Thẻ sinh viên mang vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của sinh viên. Các sinh viên sẽ có đơn xin làm thẻ sinh viên gửi lên Ban Giám hiệu nhà trường để được cấp thẻ sinh viên.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin làm thẻ sinh viên là gì và được dùng để làm gì?
Đơn xin làm thẻ sinh viên là văn bản do sinh viên, học viên của các trường đại học, học viên, cao đẳng viết, gửi lên Ban Giám hiệu nhà trường, phòng Công tác sinh viên, khoa quản lý,… để xin làm thẻ sinh viên.
Đơn xin làm thẻ sinh viên được dùng để sinh viên đề nghị với nhà trường xin được làm thẻ sinh viên, và đây cũng chính là căn cứ để nhà trường cấp thẻ sinh viên cho học sinh làm đơn.
2. Mẫu đơn xin làm thẻ sinh viên và hướng dẫn soạn thảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
ĐƠN XIN LÀM THẺ SINH VIÊN
Kính gửi:
– Phòng Công tác Sinh viên
– BCN Khoa/Viện ……. Trường ….. (Ghi tên Khoa quản lý, trường đại học nơi sinh viên theo học)
Tên em là: …….(Ghi tên theo Chứng minh nhân dân) . MSSV: ……. (Ghi mã số sinh viên của sinh viên làm đơn)
Khoa:…Ngành:……Lớp Hành chính …….(ghi khoa, ngành, lớp mà sinh viên mà đơn đang theo học)
Ngày sinh: ……. Nam/Nữ: ….(Ghi theo Chứng minh nhân dân)
Hộ khẩu thường trú: …… Huyện: ….. Tỉnh: …..(ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú)
Em xin làm lại thẻ: □ Làm mới: □ Đổi thẻ: □ (Đánh dấu “X” vào ô lựa chọn)
Kính mong Nhà trường giải quyết.
Xin chân thành cảm ơn !
…., ngày …….. tháng ….. năm 20……
Khoa/Viện/Cán bộ quản ngành Sinh viên
3. Quy định về công tác quản lý sinh viên:
Tại Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy quy định những nội dung về quản lý sinh viên như sau:
Sinh viên được quy định tại quy chế này là người đang học chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học.
Công tác sinh viên
Quy định tại Điều 3 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy như sau:
Công tác sinh viên là một trong những công tác trọng tâm của cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tổng thể các hoạt động giáo dục, tuyên truyền; quản lý; hỗ trợ và dịch vụ đối với sinh viên nhằm đảm bảo các Mục tiêu của giáo dục đại học.
Công tác sinh viên phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác sinh viên phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch trong các vấn đề có liên quan đến sinh viên.
Công tác quản lý sinh viên
Quy định tại Điều 15 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy như sau:
* Công tác hành chính
– Tổ chức tiếp nhận thí sinh trúng tuyển, sắp xếp, bố trí sinh viên vào các lớp; chỉ định Ban cán sự lớp (lớp trưởng, lớp phó) lâm thời, làm thẻ sinh viên, thẻ thư viện; quản lý, tổ chức cấp phát văn bằng, chứng chỉ của sinh viên;
– Thống kê, tổng hợp dữ liệu và quản lý, lưu trữ hồ sơ liên quan đến sinh viên; giải quyết các công việc hành chính có liên quan đến sinh viên.
* Công tác khen thưởng và kỷ luật
– Theo dõi, đánh giá ý thức học tập; tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên; phân loại, xếp loại sinh viên cuối mỗi học kỳ, năm học, khóa học theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Phát động, tổ chức các phong trào thi đua trong sinh viên; Tổ chức đánh giá, bình bầu và khen thưởng cho tập thể, cá nhân sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện; tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học, thi Olympic các môn học, thi sáng tạo tài năng trẻ và các hoạt động khuyến khích học tập khác;
– Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế, quy định về học tập và rèn luyện đối với sinh viên;
– Tham mưu, theo dõi và tổng hợp việc xử lý kỷ luật sinh viên vi phạm theo quy định.
* Công tác sinh viên nội trú, ngoại trú
Tổ chức thực hiện các nội dung, biện pháp công tác sinh viên nội trú, ngoại trú theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học
– Ban hành nội quy, quy định, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong sinh viên. Phối hợp với công an địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trường học;
– Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đảm bảo an toàn cho các hoạt động học tập, rèn luyện của sinh viên. Theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng, hành vi của sinh viên để có sự định hướng, giáo dục; phối hợp ngăn chặn việc kích động, lôi kéo sinh viên tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, tham gia các tệ nạn xã hội, truyền đạo trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp xử lý các vụ việc về an ninh, trật tự trường học và các vụ việc liên quan đến sinh viên ở trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học.
* Thực hiện các chế độ, chính sách đối với sinh viên
Tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp và giải quyết các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến sinh viên theo quy định.
Như vậy, hoạt động làm thẻ sinh viên thuộc về công tác hành chính trong công tác quản lý sinh viên
Hệ thống tổ chức, quản lý công tác sinh viên (Điều 17 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy)
Hệ thống tổ chức, quản lý công tác sinh viên của nhà trường gồm: Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị phụ trách công tác sinh viên, khoa, chủ nhiệm lớp sinh viên, cố vấn học tập và lớp sinh viên.
Căn cứ Điều lệ trường đại học, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định hệ thống tổ chức, quản lý công tác sinh viên phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt các nội dung công tác sinh viên.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 18 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy sau
– Chỉ đạo, tổ chức quản lý các hoạt động của công tác sinh viên. Bố trí các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nội dung của công tác sinh viên. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành và địa phương trong công tác sinh viên; tạo Điều kiện cho sinh viên thực hiện đầy đủ quyền và nhiệm vụ của mình.
– Chỉ đạo tổ chức “Tuần Sinh hoạt công dân – sinh viên” đầu khóa, đầu năm và cuối khóa học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hằng năm, tổ chức đối thoại với sinh viên để cung cấp thông tin cần thiết cho sinh viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nhu cầu chính đáng của sinh viên.
– Đảm bảo các Điều kiện để phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam trong công tác sinh viên; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Quyết định sự tham gia của sinh viên mang tính chất đại diện cho cơ sở giáo dục đại học khi có sự huy động của địa phương, các cấp, các ngành hoặc các tổ chức khác.
Các đơn vị, cá nhân phụ trách công tác sinh viên theo Điều 19 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy quy định:
– Căn cứ Điều lệ trường đại học, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Khoa và các đơn vị phụ trách các nội dung công tác sinh viên của nhà trường và giao cho Phòng (Ban) công tác chính trị – công tác sinh viên là đơn vị chủ trì tham mưu, tổng hợp giúp Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về công tác sinh viên của nhà trường.
– Chủ nhiệm lớp sinh viên: căn cứ Điều kiện cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc Trưởng khoa phân công giảng viên, viên chức của nhà trường làm công tác chủ nhiệm lớp sinh viên để hỗ trợ quản lý, hướng dẫn các hoạt động học tập và rèn luyện của lớp sinh viên.
– Cố vấn học tập: căn cứ Điều kiện cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc Trưởng khoa phân công giảng viên kiêm nhiệm công tác cố vấn học tập cho sinh viên để tư vấn, hướng dẫn sinh viên thực hiện tốt quy chế, quy định về đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học có thể phân công một giảng viên kiêm nhiệm công tác cố vấn học tập và chủ nhiệm lớp sinh viên.