Quá trình thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn đòi hỏi quyền lợi của các bên phải được đảm bảo. Trường hợp người sử dụng lao động muốn điều chuyển nhân sự sang vị trí, bộ phận khác thì người lao động hoàn toàn có quyền xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ là gì?
Đơn xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ là văn bản do cá nhân người lao động gửi tới bộ phận có thẩm quyền trong cơ sở sử dụng lao động nhằm đề nghị tiếp tục làm việc ở vị trí cũ khi có sự điều chỉnh về vị trí làm việc.
Đơn xin tiếp tục làm việc ở vị trú cũ là văn bản bày tỏ nguyện vọng của người lao động đối với người sử dụng lao động, là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền xem xét, đánh giá tình hình thực tế để đưa ra quyết định cho phép hay không cho phép người lao động tiếp tục làm việc ở vị trí cũ hay thay đổi vị trí làm việc.
2. Mẫu đơn xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
………., ngày….. tháng….. năm……….
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(V/v: Xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ)
Căn cứ
Căn cứ
Kính gửi: Công ty …
– Ông/Bà ………… – Giám đốc công ty
– Ông/Bà ………… – Trưởng phòng nhân sự
Tôi là: ………… Sinh năm: ……
Chức vụ: ……… Phòng ban: …………
Tôi làm đơn này xin trình bày với quý công ty, quý ông/bà một việc như sau:
(Trình bày các nội dung liên quan đến việc bị điều chuyển, lý do mong muốn ở lại vị trí cũ ..)
Ví dụ:
Ngày ………… tháng ………. năm ……….., tôi có ký hợp đồng lao động với công ty có nội dung thực hiện công việc ……. cho công ty và vào làm việc trong công ty từ ………. ở vị trí ……., chức vụ ……… phòng ban ………. Đến ngày … tháng …. năm ….., tôi được thăng chức …… (nếu có).
Ngày ……… tháng …… năm ………., tôi có nhận được thông báo của công ty về việc thay đổi vị trí làm việc của tôi từ ……. sang …………., chức vụ ………., phòng ban ……….. Tuy nhiên, xét thấy năng lực chuyên môn, kinh nghiệm bản thân không phù hợp với vị trí mới này bởi …………, tôi tự thấy mình không có khả năng đảm nhiệm công việc mới và vị trí mới nêu trên.
Do đó, dựa trên Điều 5 Bộ luật lao động 2019 về quyền được lựa chọn công việc của người lao động, Điều ….. Hợp đồng lao động số …… ngày …. tháng …. năm … về nội dung công việc chuyên môn mà tôi và công ty đã giao kết, với các lý do nêu trên, tôi làm đơn này kính đề nghị Quý công ty, Quý Ông/bà xem xét, chấp thuận cho tôi được tiếp tục thực hiện công việc tại vị trí ……….. phù hợp với năng lực, trình độ của tôi và sắp xếp nhân sự mới phù hợp đảm bảo công việc cho quý công ty.
Kính mong quý công ty giúp đỡ, tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu đơn xin tiếp tục làm việc ở vị trí cũ chi tiết nhất:
Trước hết, người làm đơn ghi địa danh, ngày tháng năm làm đơn.
Các thông tin về hợp đồng lao động số, ngày tháng năm ký hợp đồng lao động, họ và tên, ngày sinh, chức vụ, phòng ban của người làm đơn được viết theo hợp đồng lao động được ký giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Người lao động trình bày lí do muốn tiếp tục làm việc ở ví trí cũ; tại sao không thể bị điều chuyển tới ví trị khác.
Người lao động phải nêu lý do trung thực, thuyết phục, ngắn gọn, xúc tích.
Cuối đơn, người làm đơn ký và ghi rõ họ tên.
4. Quy định của pháp luật về quyền được tiếp tục làm việc ở vị trí cũ:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Như vậy, địa điểm làm việc có thể khác với hợp đồng lao động nhưng phải được sự đồng ý của người lao động và người sử dụng lao động.
Theo quy định tại Điều 29
“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.”
Trong quy định trên, thực tế người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người sang làm việc ở một công việc khác hoặc một địa điểm khác so với hợp đồng lao động, tuy nhiên điều đó chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định nhưng phải được người lao động đồng ý bằng văn bản. Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền tự chối và tiếp tục làm việc tại vị trí cũ.
Hơn nữa, theo Điều 5 Bộ luật lao động năm 2019, người lao động có các quyền sau:
– Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
– Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Đình công;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tương ứng với quyền của người lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau, được quy định tại điều 6 Bộ luật lao động năm 2019:
– Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
– Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
– Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
– Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.