Để thay đổi thẩm phán, đương sự và người đề nghị cần viết đơn xin thay đổi thẩm phán, Tòa án sẽ nhận đơn và xem xét, đưa ra quyết định thay đổi thẩm phán theo thủ tục của luật tố tụng. Vậy mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán có nội dung và hình thức ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán là gì, mục đích của mẫu đơn?
- 2 2. Mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
- 4 4. Những quy định của pháp luật về các trường hợp và thủ tục thay đổi thẩm phán:
- 4.1 4.1. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng:
- 4.2 4.2. Về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân:
- 4.3 4.3. Thủ tục từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:
- 4.4 4.4. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:
1. Mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán là gì, mục đích của mẫu đơn?
Mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán là văn bản được lập ra để ghi chép về việc xin được thay đổi thẩm phán, nội dung mẫu đơn nêu rõ thông tin của người làm đơn, nội dung xin thay đổi, lý do và căn cứ xin thay đổi…
Mục đích của mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán: khi thẩm phán đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự, hoặc thẩm phán đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó hoặc có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ thì đương sự hoặc người có thẩm quyền có quyền viết đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán. Mẫu đơn nhằm mục đích gửi đến Tòa án và yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định về việc thay đổi thẩm phán.
2. Mẫu đơn xin thay đổi thẩm phán:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
Hà Nội, ngày…tháng …năm…
ĐƠN XIN THAY ĐỔI THẨM PHÁN
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN (1)…………
Căn cứ
Tôi là: ………………………..(2) Sinh ngày: …/…/…
Giấy chứng minh nhân dân số …………….. cấp ngày …/…/… tại Cục cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư
Hộ khẩu thường trú: số…, phố……, phường….., quận……, thành phố Hà Nội
Chỗ ở hiện tại: số…, phố….., phường….., quận…., thành phố Hà Nội
Điện thoại liên hệ: 0123456789
Tôi xin trình bày với Qúy cơ quan một sự việc như sau: (3)
Ngày …/…/…, tôi có đến
Căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:
Khoản 14 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
“Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
…
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này
…”
Khoản 3 Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
“Điều 52. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
“Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
…”
Do vậy, tôi kính đề nghị Quý cơ quan xem xét, xác minh tình hình thực tế để tôi có thể thay đổi thẩm phán giải quyết vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của tôi
Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết nhanh chóng đề nghị của tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Bên A
(Ký và ghi rõ họ tên)
Bên B
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân quận nơi xét xử vụ án;
(2) Ghi rõ thông tin của người viết đơn bao gồm: Họ và tên, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại;
(3) Người viết đơn trình bày lý do và căn cư xin thay đổi thẩm phán.
4. Những quy định của pháp luật về các trường hợp và thủ tục thay đổi thẩm phán:
4.1. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng:
Được quy định tại Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
– Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
– Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
– Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
4.2. Về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân:
Quy định tại Điều 53 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
– Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
– Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
– Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
– Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
4.3. Thủ tục từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:
Được quy định tại Điều 55 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
– Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa, phiên họp phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.
– Việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc đề nghị thay đổi những người quy định tại khoản 1 Điều này tại phiên tòa, phiên họp phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.
4.4. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:
Được quy định tại Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
– Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định. Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định việc thay đổi như sau:
+ Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh đó quyết định;
+ Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
– Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi. Nếu người bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
– Việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án khi giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 368 của Bộ luật này.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế.