Một năm học ở nước ta hiện nay gồm hai kỳ học và có một kỳ nghỉ hè, trong thời gian đó học sinh được nghỉ học. Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, thì các nhà trường có thể tổ chức học thêm hè tại nhà trường, khi học sinh và gia đình có nhu cầu thì có thể tham gia lớp học thêm hè tại nhà trường này.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin học thêm hè là gì và dùng để làm gì?
Đơn xin học thêm hè là văn bản do học sinh, gia đình học sinh viết gửi ban giám hiệu nhà trường mà học sinh đang theo học để xin cho học sinh học thêm hè tại nhà trường.
Đơn xin học thêm hè thể hiện mong muốn của học sinh và gia đình học sinh về việc học thêm tại trường, và dùng để đề nghị nhà trường cho phép học sinh tham gia khóa học thêm hè tại nhà trường.
2. Mẫu đơn xin học thêm hè và hướng dẫn soạn thảo:
Mẫu đơn xin học hè cho học sinh mầm non
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o——–
ĐƠN XIN HỌC HÈ
Kính gửi: BGH trường…. (ghi tên trường mà học sinh đang theo học)
Tên tôi là:….(ghi tên của phụ huynh của học sinh, ghi theo Chứng minh nhân dân)
Địa chỉ:…. (ghi rõ nơi cư trú của cá nhân làm đơn, ghi rõ thôn, xóm, số nhà, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/ thành phố)
Tôi làm đơn này đề nghị với BGH nhà trường một việc như sau:
Con tôi tên là: …..Học sinh lớp:… (ghi tên của học sinh, lớp học sinh theo học)
Vì lý do gia đình không có người trông và chăm sóc con, gia đình tôi có nguyện vọng cho con tôi được học hè tại trường…… trong thời gian …..(ghi thời gian đăng ký học thêm hè) để tạo điều kiện củng cố thêm những kỹ năng rèn luyện bản thân và chuẩn bị tốt cho việc học tập ở năm học mới của con.
Vậy tôi làm đơn này đề nghị BGH Nhà trường cho phép con tôi được đăng kí và tham gia học hè tại trường. Gia đình tôi xin cam kết thực hiện tốt các nội quy, quy định của lớp học hè và của nhà trường.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
…., ngày…..tháng….năm…
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Mẫu đơn xin học hè cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————
ĐƠN XIN HỌC HÈ
Kính gửi: BGH trường…(ghi tên nhà trường mà học sinh đang theo học)
Đồng kính gửi cô giáo chủ nhiệm lớp ….
Tên tôi là: …(ghi tên phụ huynh học sinh)
Là phụ huynh của em: …(ghi tên học sinh)
Học sinh lớp:…
Căn cứ vào kết quả học tập, năng lực nhận thức của con – em gia đình tôi có nhu cầu cho con đi học thêm hè để ôn tập và nâng cao kiến thức.
Vậy tôi làm đơn này kính mong BGH và cô chủ nhiệm nhận cháu vào học.
Khi được tham gia học hè tại nhà trường, gia đình tôi sẽ thực hiện tốt các nội quy, quy định của nhà trường. Gia đình tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm đưa cháu đến trường và đón cháu về.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
…, ngày…..tháng….năm….
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
3. Quy định pháp luật về việc dạy thêm, học thêm:
Tại Thông tư số 17/2012/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm như sau:
Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức. (Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Quy định về dạy thêm, học thêm)
Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường (Điều 5 Quy định về dạy thêm, học thêm)
Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.
Hoạt động dạy thêm, học thêm tại nhà trường phải tuân theo nguyên tắc dạy thêm, học thêm chung được quy định tại Điều 3 của Quy định về học thêm, dạy thêm, cụ thể như sau:
– Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
– Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
– Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Thu và quản lý tiền học thêm (Khoản 1 Điều 7 Quy định về dạy thêm, học thêm))
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì
Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm
– Tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm.
– Quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại Điều 3 quy định này; quản lý việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, xác nhận các nội dung yêu cầu đối với người dạy thêm.
– Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
– Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Về các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thì phải đảm bảo những tiêu chí được quy định tại Thông tư liên tịch số Số: 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT Quy định về công tác y tế trường học, cụ thể như sau:
Phòng học:
– Đối với cơ sở giáo dục mầm non: đáp ứng yêu cầu thiết kế áp dụng theo tiêu chuẩn quy định tại mục 5.2 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 3907: 2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia
– Đối với trường tiểu học; lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: đáp ứng yêu cầu thiết kế áp dụng theo tiêu chuẩn quy định tại mục 5.2 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8793: 2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN;
– Đối với trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; lớp trung học cơ sở, lớp trung học phổ thông trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: đáp ứng yêu cầu thiết kế quy định tại mục 5.2 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8794: 2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN.
Bàn ghế:
– Đối với cơ sở giáo dục mầm non: kích thước bàn ghế áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1993) Bàn ghế học sinh mẫu giáo – Yêu cầu chung;
– Đối với trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường chuyên biệt: kích thước bàn ghế áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16 tháng 6 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông.
Bảng phòng học đối với cấp học phổ thông:
– Các phòng học phải trang bị bảng chống lóa; có màu xanh lá cây hoặc màu đen (nếu viết bằng phấn trắng), màu trắng (nếu viết bằng bút dạ);
– Chiều rộng của bảng từ 1,2m – 1,5m, chiều dài bảng từ 2,0m – 3,2m;
– Bảng treo ở giữa tường, mép dưới bảng cách nền phòng học từ 0,65m – 0,80m đối với trường tiểu học và từ 0,8m – 1,0m đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, khoảng cách tới mép bàn học sinh đầu tiên không nhỏ hơn 1,8m.
Chiếu sáng:
Đối với cơ sở giáo dục mầm mon: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 3907:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN;
– Đối với trường tiểu học; lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8793:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN;
– Đối với trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; lớp trung học cơ sở, lớp trung học phổ thông trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trong trường chuyên biệt: yêu cầu thiết kế áp dụng theo quy định tại mục 6.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8794:2011) ban hành kèm theo Quyết định số 2585/QĐ-BKHCN.
Đồ chơi cho trẻ em trong trường học:
Đồ chơi cho trẻ em ở các trường học phải bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em trong nhà trường.