Học sinh, sinh viên sẽ thực hiện hoạt động đăng ký tín chỉ, học phần môn học cho học kỳ tới. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sinh viên phải hủy học phần đã đăng ký, khi đó sinh viên cần phải nộp đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên là gì?
Rút học phần là rút bớt học phần trong khối lượng học tập đã đăng ký trong 2 tuần đầu học kỳ chính hoặc trong 1 tuần của học kỳ phụ theo quy định của nhà trường khi
Lợi ích của việc rút bớt học phần: Sau khi bắt đầu chương trình học tập của học kỳ, bạn mới biết những môn học trong học kỳ này là môn học khó và có phần quá sức nếu học đủ tất cả các môn học đã đăng ký hoặc bạn gặp rủi ro vì ốm đau hoặc bạn có cơ hội làm thêm để rèn luyện nghề nghiệp mà bạn không muốn bỏ lỡ.
Rút bớt học phần là quyền của sinh viên; rút bớt môn học là lợi thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ mà sinh viên có thể khai thác. Điều quan trọng là cần tính toán kỹ lưỡng việc này bởi rút bớt môn học có nghĩa là thời gian kế tiếp phải học nhiều hơn hoặc thời gian của khóa học phải kéo dài hơn.
Tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm: thời gian lên lớp; thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã được quy định ở thời khóa biểu; thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài…
Đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên là văn bản của học sinh, sinh viên gửi lên ban quản lý, phòng đào tạo của trường đại học, đại học nhằm hủy học phần đã đăng ký học
Đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên nhằm mục đích hủy học phần đã đăng ký học trước đó
2. Mẫu đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập –Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN RÚT TÍN CHỈ
Kính gửi: Phòng Đào tạo Trường ……….
Em tên là:…………….
Sinh ngày:……/……/……. Mã SV:……..
Sinh viên lớp:……… Khoa:…….
Điện thoại liên hệ:………
Trong đợt triển khai đăng ký học phần từ ngày …./…../20…. đến ngày …./…./20…. của học kỳ ….. năm học 20…-20… em đã đăng ký tổng số …. học phần bằng …. tín chỉ
Tuy nhiên, sau khi xem xét lại điều kiện của bản thân em nhận thấy cần phải rút học phần đã đăng ký. Em làm đơn này với mong muốn Ban Giám hiệu Nhà trường, và Phòng đào tạo cho phép em được rút bớt học phần, cụ thể như sau:
TT | Tên học phần rút | Nhóm HP | Số TC | Lớp học phần đã đăng ký |
1 | ||||
2 | ||||
3 | ||||
Tổng số tín chỉ rút: Tổng số tín chỉ đã đăng ký: Tổng số tín chỉ còn lại sau khi rút: | ……… ……… ……… |
Lý do xin rút bớt học phần đã đăng ký:………..
Em làm đơn này kính mong Phòng Đào tạo và Cố vấn học tập cho phép em được rút bớt các học phần trên. Em xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc rút bớt học phần của mình và thực hiện đúng nội quy của Nhà trường về việc được bảo lưu/ hoàn trả lại học phí sau khi được Trường chấn thuận cho rút bớt học phần đã đăng ký.
Em xin chân thành cảm ơn./
………, ngày….tháng……năm….
Xác nhận của Cố vấn học tập
(Ký và ghi rõ họ tên)
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn viết đơn xin rút tín chỉ dành cho học sinh, sinh viên:
– Phần họ tên, ngày sinh của sinh viên ghi theo Giấy khai sinh, hoặc Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.
– Mã sinh viên, lớp, Khoa thì ghi theo mã sinh viên, lớp, khoa của sinh viên nộp đơn, theo thẻ sinh viên.
– Điện thoại liên hệ thì ghi số điện thoại cá nhân đã sử dụng
– Tiếp đến là ghi thời gian đăng ký học phần cho học kỳ nào, của năm học này, tổng số học phần, tín chỉ đã đăng ký.
– Trong bảng ghi học phần rút, thì ghi tên học phần, thuộc nhóm học phần nào (học phần bắt buộc, học phần tự chọn,…), số tín chỉ của học phần rút, và tên lớp học phần mong muốn rút đã đăng ký.
– Cuối cùng tại cuối đơn ghi ngày tháng năm viết đơn, và ký rõ họ tên vào đơn.
4. Học phần, tín chỉ là gì?
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn các học phần có khối lượng kiến thức từ 2 đến 5 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức của mỗi học phần phải phù hợp với mức trình độ của năm học tổ chức giảng dạy và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Mỗi học phần đều có mã số riêng.
Có các loại học phần sau:
+ Học phần bắt buộc: Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.
+ Học phần tự chọn: Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của Nhà trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn.
+ Học phần tương đương và học phần thay thế: Học phần tương đương là một hay một nhóm học phần thuộc chương trình của một khóa, ngành khác đang tổ chức đào tạo tại trường được phép tích lũy để thay cho một học phần hay một nhóm học phần trong chương trình của ngành đào tạo. Học phần thay thế được sử dụng khi một học phần có trong chương trình nhưng nay không còn tổ chức giảng dạy nữa và được thay thế bằng một học phần khác đang còn tổ chức giảng dạy.
+ Học phần tiên quyết: Học phần A là học phần tiên quyết của học phần B, khi sinh viên muốn đăng ký học học phần B thì phải đăng ký học và thi đạt học phần A.
+ Học phần học trước: Học phần A là học phần học trước của học phần B, khi sinh viên muốn đăng ký học học phần B thì phải đăng ký và học xong học phần A.
+ Học phần song hành: Các học phần song hành với học phần A là những học phần mà sinh viên có thể học đồng thời cùng với học phần A.
+ Học phần đặc biệt: Các học phần đặc biệt là các học phần không tính tích lũy tín chỉ nhưng sinh viên phải học và được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện tốt nghiệp bao gồm: học phần giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất, học phần ngoại ngữ (thí điểm).
Tín chỉ (TC) dùng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết (trong tổ chức đào tạo, thường 1 tín chỉ của học phần lý thuyết được quy định bằng 12 tiết học lý thuyết và 6 tiết thảo luận); 30 tiết thảo luận; 30 tiết thực hành, thí nghiệm; 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp; 60 giờ thực tập tại Trung tâm thực nghiệm. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, thảo luận để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ tự học.
5. Đăng ký khóa học tại các trường đại học:
Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, tùy theo khả năng và điều kiện học tập của bản thân, sinh viên nên tham khảo giáo viên chủ nhiệm về các học phần dự định sẽ đăng ký trong học kỳ để được tư vấn. Thông thường các trường đại học tổ chức 3 hình thức đăng ký học phần trong mỗi học kỳ: sớm, bình thường và muộn.
a. Đăng ký sớm được thực hiện trước thời điểm bắt đầu học kỳ từ 1 đến 2 tháng;
b. Đăng ký bình thường được thực hiện trước thời điểm bắt đầu học kỳ 2 tuần;
c. Đăng ký muộn được thực hiện trong 2 tuần đầu của học kỳ chính hoặc trong tuần đầu của học kỳ phụ cho những sinh viên muốn đăng ký học thêm hoặc đăng ký học đổi sang học phần khác.
Khối lượng học tập tối thiểu và tối đa trong mỗi học kỳ
a. Tối thiểu 14 tín chỉ và tối đa 25 tín chỉ cho mỗi học kỳ chính (trừ học kỳ cuối khóa học) đối với những sinh viên xếp hạng học lực bình thường;
b. Tối thiểu 10 tín chỉ và tối đa 20 tín chỉ cho mỗi học kỳ chính (trừ học kỳ cuối khóa học) đối với những sinh viên xếp hạng học lực yếu;
c. Số tín chỉ tối đa sinh viên có thể đăng ký học vào học kỳ phụ từ 8 đến 10.
Quy trình đăng ký môn học:
– Với sinh viên học học kỳ đầu tiên (học kỳ một) không phải đăng ký khối lượng học tập, chỉ thực hiện theo lịch học của nhà trường
– Với các sinh viên khác: Phải đăng ký khối lượng học tập. Khối lượng đăng ký tùy thuộc vào sức học, điều kiện tài chính, sức khỏe, … của mỗi sinh viên. Nếu sinh viên không đăng ký môn học sẽ bị coi là tự ý bỏ học. Quy trình đăng ký theo các bước sau:
Bước 1:
+ Bạn nên tuân thủ theo kế hoạch học tập đã được hướng dẫn trong sổ tay sinh viên;
+ Trong các trường hợp không thể thực hiện theo kế hoạch cứng, bạn có thể tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm để tăng hoặc rút bớt các môn học;
+ Số lượng số tín chỉ học tập đăng ký cần thực hiện theo quy định như trên
Bước 2:
+ Đăng ký khối lượng học tập trực tuyến qua hệ thống web của nhà trường;
+ Sau khi đăng ký thành công, sinh viên in thời khóa biểu (in ra bản cứng hoặc lựa chọn in dạng file pdf) để lưu đề phòng trường hợp khi mất tài khoản đăng nhập hoặc do các lỗi khác khi đăng ký;
+ Thay đổi mật khẩu tài khoản sinh viên để đề phòng bị đánh cắp tài khoản, dẫn đến khó khăn khi đăng ký các môn học. Trường hợp quên mật khẩu thì cần liên hệ với nhà trường để được cấp lại mật khẩu của tài khoản sinh viên.