Trong các trường học hiện nay đều có tổ chức lớp học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong trường nhằm mục đích bồi dưỡng kiến thức, hình thành đội tuyển học sinh giỏi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Khi học sinh muốn tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức thì cần viết đơn xin học lớp bồi dưỡng kiến thức.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin học lớp bồi dưỡng kiến thức là gì và dùng để làm gì?
Đơn xin học lớp bồi dưỡng kiến thức là văn bản do cá nhân học sinh viết, gửi ban giám hiệu nhà trường, giáo viên nhằm xin được học lớp bồi dưỡng kiến thức.
Đơn xin học lớp bồi dưỡng kiến thức được dùng để học sinh thể hiện mong muốn được tham gia lớp học bồi dưỡng kiến thức, và đây cũng là căn cứ để nhà trường đồng ý cho học sinh tham gia lớp học bồi dưỡng kiến thức.
2. Mẫu đơn xin học lớp bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn soạn thảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————
ĐƠN XIN HỌC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC
Kính gửi: Ban Giám hiệu Trường ….(1)
Tên em là …..Sinh ngày…..(2) , học sinh lớp ….(3) Trường ….(1)
Em được biết, hiện tại, nhà trường đang mở lớp học bồi dưỡng một số môn học trong đó có môn…(4) cho học sinh khối ….(5) . Em tự thấy bản thân có nhu cầu học bồi dưỡng môn này để củng cố và nâng cao kiến thức.
Vì vậy, em làm đơn này, xin Ban giám hiệu nhà trường cho em theo học lớp bồi dưỡng môn …(5)
Em xin hứa sẽ chấp hành nội quy của lớp học và nỗ lực học tập.
Em xin chân thành cảm ơn!
……, ngày…tháng…năm….
Người viết đơn
(Ký tên)
Hướng dẫn soạn thảo
(1) Ghi tên trường mà học sinh theo học
(2) Ghi theo Giấy Khai sinh của học sinh
(3) Ghi lớp học sinh đang theo học
(4) Ghi tên môn học mà học sinh mong muốn học bồi dưỡng
(5) Ghi khối học mà học sinh theo học
(6) Ghi tên địa danh, ngày tháng năm viết đơn
3. Về công tác bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi:
Bồi dưỡng thực chất là bổ sung kiến thức, kỹ năng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực nào đó. Bồi dưỡng HSG là chủ động tạo ra môi trường và những điều kiện thích hợp cho người học phát huy cao độ nội lực, trí tuệ của mình, đi đôi với việc tiếp nhận một cách thông minh, hiệu quả ngoại lực. Giúp học sinh hoàn thiện tri thức, phát huy hơn nữa những năng lực, năng khiếu của mình; Định hướng và phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu… Ngoài ra, bồi dưỡng học sinh giỏi còn góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên. Bồi dưỡng học sinh giỏi được được ra với mục đích phát triển phương pháp suy nghĩ ở trình độ cao phù hợp với khả năng trí tuệ của trẻ; Bồi dưỡng sự lao động, làm việc sáng tạo; hoặc phát triển các kĩ năng, phương pháp và thái độ tự học suốt đời;….
Các yếu tố tác động đến hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi bao gồm:
– Quy chế dạy học và quy chế quản lý hoạt động dạy học: Quy chế dạy học và quy chế quản lý hoạt động dạy học là cơ sở pháp lý để sắp xếp tổ chức, xây dựng cơ chế quản lý, điều hành nhân sự, xác định mục đích, nội dung, chương trình và kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi.
– Năng lực Cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên: Việc bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhà trường chỉ đạt hiệu quả khi
đội ngũ bán bộ quản lý và giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, thái độ làm việc đúng đắn, tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ tay nghề, chuyên môn sâu và tinh thần trách nhiệm cao trong công tác.
– Chất lượng học sinh và chất lượng tuyển sinh đầu vào trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khâu đầu tiên là khâu phát hiện và tuyển chọn học sinh, khâu này quan trọng chẳng khác gì khâu “chọn giống của nhà nông”.
– Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là một phần không thể thiếu trong quá trình dạy học. Nó là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình dạy học và giáo dục học sinh, góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường.
– Môi trường giáo dục và môi trường dạy học: Môi trường giáo dục góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách học sinh, việc tạo ra môi trường giáo dục tốt là trách nhiệm của mỗi nhà trường.
– Chế độ đãi ngộ cho giáo viên và học sinh: Công tác thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp quản lý mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải được lập thành kế hoạch, kế hoạch được xây dựng theo từng học kỳ của năm học; kế hoạch phải được phổ biến đến toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trước khi thực hiện.
Căn cứ để lập kế hoạch gồm: Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường; Danh sách học sinh thuộc đối tượng bồi dưỡng (căn cứ điểm trung bình môn học của học kỳ trước, năm học trước hoặc các bài kiểm tra định kỳ ở đầu học kỳ và đề nghị của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổ trưởng chuyên môn); và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất hiện có của nhà trường.
– Về số học sinh/lớp: hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi được thực hiện theo khối lớp, trên cơ sở số học sinh thuộc đối tượng được bồi dưỡng của cả khối, nhà trường sắp xếp thành các lớp, số học sinh/lớp bồi dưỡng không dưới 5 học sinh/lớp ( trừ trường hợp bồi dưỡng đội tuyển thi chọn học sinh giỏi) và không quá 30 học sinh/lớp;
– Về số giờ dạy bồi dưỡng/môn/lớp: không quá 50% số giờ dạy chính khóa theo phân phối chương trình của môn học;
– Về thời lượng và thời gian phụ đạo, bồi dưỡng: không quá 3 giờ dạy/buổi, không tổ chức vào các ngày nghỉ theo quy định (trừ trường hợp bồi dưỡng đội tuyển thi chọn học sinh giỏi),
– Về số môn và số buổi bồi dưỡng/học sinh: trường hợp một học sinh có nhiều môn học lực giỏi thì lựa chọn một số môn học để bồi dưỡng; một học sinh được bồi dưỡng không quá 3 buổi/tuần;
– Về phân công giáo viên dạy và số giờ dạy/giáo viên/năm học: phân công giáo viên dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh phải đảm bảo phát huy năng lực chuyên môn, hiệu quả giảng dạy của từng giáo viên đồng thời hợp lý về định mức lao động; số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ không quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm học/giáo viên;
– Về quản lý: hiệu trưởng nhà trường trực tiếp chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi của đơn vị; thực hiện việc giao chỉ tiêu chất lượng cho giáo viên giảng dạy bộ môn, giáo viên chủ nhiệm ở từng lớp vào đầu học kỳ, đầu năm học để đánh giá hiệu quả của hoạt động vào cuối mỗi học kỳ, cuối năm học để có biện pháp điều chỉnh hoạt động này cho phù hợp; sử dụng kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi để đánh giá, xếp loại giáo viên, tổ chuyên môn.
Bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình lâu dài. Bồi dưỡng học sinh giỏi có ý nghĩa ươm mầm, định hướng phát triển theo thế mạnh của các học sinh trong những năm cắp sách tới trường. Cần phát hiện sớm các học sinh giỏi và bồi dưỡng sớm và tạo nguồn từ lớp đầu cấp học. Học sinh phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập. Học sinh phải yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi đồng thời cần cù tích lũy và chăm chỉ rèn luyện, ngoài đọc sách giáo khoa, học sinh cần đọc thêm sách tham khảo và tài liệu khác.
Để hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi thực hiện hiệu quả, đạt chất lượng cao thì thầy cô là yếu tố hàng đầu đóng vai trò quyết định trong việc bồi dưỡng năng lực học tập, truyền hứng thú, niềm say mê môn học cho các học sinh. Để dạy được học sinh có khả năng và phương pháp tự học thì thầy cô là những người có năng lực chuyên môn, có am hiểu về kiến thức chuyên sâu, có phương pháp truyền đạt khoa học, tâm huyết với công việc, yêu thương học trò, giúp đỡ đồng nghiệp. Thực hiện được quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi chất lượng luôn đặt ra yêu cầu đó là cần một đội ngũ giáo viên ổn định, thường xuyên được bồi dưỡng. Việc tổ chức bồi dưỡng tại chỗ được coi là yếu tố quan trọng nhất. Các hoạt động để giáo viên nâng cao trình độ đó có thể là thực hiện giao chuyên đề dạy đội tuyển cho giáo viên tự đọc, tự học để đáp ứng nhiệm vụ đang đảm nhận; giáo viên tự soạn nội dung giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Nội dung giảng dạy được tổng hợp, bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu: Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, đề thi trong nước, ngoài nước, đề thi Olympic … hoặc bồi dưỡng qua phân công nhiệm vụ chuyên môn: Mỗi giáo viên dạy một số chuyên đề cho học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng qua giao lưu, học hỏi với các trường khác…
Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi là hoạt động vô cùng quan trong, tuy nhiên, trên thực tế còn có rất nhiều khó khăn trong hoạt động này như việc hiện nay đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm do đó việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế; công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy học sinh giỏi đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho công tác bồi dưỡng HSG còn nhiều thiếu thốn, hư hỏng nhiều; ngoài ra, không phải không có trường hợp có những thầy, cô giáo có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm nhưng chưa thật mặn mà với công tác BDHSG vì nhiều lí do khác nhau. Bên cạnh đó việc tham gia học bồi dưỡng học sinh giỏi cũng có khối lượng kiến thức rất lớn, đè nặng lên các học sinh nên nhiều việc học chưa đạt được kết quả tốt nhất, nhiều trường hợp học sinh từ chối tham gia học bồi dưỡng học sinh giỏi vì khối lượng kiến thức quá lớn.