Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam là gì?
- 2 2. Khi nào một công dân được quyền thôi quốc tịch:
- 3 3. Mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam:
- 4 4. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam mới nhất:
- 5 5. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cần những gì?
- 6 6. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam:
1. Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam là gì?
Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về Quốc tịch Việt Nam, như sau: “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
Điều 2 luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về quyền đối với quốc tịch của công dân: ” Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch, Công dân Việt Nam không ai bị tước quốc tịch Việt Nam trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này”.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp công dân mang quốc tịch Việt Nam vì những lý do cá nhân muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam là việc công dân hiện đang có quốc tịch Việt Nam, tự nguyện làm đơn xin thôi quốc tịch và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trường hợp đang có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nay tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Điều 27 luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định chi tiết căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam. Pháp luật Việt Nam thể hiện sự mềm dẻo linh hoạt đối với những quy định về quốc tịch vì bản chất của việc nhập quốc tịch hay thôi quốc tịch đề dựa trên sự tự nguyện của mỗi công dân.
2. Khi nào một công dân được quyền thôi quốc tịch:
Dù xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện của công dân, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp công dân đều có quyền thôi quốc tịch Việt Nam.
Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, người xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được thôi quốc tịch Việt Nam:
Điều 27. Căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam
1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.
2. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam;
d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
4. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.
5. Chính phủ quy định cụ thể các Điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định nêu trên thì việc thôi quốc tịch Việt Nam hoàn toàn xuất phát trên tinh thần tự nguyện của công dân và được thể hiện bằng đơn với mục đích để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc đã có quốc tịch nước ngoài hoặc đang có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nay tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam để được hưởng quyền lợi của nước mà họ đang là công dân.
Việc đưa ra quy định về những trường hợp công dân không được quyền thôi quốc tịch Việt Nam nhằm mục đích đảm bảo công dân đó hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và các tổ chức cá nhân khác. Việc tôn trọng quyền được thôi quốc tịch của một công dân phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các công dân khác.
3. Mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam:
Mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam theo Thông tư 02/2020/TT-BTP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Kính gửi: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Họ, chữ đệm, tên (1): …..Giới tính:……
Ngày, tháng, năm sinh: ……
Nơi sinh (2): ……
Nơi đăng ký khai sinh (3): ………
Quốc tịch nước ngoài (nếu có) (4): ……
Số Hộ chiếu Việt Nam:…..do:…
cấp ngày……….tháng………năm………
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân:…….số:……
do:…..…., cấp ngày……….tháng………năm…………
Nơi cư trú hiện nay: ………
Ngày, tháng, năm xuất cảnh (nếu có) (5): ………/………/…
Nơi cư trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh (nếu có) (5): ……
Sau khi tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch, tôi tự nguyện làm Đơn này kính xin Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép tôi được thôi quốc tịch Việt Nam.
Lý do xin thôi quốc tịch Việt Nam:………
Tôi cũng xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên sinh sống cùng tôi có tên dưới đây (nếu có) (6):
Con thứ nhất:
Họ, chữ đệm, tên:…Giới tính:……
Ngày, tháng, năm sinh: …
Nơi sinh (2): ………
Nơi đăng ký khai sinh (3): ……
Quốc tịch hiện nay (4): ……
Số Hộ chiếu Việt Nam:……..do:………
cấp ngày…….tháng…năm………
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (nếu có……số:…
do…., cấp ngày….tháng…năm…
Nơi cư trú: …
Con thứ hai:
Họ, chữ đệm, tên:… Giới tính:…
Ngày, tháng, năm sinh: ……
Nơi sinh (2): …
Nơi đăng ký khai sinh (3): …
Quốc tịch hiện nay (4): ……
Số Hộ chiếu Việt Nam:…..do:…
cấp ngày….tháng…năm…
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (nếu có):……số:……
do:.…., cấp ngày….tháng…năm……
Nơi cư trú: ……
Tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về lời khai của mình.
Giấy tờ kèm theo:
……, ngày….. tháng ….. năm…..
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
4. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam mới nhất:
Mục (1): Ghi rõ họ, chữ đệm, tên (bằng chữ in hoa) theo Hộ chiếu/Giấy tờ hợp lệ thay thế.
Mục (2) Ghi địa danh 03 cấp hành chính hoặc tên cơ sở y tế (nếu sinh ở Việt Nam) hoặc ghi theo tên thành phố, quốc gia đã đăng ký khai sinh (nếu sinh ra ở nước ngoài). Ví dụ: Trạm y tế xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội hoặc thành phố Postdam, CHLB Đức.
Mục (3) Ghi tên cơ quan đăng ký khai sinh theo ba cấp hành chính (nếu ĐKKS tại Việt Nam) hoặc ghi theo tên thành phố, quốc gia đã đăng ký khai sinh (nếu ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài). Ví dụ: UBND xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hoặc Chính quyền thành phố Postdam, CHLB Đức.
Mục (4) Quốc tịch nước ngoài (nếu có) được ghi chính xác theo tên quốc gia mang quốc tịch theo phiên âm quốc tế hoặc phiên âm tiếng Việt. Ví dụ: Malaysia hoặc Ma-lai-xi-a. Trường hợp có từ hai quốc tịch trở lên thì ghi rõ từng quốc tịch.
Mục (5) Trường hợp xuất cảnh nhiều lần thì ghi ngày, tháng, năm xuất cảnh và địa chỉ cư trú trước khi xuất cảnh của lần xuất cảnh gần nhất.
Mục (6) Trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên sinh sống cùng thì ghi đầy đủ thông tin của từng người con.
5. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cần những gì?
Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rõ hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cần:
– Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;
– Bản khai lý lịch;
– Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương
– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài
– Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;
– Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
6. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam:
Trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 29
Bên cạnh đó Điều 30 luật quốc tịch 2009 quy định một số trường hợp công dân xin thôi quốc tịch được miễn thủ tục xác minh về nhân thân: Người dưới 14 tuổi; người sinh ra và định cư ở nước ngoài; người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên; người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.
Chế định thôi quốc tịch Việt Nam đã tạo ra những thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt chủ chương, chính sách của Nhà nước cũng như nắm bắt được trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết hồ sơ và những thông tin về tiến độ và kết quả giải quyết hồ sơ của họ. Công tác quản lý nhà nước về thôi quốc tịch được quy định chặt chẽ. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về quốc tịch nói chung và thôi quốc tịch nói riêng được nâng cao. Thời gian giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam được quy định rõ ràng, rút ngắn, tránh được tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân.