Các hộ gia đình, cá nhân xin cấp số nhà tạm thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự,....
Mục lục bài viết
1. Đơn xin cấp số nhà tạm thời là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng được cấp Giấy chứng nhận số nhà là chủ sở hữu nhà đã được đánh số, gắn biển số nhà, kể cả trường hợp trước đây đã đánh số nhà nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận số nhà. Trường hợp nhà thuộc sở hữu nhà nước thì cấp cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng. Trường hợp nhà có nhiều chủ sở hữu thì mỗi chủ sở hữu được cấp riêng một Giấy chứng nhận số nhà theo biển số nhà đó.
Giấy chứng nhận số nhà được sử dụng khi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm thủ tục liên quan đến địa chỉ, không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng. Tuy nhiên đối với những nơi chưa được cấp có thể làm đơn xin cấp số nhà tạm thời. Vậy, đơn xin cấp số nhà toàn thời là mẫu đơn được soạn thảo bởi cá nhân, tổ chức gửi đến UBND địa phương nhằm đề nghị nội dung về cấp số nhà tạm thời.
Đơn xin cấp số nhà tạm thơi được soạn thảo bới cá nhân, tổ chức sở hữu nhà chưa được cấp số gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích đề xuất việc cấp số nhà tạm thời để phục vụ hộ gia định tiếp nhận thông tin, thư tín, liên lạc,…Nội dung đơn cá nhân, tổ chức nêu rõ thông tin nhà ở, lý do xin cấp số nhà tạm thời,…
Đơn xin cấp số nhà tạm thời là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xét duyệt nguyện vọng của chủ sở hữu nhà ở.
2. Mẫu đơn xin cấp số nhà tạm thời mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
….., ngày….tháng…năm…..
ĐƠN XIN CẤP SỐ NHÀ TẠM THỜI
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân phường A
Căn cứ Quyết định số: 04/2014/QĐ-UBND Quyết định về việc ban hành quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Tên tôi là: …
Ngày sinh: …../…/….
CMND/ CCCD: ….… Ngày cấp:…/…./…. Nơi cấp:……
Hộ khẩu thường trú:……
Chỗ ở hiện nay:……
Điện thoại liên hệ: …….
Tôi làm đơn này xin trình bày với quý cơ quan nội dung sau:
Do nhu cầu mở rộng địa điểm kinh doanh của gia đình nên gia đình tôi đã tiến hành xây dựng một cửa hàng nhỏ trên khu phố ….., cạnh hai nhà số …… thuộc phường A….. Nay chúng tôi đã hoàn tất xong các thủ tục xây dựng cũng như giấy tờ xác lập quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại thửa đất này của gia đình tôi hiện nay chưa được cấp số, đánh số nhà theo khu phố. Do đó, gia đình tôi có nhu cầu được cấp số nhà để thuận tiện cho quá trình kinh doanh.
Căn cứ Điều 4 Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội theo đó, tôi kính đề nghị Ủy ban nhân dân phường A xem xét, cấp số nhà tạm thời cho gia đình tôi với của hàng kinh doanh nói trên.
Tôi xin gửi kèm theo đơn là các giấy tờ có liên quan sau:
– Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ……
– Giấy phép xây dựng ……
Tôi xin cam đoan những nội dung trình bày và giấy tờ cung cấp ở trên là đúng sự thật. Kính mong quý cơ quan xem xét giải quyết cho tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn xin cấp số nhà tạm thời chi tiết nhất:
Phần kính gửi của đơn:
Thẩm quyền giải quyết đơn xin cấp số nhà tạm thời sẽ thuộc về UBND nơi người làm đơn cư trú. Vì vậy, phần kính gửi người làm đơn ghi rõ UBND phường….nơi mình cư trú (Ví dụ: Kính gửi: Ủy ban nhân dân phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội)
Phần thông tin của người làm đơn:
Tên tôi là: Ghi rõ họ tên bằng chữ in hoa có dấu
Ngày sinh: Xác định theo ngày, tháng, năm được ghi trong CMND và được ghi đầy đủ 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số, 04 chữ số cho năm sinh
CMND/ CCCD: Ghi đầy đủ số CMND và số hộ chiếu (nếu có), chú ý ghi rõ nơi cấp, cơ quan cấp CMND
Hộ khẩu thường trú: Ghi theo thông tin theo sổ hộ khẩu. Trong trường hợp thay đổi địa chỉ thường trú phải ghi theo địa chỉ đã thay đổi
Chỗ ở hiện nay: Ghi theo địa chỉ nơi ở hiện tại ( ghi rõ tên đường, khu phố, phường/xã/thị trấn, Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương)
Điện thoại liên hệ: Ghi thông tin số điện thaoij của người làm đơn
Trình bày lý do làm đơn xin cấp số nhà tạm thời:
Cá nhân làm đơn nếu gửi kèm theo đơn các giấy tờ có liên quan phải liệt kê đầy đủ
Ví dụ:
– Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất …
– Giấy phép xây dựng ……
Người làm đơn cam đoạn nội dung trình bày trong đơn là đúng sự thật
Cuối đơn người làm đơn ký và ghi rõ họ tên
4. Thủ tục xin cấp biển số nhà:
Theo
Căn cứ pháp lý: Quyết định 04/2014/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin cấp số nhà tạm thời gồm:
– Đơn xin cấp số nhà tạm thời 03 bản;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 01 bản (sao y có chứng thực hoặc photo kèm bản chính đối chiếu).
– Giấy phép xây dựng và giấy phép điều chỉnh (nếu có): mỗi thứ 01 bản (sao y có chứng thực hoặc photo kèm bản chính đối chiếu).
– Bản vẽ phê duyệt đính kèm giấy phép xây dựng: 01 bản (sao y có chứng thực hoặc photo kèm bản chính đối chiếu);
– Chứng minh nhân dân, hộ khẩu (cũ) hoặc sổ tạm trú: mỗi thứ 01 bản (photo).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Chủ hộ nộp trực tiếp hồ sơ xin cấp số nhà tạm thời tại UBND quận, huyện, thị xã,…hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc các hình thức khác theo quy định
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã cấp Giấy chứng nhận số nhà trong thời gian 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày gắn xong biển số nhà, chuyển Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trao cho đối tượng được cấp Giấy sau 5 (năm) ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận số nhà.
5. Nguyên tắc đánh số nhà:
Căn cứ theo Điều 4, 5
5.1. Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách:
– Đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…).
– Quy định về chiều đánh số nhà
+ Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;
+ Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ. Trường hợp ngõ đặt tên theo đường, phố và ngõ thông ra đường, phố cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ bên kia.
+ Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách;
+ Đối với ngõ hoặc ngách chưa có tên thì chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản này và tên ngõ hoặc ngách được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu ngõ hoặc ngách đó.
5.2. Nguyên tắc đánh số căn hộ của nhà chung cư:
– Đánh số căn hộ được sử dụng dãy số tự nhiên với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ tầng nhà có căn hộ đó.
– Chiều đánh số căn hộ
+ Trường hợp ngôi nhà chung cư có một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số căn hộ hoặc phòng được thực hiện theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó.
Trong trường hợp ngôi nhà có nhiều cầu thang, bố trí hành lang giữa thì chọn cầu thang có vị trí gần nhất tiếp giáp với lối đi vào. Chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc trên;
+ Trường hợp ngôi nhà có hành lang bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.
Căn cứ pháp lý:
– Quyết định 05/2006/QĐ-BXD về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà
– Quyết định 04/2014/QĐ-UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.