quý ủy ban xem xét và xử lý và xử phạt với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn của chúng tôi.
Kính mong Quý ủy ban nhanh chóng giải quyết yêu cầu trên của tôi để quyền lợi của tôi không bị ảnh hưởng.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn viết đơn yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè:
Phần kính gửi của của đơn yêu cầu xử lý lấn chiếm vỉa hè thì người làm đơn sẽ ghi cụ thể tên của Cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ( Ủy ban nhân dân, công an nhân dân).
Phần nội dung của đơn yêu cầu xử lý lấn chiếm vỉa hè yêu cầu người làm đơn sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác, chi tiết nhất những thông tin của cá nhân, tổ chức viết đơn ( tên, địa chỉ, số điện thoại, …) , sự việc liên quan đến sự việc lấn chiếm vỉa hè, và những yêu cầu xử lý đơn vị lấn chiếm vỉa hè,…Người làm đơn sẽ cam kết những thông tin mà mình cung cấp là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai thì sẽ tự chịu trách nhiệm.
Cuối đơn yêu cầu xử lý lấn chiếm vỉa hè thì người làm đơn sẽ ký và ghi rõ họ tên để làm bằng chứng.
4. Mức xử phạt về hành vi lấn chiếm vỉa hè:
4.1. Xử phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè:
+ Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố;
– Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông;
– Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
– Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng;
– Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị;
– Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 6 Điều này.
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;
– Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
– Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ;
– Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị,
– Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe;
– Sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm nơi sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe, bơm nước mui xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này;
– Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông,
– Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;
– Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ,
– Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ;
– Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;
– Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;
– Dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt,
– Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;
– Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;
– Xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố;
– Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe;
– Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở;
– Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.
4.2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
– Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ;
– Buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
– Buộc phải thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
– Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
– Buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.