Theo quy định người lao động nữ hoàn toàn có thể xin nghỉ thêm nếu thấy tình hình thực tế chưa thể tiếp tục công việc được. Theo đó, NLĐ nữ cần có đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản gửi NSDLĐ.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản là gì?
Đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản là văn bản do người lao động nữ đã hết thời gian nghỉ thai sản gửi đến người sử dụng lao động với mong muốn nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương. Thực tế, văn bản này có thể được người sử dụng lao động đồng ý hay không bởi lẽ, quyền này xuất phát từ việc, người lao động nữ đã được đáp ứng đủ thời gian nghỉ thai sản và việc nghĩ thêm thì cần sự thỏa thuận cùng người sử dụng lao động.
Đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản dùng để cá nhân người lao động nữ bày tỏ nguyện vọng, là căn cứ để người sử dụng lao động xem xét, đánh giá tình hình thực tế để quyết định cho phép hay không cho phép người lao động nữ nghỉ thêm.
2. Mẫu đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———
………………ngày…tháng…năm…
ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC RIÊNG KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG
– Căn cứ theo quy định tại
– Căn cứ vào nhu cầu thực tế của bản thân.
Kính gửi: BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY……….;
ÔNG (BÀ)…………TRƯỞNG PHÒNG HÀNH CHÍNH – NHÂN SỰ
Tôi tên là:……… Sinh ngày :………
CMND số: ………Ngày cấp:…… Nơi cấp:………
Địa chỉ hiện tại:………
Hiện đang công tác tại:………
Chức vụ:……………
Hiện nay, bản thân tôi đã nghỉ thai sản được 06 tháng. Tuy nhiên, sức khỏe của tôi chưa đảm bảo để tiếp tục công việc. Vì thế, căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 và nhu cầu thực tế của bản thân, tôi viết đơn này đề nghị Quý công ty xem xét và giải quyết về đơn xin nghỉ việc riêng không hưởng lương của tôi.
Thời gian nghỉ từ ngày….tháng….năm……đến ngày….tháng….năm….
Rất mong Quý công ty tạo điều kiện giúp đỡ tôi để tôi được đáp ứng nguyện vọng của mình.
Tôi cam kết trở lại làm việc đúng thời gian nêu trên và chấp hành đầy đủ các nội quy của công ty .
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu đơn xin nghỉ thêm chế độ thai sản:
Trước hết, người làm đơn ghi địa danh, ngày tháng năm làm đơn, ví dụ: Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2021.
Ở phần kính gửi, người viết đơn chú ý ở phần ban giám đốc phải ghi tên công ty, ví dụ: Ban giám đốc công ty cổ phần Kim Sơn, xác định rõ chủ thể có thẩm quyền là ai? ví dụ: Ông: Nguyễn Văn A-Trưởng phòng hành chính-nhân sự.
Người làm đơn ghi rõ các thông tin cá nhân bao gồm họ và tên, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp theo giấy chứng minh nhân dân do cơ quan có thẩm quyền cấp. Địa chỉ hiện tại là nơi người lao động sinh sống và làm việc không phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú.
Tiếp đến, người lao động phải ghi thời gian xin nghỉ từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào.
Cuối cùng người làm đơn ký và ghi rõ họ tên.
Khi viết đơn, người làm đơn cần chú ý đến nội dung phải mạch lạc, rõ ràng, thuyết phục và sạch sẽ, không tẩy xóa về hình thức.
4. Quy định về nghỉ chế độ thai sản và nghỉ thêm chế độ thai sản:
Đối tượng được hưởng chế độ thai sản bao gồm lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ; Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
Quy định về nghỉ thai sản theo Điều 139 Bộ luật lao động năm 2019:
“1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, pháp luật đã quy định về thời gian nghỉ thai sản cố định, tuy nhiên người lao động nữ có thể xin nghỉ thêm nhưng trong thời gian này người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ khoản tiền lương nào. Theo quy định trên thì chỉ có người lao động nữ mang thai và sinh con mới được xin nghỉ thêm, nhưng thực tế, quan hệ lao động thường dựa trên cơ sở thỏa thuận, do đó các đối tượng khác cũng có thể nghỉ thêm nếu được người sử dụng lao động đồng ý.
Bảo vệ thai sản là nguyên tắc được ghi nhận theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019:
“1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết
4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Một số các quy định khác về người đang nghỉ thai sản ví dụ: người nghỉ thai sản sẽ không bị xử lý kỷ luật trong thời gian nghỉ thai sản; người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Việc quy định chế độ thai sản nói chung và nghỉ thai sản nói riêng là hợp lý cho lao động nữ đây là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cùng với đó là đảm bảo sức khỏe của thế hệ tương lai. Đây là một vấn đề mang tính nhân văn cao được quy định trong Bộ luật lao động. Quy định tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ đặc trưng nhằm mục tiêu bảo vệ cho thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi sau này.
Hiện nay điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta đang phát triển không ngừng, đời sống kinh tế trong từng gia đình ngày một được nâng lên, các chính sách xã hội từng bước được cải thiện sâu rộng. Do vậy, quy định thời gian nghỉ thai sản 6 tháng là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo cho người mẹ có thời gian để phục hồi sức khỏe sau sinh, giúp cho trẻ nhỏ được hưởng nguồn sữa mẹ, tăng cường sức khỏe cho bà mẹ trẻ em, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và cũng là bảo vệ quyền của trẻ em một cách tốt nhất.